Đường hành lang chiến lược qua tỉnh Đắk Lắk: Góp phần quan trọng vào thắng lợi của kháng chiến chống Mỹ
Quán triệt Nghị quyết 15 về đường lối cách mạng miền Nam của Ban Chấp hành Trung ương Đảng để đưa cán bộ, bộ đội và vũ khí chi viện cho cách mạng miền Nam, vào tháng 5/1959, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định thành lập Đoàn vận tải chiến lược Bắc - Nam (Đoàn 559).
Theo đó, Trung ương chỉ đạo Liên khu ủy Khu V giao cho tỉnh Đắk Lắk gấp rút khai thông đường hành lang chiến lược từ Nam Tây Nguyên đến Đông Nam Bộ. Có thể khẳng định, việc khai thông đường hành lang chiến lược đoạn qua tỉnh Đắk Lắk đã góp phần làm nên thắng lợi to lớn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Là trung tâm khu vực Tây Nguyên, Đắk Lắk có hệ thống giao thông đường bộ quan trọng cả về kinh tế và an ninh - quốc phòng. Thực hiện Chỉ thị của Trung ương và Liên khu ủy V, giữa năm 1959, đồng chí Hồng Ưng, Liên Tỉnh ủy viên được điều vào làm Bí thư tỉnh Đắk Lắk cùng một số cán bộ của Đắk Lắk, Gia Lai trực tiếp chỉ đạo việc khai thông đường vào Nam Bộ. Đường hành lang đoạn từ Nam Tây Nguyên đến Đông Nam Bộ xuất phát từ tỉnh Đắk Lắk nối hành lang phía Bắc của Tây Nguyên, qua sông Sêrêpốk, đi qua vùng buôn U, buôn Trum (bắc Quốc lộ 14). Sau đó, tuyến đường được chia cắt thành hai nhánh: một nhánh đi về hướng đông nối với hành lang của tỉnh Lâm Đồng xuống bãi Cát Tiên; một nhánh khác đi về hướng tây, nối hành lang của tỉnh Phước Long sau đó rẽ sang Lâm Đồng hợp điểm với nhánh phía đông tại bãi Cát Tiên rồi cùng về chiến khu Đ (là chỗ đứng chân của Trung ương Cục miền Nam).
Đoàn xe vận chuyển hàng hóa trên đường Trường Sơn.Ảnh: TTXVN |
Đến đầu năm 1960, ở hướng Đông Lắk, ta đã mở được đường từ chân núi Chư Yang Sin đến giáp Khánh Hòa. Ở phía Nam Lắk, ta đã mở được đường từ Đắk Rhiêu, Tré Pul tới giáp Lâm Đồng… Ở hướng Tây Nam (Quảng Đức), ta đã mở đường vào giáp Phước Long. Đến tháng 10/1960, đội xoi đường của Nam Tây Nguyên đã bắt liên lạc với đội xoi đường miền Đông Nam Bộ tại sông Đắk Rtih thuộc tỉnh Quảng Đức. Đường hành lang chiến lược vào Nam Bộ đã được khai thông. Có thể nói, hành lang chiến lược được khai thông đã nối liền Tây Nguyên với Đông Nam Bộ, biến một vùng rộng lớn trở thành căn cứ kháng chiến, góp phần đưa cách mạng miền Nam nói chung, Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ chuyển sang giai đoạn cách mạng mới.
Từ khi hoàn thành việc mở đường hành lang, phong trào các vùng trong tỉnh Đắk Lắk phát triển nhanh chóng và trở thành căn cứ vững chắc ở Nam Tây Nguyên. Qua một thời gian hoạt động, cơ sở ở Tây Nguyên được mở rộng và nối liền với các cơ sở ở tây Khánh Hòa, tây Ninh Thuận, Quảng Đức, Lâm Đồng vào đến chiến khu Đ. Vùng Quảng Đức phát triển về phía tây nối với Đông Bắc Campuchia và trở thành một nhánh của đường Hồ Chí Minh sau này
Trong điều kiện địch kiểm soát gắt gao, mạng lưới gián điệp dày đặc, việc bảo vệ tuyến đường hành lang vô cùng khó khăn. Thực hiện chỉ đạo của Khu ủy và Tỉnh ủy Lâm Đồng, Phước Long, Đắk Lắk, hàng nghìn lượt dân công hỏa tuyến đã được huy động tham gia mở đường cho các đơn vị vận tải ô tô chuyển lương thực, vũ khí vào miền Nam. Hệ thống đường dây vận chuyển đi lại trên hành lang từ tỉnh qua các huyện và ngược lại vẫn vận hành đều đặn, an toàn, thông suốt, tạo ra thế liên hoàn lưu thông với căn cứ huyện Lạc Thiện, nối liền với Lâm Đồng, Đông Nam Bộ và đường hành lang chiến lược Bắc - Nam bên kia biên giới Campuchia. Cùng với đó, đường ống xăng dầu do Liên Xô chi viện từ miền Bắc vào được lắp đặt đến Lộc Ninh, đi qua địa bàn Đắk Lắk sang biên giới Campuchia cung cấp nguồn nhiên liệu lớn, đảm bảo cho các binh chủng, xe cơ giới tiến về giải phóng Sài Gòn.
