Multimedia Đọc Báo in

Tạo điều kiện tốt nhất, chăm lo chu đáo nhất cho trẻ em

07:58, 01/06/2022

Công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em được xác định là nhiệm vụ có tầm quan trọng đặc biệt trong chiến lược phát triển nguồn lực con người của Việt Nam.

Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến công tác trẻ em để bảo đảm thực hiện tốt nhất các quyền của trẻ em và xác định: “Chăm lo bồi dưỡng, giáo dục, phát triển toàn diện và bảo đảm quyền của trẻ em; dành những điều kiện tốt nhất, sự chăm lo chu đáo nhất cho trẻ em - tương lai của đất nước”.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng thiếu niên, nhi đồng là người chủ tương lai của nước nhà. Trong “Thư gửi thiếu nhi toàn quốc” nhân ngày 1/6/1950, Người viết: “Ở nước Việt Nam ta, thì vì giặc Pháp gây ra chiến tranh, chúng nó đốt nhà, giết người, cướp của. Vì vậy, người lớn phải kháng chiến, trẻ con cũng phải kháng chiến. Bác thương các cháu lắm. Bác hứa với các cháu rằng: đến ngày đánh đuổi hết giặc Pháp, kháng chiến thành công, thì Bác cùng Chính phủ và các đoàn thể cũng cố gắng làm cho các cháu đều được no ấm, đều được vui chơi, đều được học hành, đều được sung sướng”.

Trong bài báo “Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng” đăng Báo Nhân dân ngày 1/6/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Thiếu niên, nhi đồng là người chủ tương lai của nước nhà. Vì vậy, chăm sóc và giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. Công tác đó phải làm kiên trì, bền bỉ… Vì tương lai của con em ta, dân tộc ta, mọi người, mọi ngành phải có quyết tâm chăm sóc và giáo dục các cháu bé cho tốt”.

Thấm nhuần tư tưởng của Bác Hồ về chăm sóc và giáo dục thiếu niên nhi đồng, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách, văn bản, trong các văn kiện của Đảng, hệ thống pháp luật bảo vệ các quyền trẻ em. Quyền trẻ em đã tương đối đầy đủ, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, hài hòa với pháp luật quốc tế, tạo hành lang pháp lý toàn diện nhằm bảo vệ và thực hiện quyền trẻ em ở mức cao nhất.

Bác Hồ đến thăm, chia kẹo cho các cháu thiếu nhi ở Trường Mầm non thị xã Thanh Hóa (10/12/1961). Ảnh: Tư liệu TTXVN

Vấn đề về quyền trẻ em đã được hiến định từ Hiến pháp năm 1946 cho đến Hiến pháp sửa đổi, bổ sung năm 2013. Theo đó, Hiến pháp năm 2013 quy định: Các quyền công dân, trong đó có các quyền trẻ em phù hợp với điều kiện phát triển mới; quyền và bổn phận của trẻ em; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, các tổ chức trong việc bảo vệ quyền trẻ em; đặt quyền và bổn phận trẻ em trong mối quan hệ với quyền và nghĩa vụ của công dân và coi đó là một bộ phận không thể tách rời…

Từ quy định của Hiến pháp, các quyền này của trẻ em đã được luật hóa thông qua Luật Trẻ em năm 2016 gồm 7 Chương và 106 Điều, trong đó quy định 25 quyền dành cho trẻ em. Cùng với đó, còn có nhiều văn bản pháp luật khác cũng chứa đựng những quy định trực tiếp hoặc gián tiếp về quyền trẻ em, như Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Lao động, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Giáo dục, Luật Thanh niên, Luật Nuôi con nuôi… Nhiều chương trình, đề án, dự án về trẻ em đã được triển khai như: Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em; Chương trình quốc gia bảo vệ trẻ em; Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em; Chương trình phòng, chống bạo lực đối với trẻ em; Chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em và các chương trình chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em…

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định nhiệm vụ giai đoạn tới, đó là: “Tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em, kiểm soát tình hình tai nạn, bạo lực với trẻ em. Tiến tới phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em dưới 5 tuổi. Tăng cường giám sát, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em”, phấn đấu “Đến năm 2030, giảm tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi xuống còn 15‰, dưới 1 tuổi xuống còn 1‰”.

Để làm tốt nhiệm vụ đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để tất cả mọi người trong xã hội, đặc biệt là trẻ em biết được quyền của mình; để thay đổi nhận thức trong công tác bảo vệ quyền trẻ em của các cơ quan chức năng, của gia đình, nhà trường, xã hội. Cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của các cấp, các ngành và toàn xã hội để xây dựng một môi trường sống an toàn và lành mạnh cho trẻ em phát triển toàn diện, đặc biệt là môi trường gia đình và môi trường giáo dục trong nhà trường. Ngành giáo dục cũng cần: “Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; từ học tập chủ yếu trên lớp sang tổ chức hình thức học tập đa dạng… giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội. Đào tạo con người theo hướng có đạo đức, kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm công dân, xã hội” (Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII).

Cẩm Trang


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.