Multimedia Đọc Báo in

Bí ẩn giếng nước ngọt của vua Gia Long ở Vũng Tàu

12:06, 26/12/2021

Trên chặng đường bôn tẩu, chúa Nguyễn Ánh đã để lại nhiều di tích khắp Nam Bộ. Ở các nơi ấy, người dân thường dựng lên những ngôi miếu thờ vua Gia Long để tưởng nhớ người xưa.

Bãi Dâu có tên chữ là bãi Phương Thảo nằm ven núi Lớn. Đây là một bãi biển đẹp, phong cảnh thiên nhiên thơ mộng, thanh bình và khí hậu mát mẻ. Thời xa xưa, tên gọi đầu tiên của nơi này là Vũng Mây hay Bãi Mây, do ven biển mọc rất nhiều cây mây rừng. Đến thời Pháp thuộc, người Pháp lập ra cơ sở trồng dâu nuôi tằm rất lớn tại đây nên dần dần người địa phương quen gọi là bãi Dâu cho đến nay.

Di tích miếu Bà Ngũ Hành và giếng vua Gia Long ở bãi Dâu có tên gọi chung là miếu Bà Giếng Ngự, nằm trên sườn núi Lớn, cách đường chính khoảng 150 m. Giếng nước cổ được truyền tụng là do vua Gia Long phát hiện ra cách nay trên hai thế kỷ. Người dân quanh vùng cho rằng đây là giếng nước thiêng, không chỉ vì nó gắn với vua chúa mà còn bởi nó nằm gần bờ biển nhưng lại có nước ngọt quanh năm, dù có múc bao nhiêu thì nước trong giếng vẫn đầy.

Miếu Bà Giếng Ngự.

Theo giai thoại dân gian, khi chúa Nguyễn Ánh chạy trốn sự truy sát của quân Tây Sơn đã từng dừng chân trú ẩn tại Vũng Tàu. Khi ấy nơi đây đất đai hoang vu, địa thế hiểm trở, dân cư thưa thớt. Ông và đoàn quân tiến lên sườn núi Lớn nằm cạnh bờ biển để ẩn náu trong rừng rậm. Tuy nhiên, xung quanh bốn bề là biển, lúc đó lại đang vào mùa nắng, nước suối trên núi khô cạn, đoàn quân không tìm được nguồn nước ngọt. Trong lúc tưởng chừng tuyệt vọng, Nguyễn Ánh rút gươm báu chỉ lên trời và khấn rằng nếu mình còn mệnh thiên tử thì xin trời hãy ban nước ngọt để nuôi quân lính. Dứt lời, ông cắm gươm xuống một khe đá, chốc lát có dòng nước chảy ra. Quân lính uống thử nước ấy thì nhận ra đó là nước ngọt, mọi người bèn đào sâu xuống để mở rộng dòng nước. Từ đó, đoàn quân có đủ nước dùng trong thời gian trú đóng tại đây.

Với niềm tin về sự linh thiêng của giếng vua, đông đảo người dân từ nhiều nơi thường về đây cúng viếng và xin một ít nước mang về nhà. Trước đây, mỗi người tùy ý ra giếng múc nước, gây nên cảnh lộn xộn. Để giữ sự tôn nghiêm cho di tích, những người quản lý tại đây đã múc nước sẵn vào những chai nhựa và đặt trong miếu Bà, để khách thập phương nếu có nhu cầu thì xin về.

Bên cạnh giếng vua Gia Long là miếu Bà, được dựng lên vào khoảng cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Nguồn gốc ra đời ngôi miếu được dân gian truyền tụng qua nhiều lời kể khác nhau. Có người cho rằng, những ngư dân nơi đây đã lập ngôi miếu nhỏ thờ Bà Ngũ Hành để cầu mong bình an trên đường mưu sinh. Cũng có người kể, một tiều phu lên núi đốn củi tình cờ phát hiện bức tranh kiếng Ngũ Hành Nương Nương bèn lập miếu thờ. Dân gian còn kể thêm, khi xưa người dân đi rừng thường dừng chân ở miếu này để nghỉ mát, thỉnh thoảng nhìn thấy cặp rắn khổng lồ nhưng chúng không làm hại ai, khi họ van vái một lúc thì chúng đi mất. Năm 1935, một người địa phương là ông Hai Thiệu đã trùng tu lại ngôi miếu và giếng cổ bên cạnh, đặt tên là miếu Bà Giếng Ngự. 

Ngày nay, miếu dù có diện tích nhỏ nhưng bên trong bài trí trang nghiêm, ấm cúng. Miếu thờ Ngũ Hành Nương Nương  và nhiều đối tượng đa dạng trong tín ngưỡng dân gian. Hằng năm,  miếu tổ chức lễ cúng Bà vào ngày 16 tháng 3 âm lịch. Người dân các nơi thường tìm đến miếu mang theo những ước mơ tốt đẹp cho bản thân và gia đình như sức khỏe, sự nghiệp, may mắn…

Vĩnh Thông


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.