Multimedia Đọc Báo in

Bài học về phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc

04:42, 18/12/2021

Không lâu sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ cách mạng lâm thời đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta lần thứ hai. Trải qua một thời gian nhân nhượng, Trung ương Đảng, Chính phủ, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chuẩn bị tiềm lực mọi mặt. Ngày 19/12/1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ!

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân cả nước đã tích cực, chủ động, chuẩn bị kháng chiến và kiến quốc, từ việc chuẩn bị thế và lực của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ đến sự đoàn kết toàn dân, đồng tâm khắc phục mọi khó khăn, tập trung xây dựng nhà nước mới, xây dựng lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang, diệt trừ “giặc dốt”, thanh toán “nạn đói”, xây dựng một xã hội mới; tiến hành đấu tranh chống “thù trong, giặc ngoài”, kháng chiến ở miền Nam, đối phó quân Tưởng ở miền Bắc, tìm cơ hội để tránh cuộc chiến tranh, bảo vệ thành quả cách mạng… đưa dân tộc vượt qua tình thế hiểm nghèo.

Quân dân Hà Nội chiến đấu trên đường phố, đáp Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đêm 19/12/1946. Ảnh: TTXVN

Thực tế, không phải đến thời điểm mở đầu toàn quốc kháng chiến, Ðảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh mới xác định đường lối kháng chiến mà điều đó đã được từng bước hình thành, mà ngay sau khi thực dân Pháp nổ súng gây hấn ở Sài Gòn để mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam lần thứ hai (ngày 23/9/1945), trong Chỉ thị kháng chiến kiến quốc (ngày 25/11/1945), Ðảng ta đã xác định: “Kẻ thù chính của ta lúc này là thực dân Pháp, phải tập trung ngọn lửa đấu tranh vào chúng”, “Cuộc cách mạng Ðông Dương lúc này vẫn là cuộc cách mạng dân tộc giải phóng”. Trên cơ sở đó, chủ trương của Ðảng ta là: “Ðộng viên lực lượng toàn dân, kiên trì kháng chiến, tổ chức và lãnh đạo cuộc kháng chiến lâu dài, phối hợp chiến thuật du kích với phương pháp bất hợp pháp triệt để”.

Trên cơ sở nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin về vai trò của quần chúng nhân dân trong lịch sử, am hiểu sâu sắc truyền thống, kinh nghiệm đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc, Đảng ta và lãnh tụ Hồ Chí Minh đã xác định đúng vai trò quyết định của nhân dân. Sau này, trong cuốn hồi ký “Câu chuyện về một nền hòa bình bị bỏ lỡ” của J.R Sainteny - Đặc phái viên của Chính phủ Pháp đã nhận định: “Đáng tiếc là nhân dân Pháp không đánh giá hết sức mạnh của ông Hồ Chí Minh và sức mạnh mà ông có trong tay. Sức mạnh ấy không phải là quân đội, không phải là kinh tế mà chính là sức mạnh của toàn dân Việt Nam kiên quyết đứng lên giành chính quyền sống cho mình”.

Trên cơ sở đường lối kháng chiến đúng đắn, sáng tạo đã đề ra, Đảng ta đã tập hợp, thu hút được đông đảo các tầng lớp nhân dân trong Mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi dưới khẩu hiệu lớn “độc lập, tự do thật sự cho dân tộc”; củng cố chính quyền cách mạng - cơ quan chỉ đạo và tổ chức kháng chiến, xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích được tổ chức chặt chẽ, sâu rộng, gắn bó với các tổ chức chính trị của nhân dân, làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc. Ta đã xây dựng được hệ thống chỉ huy, điều hành kháng chiến từ Trung ương tới địa phương một cách tập trung thống nhất, chủ yếu dựa trên cơ sở chính quyền nhân dân các cấp tại các địa phương.

Phần lớn người dân Hà Nội đã được tản cư, chướng ngại vật được dựng lên ở khắp nơi. Thủ đô sẵn sàng chiến đấu chống lại quân xâm lược Pháp. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Trong giờ phút quyết định, Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến (ngày 19/12/1946) của Chủ tịch Hồ Chí Minh như lời hịch non sông: “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không phân chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”. Hưởng ứng lời hiệu triệu ấy, quân và dân mọi miền Tổ quốc đã anh dũng đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược.

Với tinh thần “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng” từ vùng tự do Việt Bắc, từ Liên khu 3, Liên khu 4, vùng mới giải phóng Tây Bắc cho đến các vùng du kích, các khu căn cứ ở đồng bằng Bắc Bộ, vùng Thượng Lào, nhân dân đều dồn sức người, sức của cho các chiến dịch. Có thể khẳng định, sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong suốt chín năm kháng chiến trường kỳ, gian khổ đã chứng minh vai trò to lớn của nhân dân ta trong sự nghiệp cách mạng. Bài học về hội tụ sức mạnh của toàn dân tộc trong toàn quốc kháng chiến đã được Đảng ta kế thừa, vận dụng thành công trong những năm trường kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc và trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.  

75 năm trôi qua nhưng sự kiện mở đầu toàn quốc kháng chiến vẫn để lại những bài học, kinh nghiệm quý giá, đó là bài học nhất quán, kiên trì thực hiện phương châm chiến lược “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, linh hoạt, mềm dẻo trong quan hệ quốc tế trên cơ sở bảo đảm lợi ích tối thượng của quốc gia - dân tộc. Đó là bài học về nắm vững tình hình, làm tốt công tác dự báo chiến lược, chủ động và khẩn trương chuẩn bị mọi mặt cho các tình huống bảo vệ Tổ quốc. Bài học về phát huy ý chí tự lực tự cường, lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, đại đoàn kết, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Bài học về nắm và chọn thời cơ, thời điểm phát động cuộc kháng chiến, giành và giữ quyền chủ động trong suốt cuộc chiến tranh. Bài học về kết hợp tác chiến với công tác binh địch vận.

Cẩm Trang


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.