Multimedia Đọc Báo in

Người đảng viên trọn đời trung kiên

08:06, 15/12/2022

Dịp kỷ niệm 105 năm Cách mạng Tháng Mười Nga vừa qua (7/11/2022), ông Nguyễn Hữu Hiền (92 tuổi, ở tổ dân phố 2, thị trấn Krông Kmar) là một trong hai đảng viên lão thành của huyện Krông Bông vinh dự được trao tặng Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng. Cả cuộc đời mình, ông Hiền luôn là người đảng viên gương mẫu, trung kiên.

Quê ông Hiền ở xã Minh Châu, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Tuổi thơ nhiều cơ cực, ông phải đi ở thuê cho một gia đình địa chủ trong xã. Cách mạng Tháng Tám thành công, ông Hiền tham gia vào đội Thiếu niên cứu quốc. Năm 1947, ông được kết nạp vào Đảng khi mới tròn 17 tuổi.

Là một đảng viên trẻ, ông Hiền gia nhập vào đội du kích xã, được phân công giữ chức vụ Chính trị viên xã đội, ban ngày tổ chức mai phục đánh địch, ban đêm bảo vệ đường dây đưa cán bộ, vận chuyển thương binh từ xã Minh Châu (Thái Bình) theo đường 39 sang Hà Nam…

Ông Nguyễn Hữu Hiền 92 tuổi, 75 năm tuổi Đảng.

Năm 1950 – 1951, thực dân Pháp tổ chức một lực lượng quân viễn chinh gồm lính Pháp, Ma rốc, Tuynidi, Ấn Độ... đi càn quét với quy mô lớn vào một số địa phương của tỉnh Thái Bình, ông Hiền bàn bạc cùng xã đội trưởng lập kế hoạch xây dựng làng chiến đấu, chống càn bảo vệ vững chắc địa bàn. Sau đó, ông bị địch bắt đưa về Chợ Bo (Thái Bình) tra tấn dã man. Không khai thác được thông tin gì ở ông, địch sau đó đưa ông đi lao dịch khổ sai xây dựng lô cốt cho chúng ở Cát Bi (Hải Phòng). May mắn, vào dịp sinh nhật của một vị tướng chỉ huy Pháp, ông Hiền được đặc xá thả về địa phương và tiếp tục tham gia cách mạng.

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, đội du kích xã Minh Châu được trang bị 2 súng trung liên, 2 súng tiểu liên và một súng moóc (giống như súng cối ngày nay). Có thêm vũ khí, ông chủ động bố trí lực lượng, vượt sông chiếm lĩnh trận địa bao vây chặt các đồn, bót không cho quân Pháp chạy thoát ra ngoài.

Miền Bắc được giải phóng, từ năm 1954 đến năm 1966 ông Hiền đã trải qua nhiều công việc ở địa phương với các chức vụ khác nhau như: Chủ nhiệm hợp tác xã, Trưởng Công an rồi Chủ tịch UBND xã, trên cương vị nào ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Năm 1966, quân Mỹ leo thang chiến tranh, đánh phá miền Bắc ác liệt, ông Hiền được điều động về đường dây K66 (Bộ Giao thông) đóng quân ở Thanh Hóa, Hà Tĩnh. Những ngày tháng chiến đấu ở cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa) là những ngày tháng gian khó, nguy hiểm nhất. Từ cầu Tào đến cầu Hàm Rồng chỉ cách xa hơn 1 km nhưng địch đánh bom ngày đêm, vì thế để bảo toàn lực lượng và đường dây, đơn vị ông phải dùng cầu phao chuyển quân vào ban đêm và thời gian di chuyển phải thật nhanh, đến nơi kịp thời tháo rời phao để tránh bị địch phát hiện…

Sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, ông Hiền được cử đi học ở Liên Xô. Tuy nhiên, ông quyết định ở lại, cùng đoàn cán bộ cốt cán của tỉnh Thái Bình tăng cường vào Đắk Lắk, lãnh đạo xây dựng chính quyền ở các xã kinh tế mới. Bản thân ông được phân công về làm Bí thư Chi bộ xã Hòa Tân (huyện Krông Bông).

Ông Nguyễn Hữu Hiền trong lễ trao tặng Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng.

Với kinh nghiệm lãnh đạo xây dựng hợp tác xã nông nghiệp ở miền Bắc, trong 10 năm làm Bí thư Chi bộ xã Hòa Tân, ông Hiền đã lãnh đạo xây dựng thành công hợp tác xã quy mô toàn xã, chủ động xin cấp trên hỗ trợ máy bơm làm ruộng nước, thành lập Công trường Thanh niên sản xuất đảm bảo lương thực cho người dân, trọng dụng những người có khả năng, có trình độ chuyên môn kỹ thuật làm lợi cho tập thể. Nhờ vậy, đời sống vật chất và tinh thần của người dân vùng kinh tế mới từng bước ổn định và phát triển. Đến năm 1987, ông Hiền chuyển công tác làm Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Khuê Ngọc Điền cho đến ngày nghỉ hưu.

Suốt 75 năm đứng trong hàng ngũ của Đảng, ông Nguyễn Hữu Hiền không chỉ có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng, xây dựng và phát triển quê hương mà ông còn là tấm gương sáng về lòng trung kiên, lối sống giản dị, giàu lòng nhân ái, tinh thần trách nhiệm cao, được nhân dân kính trọng, yêu quý… Ông đã được tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng Nhất, Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng, Kỷ niệm chương xây dựng và phát triển tỉnh Đắk Lắk và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Mai Viết Tăng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.