Multimedia Đọc Báo in

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV

Xem xét dự án Luật Giá (sửa đổi) và thảo luận dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi)

17:43, 02/11/2022

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, chiều 2/11 dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, đại biểu nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Giá (sửa đổi) và tiến hành thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi).

Đánh giá kỹ, toàn diện cả lý luận và thực tiễn việc quy định Quỹ bình ổn giá

Trình bày Tờ trình về dự án Luật Giá (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, về bố cục và nội dung cơ bản của dự thảo Luật giá (sửa đổi) gồm 8 chương, 72 điều, so với Luật hiện hành đã bổ sung 3 chương: Chương III về nội dung quản lý nhà nước về giá, thẩm định giá và nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan nhà nước; Chương V về công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường và Chương VII về kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá nhằm củng cố cơ sở pháp lý cho việc triển khai nhiệm vụ này trong thực tiễn.

Nội dung dự thảo Luật giá (sửa đổi) đã bám sát mục đích, quan điểm chỉ đạo và cụ thể hóa 9 nhóm chính sách đề nghị xây dựng Dự án Luật. Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, qua rà soát, đề xuất đưa ra khỏi Danh mục 14 hàng hóa, dịch vụ không phù hợp với 4 tiêu chí xác định hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá đã đề ra tại Luật và thực hiện theo cơ chế giá thị trường.

 Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày Tờ trình về dự án Luật Giá (sửa đổi). Ảnh: Quochoi.vn
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày Tờ trình về dự án Luật Giá (sửa đổi). Ảnh: Quochoi.vn

Bên cạnh đó, Chính phủ đề nghị bổ sung 2 mặt hàng vào Danh mục hàng hóa dịch vụ do Nhà nước định giá là sách giáo khoa và hàng hóa, dịch vụ phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh thực hiện đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các đơn vị, doanh nghiệp quốc phòng, an ninh. Như vậy, Danh mục hàng hóa dịch vụ do Nhà nước định giá là 40 nhóm hàng hóa, dịch vụ.

Đối với chính sách về bình ổn giá, Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định, dự thảo Luật chỉ quy định nguyên tắc xác định danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá và giao Chính phủ quy định chi tiết để bảo đảm tính linh hoạt trong thực hiện. Các biện pháp bình ổn giá cơ bản được kế thừa như Luật hiện hành, tuy nhiên có điều chỉnh theo nội dung chính sách. Bên cạnh đó, mặc dù tại dự thảo Luật giá sửa đổi không quy định điều chỉnh trực tiếp đối với Quỹ bình ổn giá xăng dầu, tuy nhiên do những quy định về lập quỹ bình ổn giá tại Luật cũng sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến tính pháp lý của quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Giá (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường nhấn mạnh sự cần thiết ban hành Luật Giá (sửa đổi) và chỉ rõ, sau gần 10 năm thực hiện, Luật Giá năm 2012 đã bộc lộ một số hạn chế cần kịp thời sửa đổi.

Về nguyên tắc bình ổn giá, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị việc áp dụng bình ổn giá phải bảo đảm: Bình ổn trên cơ sở điều tiết thông qua các biện pháp kinh tế như điều hòa cung - cầu. Đối với một số mặt hàng cần có khung giá phù hợp; kiểm soát tốt biến động giá từ đó kiềm chế lạm phát hoặc giảm phát; hạn chế tối đa can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính, trái quy luật thị trường. Đồng thời hạn chế áp dụng biện pháp hỗ trợ về giá thông qua trực tiếp sử dụng ngân sách nhà nước để bù giá, bù lỗ.

Đại biểu tham dự phiên làm việc. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu tham dự phiên làm việc. Ảnh: Quochoi.vn

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách nêu rõ, việc quy định về Quỹ bình ổn giá cần đánh giá kỹ, toàn diện cả lý luận và thực tiễn, làm rõ ưu điểm, nhược điểm; xác định rõ trường hợp thành lập, điều kiện thành lập; việc thành lập Quỹ cần có mục tiêu, thời hạn và giải thể Quỹ khi hoàn thành mục tiêu.

Về danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết, so với quy định của Luật hiện hành, Dự thảo Luật bổ sung nhiều hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá. Tuy nhiên đề nghị rà soát, để một mặt bảo đảm vai trò quản lý nhà nước song phải tôn trọng yếu tố thị trường. Đồng thời bổ sung các tiêu chí để bảo đảm tính cụ thể, tránh áp dụng tùy tiện, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng. Đối với một số lĩnh vực đặc thù cần đánh giá kỹ thực tiễn để có quy định khắc phục những bất cập phát sinh thời gian qua…

Bảo đảm tính đầy đủ của các quy trình, thủ tục để tiến hành Kỳ họp

Đóng góp ý kiến thảo luận dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi), đại biểu cho rằng dự thảo lần này đã thể hiện rõ quan điểm chỉ đạo là bảo đảm tính đầy đủ của các quy trình, thủ tục để tiến hành kỳ họp Quốc hội, mở rộng dân chủ, tăng tính pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, công khai, minh bạch, khoa học hợp lý, hiệu quả và thích ứng linh hoạt với tình hình thực tế; đồng thời, phân định rõ ràng, trách nhiệm cơ chế phối hợp của các cơ quan hữu quan tham gia vào kỳ họp.