Các chiến sĩ vận tải vận chuyển hàng nghìn tấn hàng hoá theo tuyến đường Trường Sơn để phục vụ chiến dịch Tây Nguyên, mở màn cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975. Ảnh: TTXVN |
Thực hiện Chỉ thị của Trung ương, tỉnh Đắk Lắk đã tập trung xây dựng các căn cứ cách mạng, tự túc sản xuất, trồng lúa, khoai, sắn đảm bảo đời sống cho cán bộ, chiến sĩ, đồng thời phát động nhân dân làm rẫy cách mạng, thực hiện “nhường cơm sẻ muối”. Đồng bào còn trực tiếp tham gia canh giữ, bảo vệ cung trạm, xoi, dẫn đường cho cán bộ qua lại trên địa bàn, nhân dân được huy động tham gia đi dân công, vận chuyển hàng hóa, đưa đón cán bộ, bộ đội. Đồng bào các buôn làng không kể thanh niên nam, nữ, trẻ già tích cực tham gia gùi, cõng hàng hóa, đạn dược, đưa đường cho cán bộ, bộ đội. Các buôn làng dọc đường hành lang đã ủng hộ, đóng góp lương thực, cung cấp thực phẩm, trâu, bò, heo, gà… phục vụ các đoàn công tác qua các trạm đường dây với tinh thần tự nguyện rất cao.
Quyết định xoi, mở đường qua địa bàn Đắk Lắk còn giúp vun đắp tình đoàn kết liên minh chiến đấu chống kẻ thù chung của nhân dân Việt Nam với nhân dân Campuchia. Theo đó, nhân dân Campuchia không chỉ nhất trí để cách mạng Việt Nam mở đường bộ, đường vận chuyển hàng hóa từ hành lang chiến lược Trường Sơn đi qua, mà còn tạo điều kiện cho các đơn vị hậu cần thu mua lương thực, thực phẩm cung cấp cho các đơn vị chiến đấu. Ngược lại, Việt Nam giúp cách mạng Campuchia tổ chức xây dựng lực lượng chiến đấu giải phóng các tỉnh Đông Bắc Campuchia. Sự chi viện vũ khí, khí tài, phối hợp chiến đấu đi qua đoạn đường này góp phần thắng lợi trong những chiến dịch quân sự lớn như chiến dịch Chenla I, Chenla II... khi đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh sang Campuchia, đặc biệt trong giai đoạn cuối cùng giải phóng Pnôm Pênh.
Đúng như Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhận định: đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh là “một trong những nhân tố chiến lược có ý nghĩa quyết định đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn”. Quyết định xoi, mở đường hành lang chiến lược phía Nam Tây Nguyên nói chung, đoạn qua địa bàn tỉnh Đắk Lắk nói riêng không chỉ mở ra bước ngoặt mới cho tuyến đường huyết mạch Bắc - Nam, tạo lập căn cứ địa cách mạng - hậu phương tại chỗ một cách vững chắc, tạo lập các yếu tố tiếp tục vun đắp, gắn kết cách mạng ba nước Đông Dương, tạo thế liên hoàn cho các chiến trường quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, mà còn thúc đẩy phong trào cách mạng của các dân tộc nơi đây phát triển. Đây là quyết định sáng suốt của Đảng, hợp với lòng dân, phù hợp với yêu cầu khách quan trong tiến trình phát triển của cách mạng miền Nam, đồng thời là chiến công mang tính bước ngoặt lịch sử trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta.
Cẩm Trang
Ý kiến bạn đọc