Multimedia Đọc Báo in

Dưới tán rừng Yok Đôn

07:26, 27/02/2022

Chúng tôi đến Vườn Quốc gia Yok Đôn vào thời điểm những cánh rừng đang mùa thay lá.   

Đây được xem là mùa đẹp nhất trong năm, mùa lý tưởng nhất cho những chuyến trải nghiệm hệ sinh thái rừng khộp, cắm trại, ngắm sao trời và lắng nghe bản đồng vọng từ thiên nhiên.

Yok Đôn mùa này nắng đã hanh hao trên những tán cây dầu. Bầu trời xanh ngắt với những dải mây trắng hờ hững vắt ngang. Những cành cây khẳng khiu dồn nhựa sống vào trong thân để thích ứng với mùa khô đang đến. Lá rừng như đang ca bản giao hòa của màu sắc, từng cụm vàng, xanh, đỏ xen kẽ với nhau, lao xao trong gió.

Chúng tôi chọn phương tiện xe đạp để có thể khám phá được nhiều hơn vùng đất huyền thoại này cũng như cảm nhận rõ hơn cái hoang vắng, tịch mịch của những cánh rừng yên ả. Con đường xuyên rừng mùa này đã hoàn toàn khô ráo với những con dốc dài thoai thoải rất thuận lợi cho những chuyến trekking, biking của du khách. Hai bên đường, cỏ đã chuyển dần sang màu vàng úa, thảm lá khô dày lên, giòn xốp. Đâu đó trên lớp thực bì xuất hiện những nhánh hoa rừng nhỏ xíu, sắc trắng tím khiêm nhường nhưng đầy vẻ kiêu hãnh. Đàn kiến vàng suốt mùa mưa làm tổ trên cây nay cũng dời tổ xuống mặt đất, bò ngang dọc trên lá khô nom thật hiền lành. Chúng bận rộn chuẩn bị chỗ trú ngụ cho mùa khắc nghiệt nhất trong năm đến nỗi chẳng màng bận tâm bước chân quấy rầy của những người khách lạ.

Rừng Yok Đôn mùa thay lá rất thích hợp cho những chuyến du ngoạn bằng xe đạp.

Dưới tán rừng khộp, từng đàn trâu, bò thong thả gặm cỏ như chính chúng là chủ nhân của khu rừng này. Hỏi ra thì được biết, đây là phương thức chăn thả của người dân tộc thiểu số ở các buôn làng gần rừng. Những đàn trâu, bò có đến hàng trăm con, hầu như chỉ ăn cỏ, uống nước trong rừng, tự sinh sản và lớn lên. Chiều đến, chủ của chúng mới lùa về những khu chuồng quây tạm ven rừng để tiện quản lý. Thỉnh thoảng, họ lại đi nhặt phân bò khô dưới tán rừng mang về bón cho cây trồng hoặc bán cho những điểm thu mua. Đây chính là cách người dân trong vùng sống dựa vào rừng, hòa hợp với rừng trong suốt nhiều năm qua.

Đoàn dừng chân cắm trại bên bờ thác Phật khi hoàng hôn buông xuống. Thác Phật thực ra chỉ là một ghềnh đá trên dòng Sêrêpốk. Nước đổ xuống các mỏm đá đêm ngày tạo nên những thanh âm không ngừng nghỉ. Hòa cùng tiếng ca của dòng sông là tiếng côn trùng rả rích, tiếng ếch nhái ì oạp. Bên ngọn lửa bập bùng, người dẫn đường Y Danh Niê bắt đầu kể những câu chuyện về rừng Yok Đôn, về dòng sông Sêrêpốk – nơi nuôi dưỡng biết bao thế hệ người dân bản địa. Với những người con sinh ra và lớn lên cùng rừng như Y Danh, chỉ cần một con dao nhỏ và vài nắm gạo là đủ cho một chuyến đi rừng dài ngày. Rừng và dòng sông đã nuôi lớn họ, đồng hành cùng kế sinh nhai và ảnh hưởng sâu đậm đến văn hóa, lối sống của những người con nơi đây.

Đón mình minh và ngắm mặt trời mọc lên từ bên kia sông Sêrêpốk.

Đêm ở rừng mùa này không còn cái giá lạnh như dịp cuối năm. Những cơn gió nhẹ mang hơi nước từ dòng sông phả lên dìu dịu. Trên những tán cây hiền hòa là bầu trời sâu thẳm với triệu vì sao lấp lánh. Không ánh điện, không tiếng còi xe, không tiếng cười nói ồn ào, chúng tôi đắm mình vào sự trong lành của thiên nhiên, cây cỏ. Một ngày cũng dường như dài hơn khi mọi người cùng bừng tỉnh vào lúc trời vừa hửng sáng, cùng lắng nghe tiếng chim hót râm ran khắp khu rừng và ngắm mặt trời lên từ bên kia sông Sêrêpốk.

Trải qua nhiều biến đổi của thời gian, rừng Yok Đôn vẫn như một chàng dũng sĩ, vừa oai vệ lại khiêm nhường với bao điều thú vị. Chính bởi lẽ này, nhiều du khách đã lưu trú lại rừng hàng tuần liền chỉ để ngắm chim rừng, xem voi hay đi bộ vào sâu tận lõi rừng. Đi, ngắm nhìn và cảm nhận thiên nhiên trở mình trong mùa thay lá chính là những phút giây ta buông bỏ những âu lo bộn bề, sống chậm với bao chiêm nghiệm về sự sinh sôi và thích ứng diệu kỳ của muôn loài giữa mênh mông đất trời Tây Nguyên.

Đinh Nga


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.