Giáo sư Y Tlam Kbuôr – một trí thức lớn của Tây Nguyên
Giáo sư - bác sĩ, Thầy thuốc Ưu tú, Đại tá quân y Y Tlam Kbuôr (1925 – 2008) là Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Đại học Tây Nguyên. Ông là tấm gương điển hình trong đội ngũ trí thức người dân tộc thiểu số Tây Nguyên đã dành cả cuộc đời cống hiến cho cách mạng.
Y Tlam Kbuôr là người Êđê, tên thường gọi là Nguyễn Sỹ Lâm - tên do chính cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đặt cho với ý nghĩa là người trí thức của Tây Nguyên. Ông sinh ra ở buôn Êa Huê, xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột.
Thuở nhỏ, ông học tại Trường Tiểu học Pháp – Êđê ở Buôn Ma Thuột. 17 tuổi, Y Tlam được chọn đi học tại Trường Trung học phổ thông ở Quy Nhơn, sau đó là sinh viên Y khoa Trường Y khoa Đông Dương Sài Gòn. Tại đây ông tham gia Tổ chức Thanh niên cứu quốc, Hội truyền bá Quốc ngữ tại Bệnh viện Chợ Rẫy.
Vào những dịp nghỉ Tết, nghỉ hè, Y Tlam thường về nhà thương tỉnh Đắk Lắk (nay là Bệnh viện Đa khoa TP. Buôn Ma Thuột) thực tập, và được phân công đặc trách khám bệnh cho tù chính trị ở trạm xá nhà lao do Y Som làm y tá trưởng. Y Som là cơ sở cách mạng của ta. Từ đó, Y TLam Kbuôr cùng những người bạn cùng trang lứa là Y Ngông Niê Kđăm, Y Nuê, Y Wang, Y Bih Aleo... tham gia tuyên truyền giác ngộ cách mạng trong giới trí thức, công chức, công nhân lao động ở Buôn Ma Thuột, trong binh lính và đồng bào trong buôn làng, vừa tập hợp giáo dục quần chúng, vừa góp phần xóa nạn mù chữ. Lịch sử Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk ghi nhận: “… Sinh viên y khoa Y Tlam được đánh giá là một trong những nhân vật tiêu biểu mà Đảng bộ, chính quyền tỉnh Đắk Lắk mời họp bàn tư vấn về những vấn đề quan trọng của tỉnh những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược”.
Giáo sư Y Tlam Kbuôr. Ảnh tư liệu |
Hòa bình lập lại, ông Y Tlam Kbuôr được điều động ra miền Bắc làm Trưởng ban Quân y Ban đại diện Liên khu 5 với nhiệm vụ bảo đảm quân y phục vụ quân đội theo tình hình và nhiệm vụ mới với cương vị là Chủ nhiệm Khoa nội cán bộ Trung cao cấp, Viện Quân y 108 - Hà Nội. Tháng 9-1960 ông được cử sang Liên Xô học chuyên khoa tiêu hóa tại Học viện Hàn lâm Quân y Kirốp Lêningrat (Liên Xô cũ). Sau khi về nước, ông được cử giữ chức Phó Viện trưởng kiêm Tổng Chủ nhiệm Khoa nội Viện Quân y 103.
Năm 1964, dù dang dở với luận án tiến sĩ nghiên cứu về 200 ca bệnh đường tiêu hóa vùng nhiệt đới, ông vẫn trở lại chiến trường miền Nam và đảm nhận những chức vụ quan trọng như: Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Miền Trung Trung Bộ - Khu 5; Hiệu trưởng Trường đào tạo bác sĩ chuyên tu Miền Trung Trung bộ - Khu 5.
Năm 1970 ông lại được điều động ra miền Bắc làm Phó Viện trưởng kiêm Chủ nhiệm nội khoa (Viện Quân y 103) kiêm Chủ nhiệm bộ môn Nội. Sau khi miền Nam được giải phóng, ông được điều động trở về tiếp quản Tổng Y viện Cộng hòa tại Sài Gòn (nay là Bệnh viện 175) với cương vị là Giám đốc. Tháng 11/1977, ông là Hiệu trưởng đầu tiên của Đại học Tây Nguyên.
Năm 1986, Giáo sư Y Tlam nghỉ hưu. Trong ký ức các đồng nghiệp, Giáo sư Y Tlam Kbuôr là người có những phẩm chất vô cùng đáng kính. Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Đình Thi, nguyên giảng viên Trường Đại học Tây Nguyên nhớ lại: “Ông Y Tlam là người lính nên phong cách rất nhanh nhẹn, quyết đoán. Ông triển khai việc gì cũng sát sao, cũng gọn gàng. Hằng ngày ông làm việc ở trường, tối ông cùng với giảng viên của trường đi thăm nơi ăn nghỉ của sinh viên, ông ăn cơm với sinh viên nội trú, chơi bóng chuyền với mọi người, làm ruộng với sinh viên, chăm lo từ việc nhỏ…”.
Nhà nghiên cứu văn hóa Linh Nga Niê Kđăm kể rằng: “Người ta biết đến Giáo sư Y Tlam là người hiệu trưởng đầu tiên từ những ngày đầu mới thành lập Trường Đại học Tây Nguyên, nhưng ít ai biết rằng ông là người đầu tiên kết hợp giữa khoa học hiện đại với dân gian để cho ra đời những bài thuốc phòng và chữa bệnh sốt rét hiệu quả. Căn bệnh từng là nỗi khiếp sợ của người dân Tây Nguyên kéo dài hàng thế kỷ đến nay mới được thanh toán”.
Giáo sư Y Tlam Kbuôr (thứ ba từ trái sang) và các sinh viên Trường Đại học Tây Nguyên khóa I. Ảnh tư liệu |
Trường Đại học Tây Nguyên ngày đầu thành lập chỉ có 6 chuyên ngành đào tạo của 4 khoa: Sư phạm, Y dược, Nông lâm và Lâm nghiệp đến nay đã trở thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ góp phần quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho vùng Tây Nguyên, duyên hải Nam Trung bộ và cả các nước Lào, Campuchia. Sự lớn mạnh, trưởng thành của ngôi trường hôm nay có sự đóng góp rất lớn của những người đặt nền móng đầu tiên, trong đó có Giáo sư Y Tlam Kbuôr…
Xuân Hòa
Ý kiến bạn đọc