Multimedia Đọc Báo in

Những hành trình mở đất, lập làng...

10:00, 15/02/2024

Lịch sử vùng đất Đắk Lắk là một quá trình phát triển liên tục qua nhiều giai đoạn trải suốt theo dặm dài của lịch sử đất nước. Trong tiến trình ấy, có những nhóm cư dân vượt ngàn dặm đường đến vùng đất này, góp mặt hội tụ 49 dân tộc cùng chung sống đoàn kết, chăm lo phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng quê hương…

“Họ truyền giọng điệu mình cho con tập nói/ Họ gánh theo tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân”. Trong bài “Đất nước”, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã viết những câu thơ khái quát và đầy tính triết lý về sự di dân, về sự trao truyền những giá trị văn hóa, văn minh, tinh thần, vật chất và cả tình yêu quê hương, đất nước của lớp lớp thế hệ người Việt. Để trả lời cho câu hỏi về hành trình mở đất, lập làng trên cao nguyên Đắk Lắk, tôi đã tìm gặp những nhân chứng còn lại ít ỏi và cũng thử hình dung, hòa mình vào bối cảnh cùng tâm thế của người đi đến miền đất mới ở thế kỷ trước, để mường tượng về Đắk Lắk một thời quá vãng.

Đình Lạc Giao - ngôi đình đầu tiên của người Kinh tại Đắk Lắk. Ảnh: Hoàng Gia

Ấy là bóng dáng của thương nhân Phan Hộ qua lời kể của ông Nguyễn Văn Bảy - người đã nhiều năm gắn bó, làm công tác quản lý Di tích lịch sử - văn hóa Đình Lạc Giao. Từ cuối thập niên 20 của thế kỷ XX, ông Phan Hộ từ làng Đại Cát (xã Ninh Phụng, huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) đã lặn lội tìm đường lên Buôn Ma Thuột để buôn bán, trao đổi hàng hóa với người bản địa. Sau đó ông rủ thêm gần chục gia đình đến nơi đây lập làng, xây dựng mái đình đặt tên là Lạc Giao với mong muốn an cư lập nghiệp, chung sống chan hòa, vui vẻ. Và đây cũng là ngôi làng đầu tiên của người Kinh trên vùng đất này. Thuở ban đầu lập làng (1924-1928) chỉ có vài ba chục người miền Trung sinh sống, cây cối um tùm, rậm rạp bao quanh. Dần dần những người từ các nơi đến ngày càng đông, chợ cũng xuất hiện, người Kinh, người dân tộc thiểu số bản địa giao lưu, buôn bán, trao đổi hàng hóa ngày một nhộn nhịp hơn…

Đó còn là câu chuyện của ông Bàn Văn Ba ở thôn 3 (xã Cư Suê, huyện Cư M’gar) theo cha mẹ từ xã Hòa Bình (huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh) rời quê hương để đi tìm vùng đất mới. Ngày ấy, vào năm 1954, hàng trăm người Dao như gia đình ông theo đức giám mục lênh đênh trên con tàu to, đen sì vượt sóng vào Sài Gòn, rồi được đưa lên Lâm Đồng, sang Đắk Lắk làm thuê cho đồn điền CHPI của người Pháp ở Buôn Ma Thuột. Thời đó “rừng thiêng, nước độc”, đói khát, bệnh tật, cực khổ trăm bề… Khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, thì kiếp sống làm thuê tủi nhục chấm dứt, những lớp người Dao cha ông được nhận vào làm công nhân Nông trường Cà phê 11/3. Một thời gian sau, vào năm 1977, mọi người xin nghỉ làm công nhân, tình nguyện đi kinh tế mới và dắt díu nhau về xã Cư Suê (huyện Cư M’gar) định cư, khai khẩn đất hoang làm nương rẫy. Đến năm 1982, xã đã khoanh vùng diện tích cho các thôn buôn, và cái tên thôn Bình Minh (nay là thôn 3) được ra đời từ ngày ấy…

Hình ảnh của một thuở lập làng, đấu tranh giành từng tấc đất cũng được tái hiện qua câu chuyện kể của ông Nguyễn Văn Đễ (Để) nguyên là Đội trưởng Đội du kích, Xã đội Trưởng xã Khuê Ngọc Điền (huyện Krông Bông). Gia đình ông gồm 5 nhân khẩu cùng vài chục hộ gia đình khác từ vùng quê Bình Trị (huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) bị chế độ Ngô Đình Diệm “xúc” đến đây vào năm 1959. Sống giữa vòng kìm kẹp, bị kiểm soát, bắt bớ, tra tấn dã man, nhưng người dân ai nấy đều nung nấu ý chí, chờ thời cơ thuận lợi để đứng lên phá tan ách thống trị của bọn tay sai bù nhìn. Tháng 2/1965, lực lượng vũ trang của ta tấn công giải phóng Khuê Ngọc Điền. Địch hoảng loạn bỏ chạy, nhân dân nổi dậy bắt tề ngụy. Những năm tháng tiếp sau đó, địch tổ chức càn quét, bắn phá, đốt nhà, rải chất độc hóa học da cam ở vùng giải phóng. Trước tình hình đó, các địa bàn dân cư đều phải dời sâu vào chân núi Cư Yang Sin để lập làng chiến đấu. Lúc này, số dân chỉ còn lại hơn 150 hộ với 338 nhân khẩu…

Vào Đắk Lắk lập nghiệp từ năm 1994, người dân buôn Thái (xã Ea Kuêh, huyện Cư M’gar) vẫn giữ gìn, bảo tồn nét văn hóa đặc sắc. Ảnh: Hoàng Gia

Từng gương mặt người, từng câu chuyện kể như đưa tôi về miền xa thẳm, xuôi theo dòng sông lịch sử. Đó là hành trình đi xây dựng kinh tế mới những năm sau giải phóng của người dân, lực lượng thanh niên xung phong từ các tỉnh Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An… lên Đắk Lắk lập nghiệp, từ đó mở ra hàng chục điểm khai hoang cấp tỉnh như: Buôn Triết, Buôn Trấp, Ea Kuăng, Bình Thuận, Ea Súp… tạo ra các cánh đồng lớn để ngày nay vẫn mang về những giống gạo có thương hiệu trên thị trường. Đồng thời với các cuộc di dân theo kế hoạch, sự di dân tự do cũng diễn ra mạnh mẽ. Từ chỗ ban đầu lạ lẫm, đến nay những người con xa xứ đã gắn bó với miền đất Đắk Lắk, coi đây là quê hương thứ hai của mình và luôn nhắc nhở, dạy dỗ thế hệ con cháu trân trọng, gìn giữ nét đẹp truyền thống quê nhà…

Từ ngàn xưa vọng đến ngàn sau. Biết bao thế hệ người đã chung tay bảo vệ, xây dựng vùng đất Đắk Lắk ngày một khởi sắc. Và trong từng tấc đất đều thấm đẫm mồ hôi, xương máu của các bậc tiền nhân. Những dòng họ, hay cá nhân, có tên hay không còn tên tuổi… tất cả đã tạo nên mạch đập để vùng đất này mãi tươi xanh.

Theo các nhà nghiên cứu, năm 1907 dân số tỉnh Đắk Lắk chỉ có khoảng 80.000 người; tăng lên trên dưới 100.000 người vào năm 1915; khoảng 180.000 người vào năm 1960; đến năm 1975 khoảng 321.000 người. Và đến nay, dân số Đắk Lắk khoảng 1,9 triệu người.

Lan Anh


Ý kiến bạn đọc