Multimedia Đọc Báo in

Về cuối nhánh sông Tiền

10:58, 07/08/2022

Về Bến Tre, vượt cầu Hàm Luông qua đất Cù Lao Minh, theo Quốc lộ 57 xuyên qua những cánh đồng, những vườn dừa xanh ngút ngàn, du khách đi về phía biển chừng 45 km sẽ đến huyện Thạnh Phú. Toàn bộ vùng đất này nằm giữa và cuối cùng của hai nhánh sông lớn thuộc sông Tiền đổ ra cửa Hàm Luông và Cổ Chiên.

Huyện Thạnh Phú có bờ biển dài 25 km. Đất đai Thạnh Phú được hình thành từ phù sa của hai con sông Hàm Luông và Cổ Chiên bồi tụ nên và hiện nay, bãi biển Thạnh Phú vẫn lấn dần ra phía biển Đông. Ở ven biển, ven sông là những dải rừng ráng, chà là, dừa nước, bần, mắm, đước, vẹt…

Ghé thị trấn Thạnh Phú đông đúc, nhộn nhịp thư giãn mươi phút, du khách lên đường đi về phía Đông. Ra khỏi địa phận thị trấn vài cây số, cảnh vật hoang sơ thanh bình, dọc theo hai bên lộ là những cánh đồng xanh mơn mởn với lúa trĩu hạt đã trổ sang màu chanh mơ. Những dòng kênh nước trong biếc, những bờ lá xanh sẫm vươn tàu mạnh mẽ lên nền trời, vài ba mái nhà nhỏ nhoi núp mình trong những khu vườn sầm uất, gió thổi se se mùi muối… Ấy là đặc trưng của miền biển mà bạn có thể “ngửi” được bằng giác quan và cảm xúc.

Tượng đài chiến thắng Cầu Ván (Thạnh Phú - Bến Tre).

Đến bờ sông Cầu Ván du khách sẽ gặp một tượng đài nhỏ với hình tượng các chiến sĩ cách mạng rất ấn tượng. Nơi đây thời chiến tranh, bộ đội ta đã phục kích tiêu diệt 40 tên địch… Qua phà Cầu Ván, du khách vào địa phận xã Giao Thạnh, vùng đất này còn gọi là Cồn Hươu, theo dân gian do xưa kia nơi đây có nhiều hươu.

Dừng chân ở Cồn Hươu, du khách có thể đi theo những lối mòn nhỏ đến với những giồng cát để xem bà con canh tác, sản xuất hoa màu. Ta sẽ gặp những vạt đậu phộng xanh tốt, cây xiên xiên trổ hoa màu vàng anh với nét đẹp đơn sơ, thôn dã. Những ruộng dưa hấu đang cho trái sẽ làm du khách cảm thấy dịu lại giữa cái nắng biển se khô.

Di tích đầu cầu tiếp nhận vũ khí Bắc - Nam thuộc xã Thạnh Phong được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là Khu di tích lịch sử cấp quốc gia ngày 23/12/1995. Tại nơi này, 76 năm về trước (1946), đoàn đại biểu khu 8 do các ông, bà: Đào Công Trường, Ca Văn Thỉnh, Trần Hữu Nghiệp, Nguyễn Thị Định… trên chuyến tàu từ Cồn Lợi (xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú xuất phát, vượt biển ra miền Bắc để báo cáo với Trung ương Đảng, với Bác Hồ về tình hình kháng chiến ở Nam Bộ. Khi về, bà Nguyễn Thị Định cùng thủy thủ đoàn đã đưa về Bến Tre một chuyến tàu đầy vũ khí. Chuyến đi thắng lợi có ý nghĩa lịch sử là tiền đề tạo nên tuyến đường tiếp tế Bắc - Nam (đường Hồ Chí Minh trên biển) với bao huyền thoại trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ.

Khu di tích với tượng đài ước lệ, có khuôn viên hơn 1.000 m2, chung quanh có những hàng dương, dừa bao bọc; trong sân có trồng hoa sứ trắng. Đứng giữa lòng khu di tích, nghe thuyết minh, du khách như thấy lại một thời hào hùng, gian lao của nhân dân và các lực lượng vũ trang bến Thạnh Phong, một vùng đất hoang sơ, anh dũng của Bến Tre - quê hương Đồng khởi.

Nghỉ đêm ở Thạnh Phong vào mùa ba khía hội, du khách có thể đi theo những ngư dân lành nghề chuyên hốt ba khía. Những chiếc ghe nhỏ vừa đủ để len lỏi lau lách theo những con rạch, khém nước nhỏ, xâm nhập vào sâu trong rừng mắm, rừng cóc dày đặc ven biển.    

Ven bờ Hàm Luông.

Tháng bảy, tháng tám âm lịch là mùa ba khía đẻ trứng cũng là mùa hội của chúng. Đặc biệt vào những đêm tối trời, biển yên gió lặng, ba khía lên hang, chúng bám dày đặc vào thân cây mắm, cây cóc, bò nhung nhúc, thản nhiên trên những bãi bùn ven bờ rạch. Vào những lúc ba khía nhiều như vậy, ngư dân chỉ có hốt, lùa cho vào giỏ chứ không phải chụp, lượm từng con nữa. Ba khía bắt được thường được muối trong lu để sử dụng lâu dài. Ghe đi bắt ba khía phải đem theo lu, khạp đựng nước pha muối hột. Quậy muối với nước, thử độ vừa bằng cách bẻ một nhánh mắm nhỏ cho vào nước muối. Khi nào nhánh mắm nổi phiêu thì muối ba khía được.

Về Thạnh Phú, du khách có thể ghé tham quan nhà cổ Đại Điền của cụ Hương Liêm ở xã Đại Điền. Đây là căn nhà được xây dựng mất 10 năm, với kiến trúc Đông Tây hòa hợp. Bên trong nhà cổ vẫn còn những đồ vật trang trí quý hiếm, có giá trị văn hóa cao.

Viếng đình Đại Điền cổ kính nằm bên con đường làng, gần giồng cát khô, gợi cho du khách những hoài niệm về quá khứ xa xưa. Tiểu đoàn 307 nổi tiếng là đơn vị “đánh đâu được đấy, oai hùng biết mấy” của thời 9 năm kháng chiến chống Pháp đã làm lễ xuất quân đầu tiên tại sân đình Đại Điền, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre…

Mai Lý


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.