Đại biểu ghi nhận việc thiết kế nội dung các điều khoản trong dự thảo đã bảo đảm bám sát định hướng, đổi mới phương thức tổ chức và hoạt động của Quốc hội, nhất là về mở rộng quyền nâng cao trách nhiệm của đại biểu Quốc hội. Cải tiến cách thức điều hành tiếp tục chuyển biến hoạt động của Quốc hội từ tham luận sang thảo luận và tranh luận, áp dụng công nghệ thông tin xây dựng một Quốc hội điện tử trong tương lai. 

Quang cảnh phiên làm việc. Ảnh: Quochoi.vn
Quang cảnh phiên làm việc. Ảnh: Quochoi.vn

Về nội dung chất vấn tại phiên họp toàn thể, đại biểu cho rằng thảo đã chỉnh sửa quy định linh hoạt hơn theo hướng việc tranh luận không giới hạn, chỉ có đại biểu đặt câu hỏi mới có quyền tranh luận, nhưng để bảo đảm công bằng thì đại biểu nào đặt câu hỏi thì có quyền ưu tiên được tranh luận trước. Đồng thời, quy định thêm các đại biểu không được phép lạm dụng quyền tranh luận của mình để hỏi các vấn đề khác.

Nhấn mạnh thảo luận là trung tâm trong hoạt động của Kỳ họp, đại biểu cho rằng hoạt động thảo luận của Quốc hội hiện nay còn phần nhiều là tham luận, do đó cần đổi mới căn bản, nhất là đổi mới phương thức thảo luận của các đại biểu Quốc hội.

Phát biểu góp ý vào dự thảo Nghị quyết này, đại biểu cho rằng, tại các phiên thảo toàn thể tại hội trường, nhất là các phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, cách thảo luận như hiện nay sẽ có nhiều đại biểu Quốc hội được thảo luận và được lắng nghe ý kiến ở tất cả các Đoàn, đề cập được nhiều vấn đề cử tri quan tâm, nhưng lại quá dàn trải. 

Đại biểu đề nghị nên có quy định đổi mới theo hướng sau khi thảo luận tại tổ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nên chọn một số vấn đề lớn được đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận và còn nhiều quan điểm khác nhau để thảo luận ở hội trường, dành thời gian bàn thảo, tranh luận cho sáng tỏ. Từ đó có thể đưa ra các quyết sách đúng tầm, và thông báo trước cho đại biểu Quốc hội vài ngày để các đại biểu cái thời gian nghiên cứu và chuẩn bị và tiến hành thảo luận theo thứ tự ưu tiên. 

Theo đại biểu, với cách thức này, những ai nắm chắc, nắm sâu vấn đề gì thì sẽ bấm nút để đăng ký tham gia, không cần nhường nhau để mỗi Đoàn đều có đại diện được phát biểu như hiện nay, nhưng quan trọng hơn là sẽ tránh được những thông tin trùng lắp, dàn trải... 

Việc chọn những vấn đề trọng tâm để thảo luận cũng giúp cho các đại biểu dù không tham gia tranh luận cũng sẽ yên tâm hơn khi đưa ra các quyết định của mình vì đã được nghe các ý kiến trao đi, đổi lại, nghe phân tích ở nhiều khía cạnh khác nhau…

Đại biểu cũng cho rằng, việc đổi mới phương thức thảo luận sẽ nâng cao năng lực tranh luận, tranh biện của đại biểu Quốc hội, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Đại biểu đề nghị cần thay đổi phương thức thảo luận tại tổ, chuyển đổi mạnh mẽ từ tham luận sang tương tác, biện luận trực tiếp, cụ thể, cần có thay đổi trong thủ tục tiến hành thảo luận tại tổ, thủ tục thảo luận tại các phiên họp toàn thể, quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của chủ tọa phiên họp, đảm bảo phiên họp diễn ra với hiệu quả cao, đạt được kết quả thực chất…

Lan Anh (tổng hợp)
 


Ý kiến bạn đọc


(Inforgraphic) Kết quả thực hiện một số chỉ tiêu của tỉnh Đắk Lắk 9 tháng năm 2024
9 tháng của năm 2024, tình hình kinh tế- xã hội của tỉnh Đắk Lắk tiếp tục phát triển, hầu hết các chỉ tiêu đều tăng so với cùng kỳ. Đáng kể trong đó nhiều lĩnh vực có mức tăng trưởng tích cực, vượt cao so cùng kỳ năm 2023.