Thích thú với dưa nước rẫy của người Tây Nguyên
Vốn được ví là loại dưa “khổng lồ” bởi kích thước to gấp 4 - 5 lần dưa leo thông thường, dưa nước rẫy của người Tây Nguyên còn gây ấn tượng bởi vị ngọt, mát, thoảng hương vị núi rừng khi thưởng thức.
Nhiều năm nay, cứ đến mùa mưa, anh Y Vân Mlô (xã Cư Né, huyện Krông Búk) lại lên rẫy, chọc lỗ, tra hạt trong vườn cà phê để trồng dưa nước. Đây là loại cây đã gắn bó với gia đình anh từ bao đời nay. Anh Y Vân chia sẻ, chẳng biết giống dưa này có tự bao giờ, chỉ biết từ đời ông, bà mình đã trồng trên rẫy để làm thức ăn. Những hạt giống được nâng niu qua từng mùa, rồi cứ thế gieo trồng, nhân giống đến tận bây giờ. Hạt dưa nước sau khi được gieo xuống đất, chúng nảy mầm, cựa mình hứng những giọt mưa từ thiên nhiên, đón chút nắng trời. Chẳng cần giàn trụ, cũng chẳng cần công chăm bón, những ngọn dưa vươn ra bò dài trên mặt đất và lớn lên từng ngày. Có lẽ vì thế mà vị của nó vô cùng ngọt mát, là thức ăn giải nhiệt rất tốt, được ưa chuộng đối với đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói chung.
Anh Y Vân Mlô đang thu hoạch dưa nước rẫy. |
Theo anh Y Vân, thông thường, vào đầu mùa mưa là thời điểm thích hợp để trồng dưa nước. Lúc này, những cơn mưa mát lành từ thiên nhiên sẽ tưới tắm cho cây, giúp cây sinh trưởng phát triển tự nhiên mà không tốn bất kỳ công chăm sóc nào. Nếu muốn trồng vào mùa khô, cần phải chủ động tưới nước cho nó. Điều đặc biệt ở loại cây này là không được bón phân hay xịt thuốc bảo vệ thực vật, bởi nếu dính vào cây sẽ khó mà sống và cho trái ngọt được. Sau 3 tháng từ ngày gieo hạt, những trái dưa căng tròn, nảy nở, to bằng bắp tay hoặc hơn thế nằm ngổn ngang dưới đất, lấp ló trong những tán lá chực chờ tay người đến hái về. Mỗi quả dưa nặng từ 0,5 -1,5 kg, quả to có thể nặng đến 2,5 kg. Năm nay, dưa trên rẫy nhiều, bởi thế gia đình anh Y Vân cũng có thêm thu nhập từ việc hái quả bán cho người dân quanh vùng.
Với vẻ ngoài căng tròn bắt mắt, dưa nước không chỉ có cùi dày, giòn ngọt mà còn rất nhiều nước đúng như tên gọi của nó. Từ loại quả này, người Tây Nguyên có nhiều cách chế biến để tạo nên món ăn hấp dẫn. Bên cạnh ăn sống như dưa leo thông thường, món dưa nước trộn muối ớt có lẽ “được lòng” người dân bản địa nhất. Những trái dưa hái về, nếu còn non thì để nguyên vỏ và hạt; dưa già thì gọt vỏ, bỏ hạt; tiếp đó thái dưa thành những miếng nhỏ vuông vắn vừa ăn. Công đoạn quan trọng là tìm lá nén (lá hành tăm) giã cùng muối, ớt, thêm chút bột ngọt để tạo mùi vị đặc trưng. Sau cùng, cho tất cả các nguyên liệu vào một cái tô lớn rồi trộn đều hoặc xóc cho gia vị thấm dần. Đối với món ăn này, nhiều người thích dùng quả dưa nước đã chín vàng bởi lúc này dưa không chỉ có vị ngòn ngọt mà còn chua chua, thơm thơm rất lạ miệng và cuốn hút. Sau những giờ lao động mệt nhọc, ngồi nghỉ ngơi bên rẫy, hòa mình với thiên nhiên, thưởng thức món dưa trộn muối ớt và cảm nhận trọn vẹn hương vị đất trời qua từng miếng cắn. Vừa nhai, vừa cay hít hà, nước trong dưa tứa ra, vị ngọt mát trong trái dưa lại làm dịu đi vị nồng của ớt, cứ thế thôi thúc tay người xúc ăn mãi đến khi hết tô mới có thể dừng lại.
Những quả dưa nước còn xanh non lấp ló trong các tán lá. |
Bị ấn tượng bởi vẻ bề ngoài cùng hương vị ngọt mát của dưa nước, hằng năm, cứ vào mùa là chị Nguyễn Thị Trang (TP. Buôn Ma Thuột) lại đi dọc Quốc lộ 14 hoặc lân la xuống các buôn làng tìm mua dưa về ép lấy nước uống hoặc dùng để chế biến món ăn. Theo chị Trang, hiện nay dưa nước vào mùa có giá giao động từ 20 - 30 nghìn đồng/kg. Đối với dưa già cuối mùa có thể lên đến 50 - 60 nghìn đồng/kg. Bên cạnh ăn sống hay trộn muối ớt, chị Trang cũng dùng dưa nước chế biến món xào, nấu canh để ăn kèm với cơm trắng, mang lại hương vị khá ngon, lạ miệng và giải nhiệt rất tốt vào những buổi trưa nắng nóng.
Huyền Diệu
Ý kiến bạn đọc