“Du lịch” Tây Nguyên qua ảnh
Ngành du lịch tại Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung đang có sự dịch chuyển sang xu hướng mới như du lịch online, du lịch tại chỗ… hay “du lịch” qua ảnh.
Theo đó, công chúng, du khách chưa có điều kiện đi du lịch thực tế thì có thể xem và “du lịch” qua những video hay bức ảnh đẹp về khắp mọi miền.
Với thế mạnh là lột tả được vẻ đẹp tuyệt vời của thiên nhiên, văn hóa, con người tại mỗi vùng đất, lại có thể khơi gợi cảm xúc yêu thích, khao khát khám phá trong lòng mỗi người xem… ảnh du lịch có sức hút đặc biệt với người đam mê du lịch, trong đó có du lịch về Tây Nguyên. Hơn thế, “du lịch” qua các tác phẩm nhiếp ảnh, công chúng còn được thưởng thức sự độc đáo bởi nó đã ghi lại khoảnh khắc hiếm gặp của cảnh vật thiên nhiên; hay những lễ hội, phong tục đang dần mai một; những làng nghề đã bị mất đi giờ chỉ còn là sự lưu luyến…
Bức ảnh của nghệ sĩ nhiếp ảnh Ngô Minh Phương chụp cảnh hang động tại Đắk Nông. |
Thời đại công nghệ, với một chiếc điện thoại thông minh, ai cũng có thể làm “đại sứ du lịch” qua những bức ảnh mà mình có dịp ghi lại về nơi đã từng đến. Nhưng trước hết vẫn phải kể đến ảnh của những tay máy chuyên nghiệp. Đơn cử như những tác phẩm: “Tây Nguyên vẫy gọi”, “Nhịp chày trên buôn”, “Bến nước Ea Tul”, “Niềm vui ngày hè”… của nghệ sĩ nhiếp ảnh Ngô Minh Phương đã tái hiện sinh động cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Đắk Lắk, từ phong tục giã gạo, nấu rượu cần đến vẻ đẹp của người phụ nữ Êđê trong trang phục truyền thống, hay sự hùng vĩ của phong cảnh Tây Nguyên.
Mỗi bức ảnh có thể là một câu chuyện, có khi người nghệ sĩ đến những buôn làng xa xôi của đồng bào dân tộc Êđê, M’nông, hòa cùng đời sống buôn làng để ghi lại những nét văn hóa đặc sắc của mỗi dân tộc, ghi dấu qua những tác phẩm mang đậm bản sắc, có chút huyền bí đặc thù trong tâm linh và đời sống tinh thần của đồng bào Tây Nguyên; có khi ròng rã trèo đèo lội suối để ghi lại vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ hùng vĩ, tạo cảm nhận thú vị cho người xem về một Tây Nguyên tươi đẹp, giàu bản sắc văn hóa truyền thống.
Bên cạnh đó, rất nhiều bạn trẻ cũng trở thành “đại sứ” giới thiệu về các địa điểm du lịch rất thú vị. Với lợi thế là người trẻ, thành thạo ứng dụng công nghệ thông tin, nhiều người đã biết cách quảng bá khá thú vị về quê hương đất nước qua những bức ảnh đăng tải trên mạng xã hội. Chị Thanh Châu (huyện Krông Ana) là một người yêu du lịch, thích khám phá; trang cá nhân của chị có khá nhiều lượt người theo dõi, vì vậy mỗi một bức ảnh chị chia sẻ về vẻ đẹp, món ăn truyền thống, hay lễ hội tại quê hương đều được nhiều người yêu thích và tương tác.
Chị Châu cho hay: “Rất nhiều bạn thông qua những hình ảnh mà tôi chia sẻ, đã lên kế hoạch đến Đắk Lắk du lịch và ngỏ ý nhờ chúng tôi hướng dẫn đi khám phá từng địa điểm, món ăn… đã được xem qua hình trước đó”. Khi nhận được lời đề nghị đó, chị rất vui và có những cảm xúc, tự hào khó tả. Chị nghĩ rằng thay vì giữ những cảm xúc đó cho riêng mình thì sẽ tiếp tục chia sẻ đến bạn bè khắp nơi.
Các tác phẩm về Tây Nguyên của nghệ sĩ nhiếp ảnh Ngô Minh phương được giới thiệu trên nhiều báo, tạp chí. |
Nhiều bạn trẻ chia sẻ rằng, “du lịch” qua ảnh là một trong những “tour du lịch ảo” mà họ trải nghiệm khá nhiều khi nghỉ ở nhà để tránh dịch. Nhờ đó, cũng sưu tầm khá nhiều ảnh về Tây Nguyên, đặc biệt là những hình ảnh được đăng trong các tạp chí về du lịch trong và ngoài nước, qua đó thêm yêu mảnh đất quê hương và hy vọng sẽ lan tỏa vẻ đẹp nơi đây đến với bạn bè khắp nơi.
Hiện nay, nhiều trang web của các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức xã hội trong tỉnh cũng thường xuyên đăng tải những hình ảnh đẹp về Đắk Lắk, giúp cho công chúng, du khách biết thêm về nơi đây. Du lịch “qua ảnh” sẽ phần nào giải tỏa được cơn khát “du lịch” của du khách trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Đây cũng là tiền đề để có thể thu hút lượng khách đến với địa phương nhiều hơn khi du lịch mở cửa trở lại.
Mai Sao
Ý kiến bạn đọc