Multimedia Đọc Báo in

Phát triển du lịch: Đầu tư cho sản phẩm quà lưu niệm

09:27, 31/01/2023

Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Đắk Lắk Thái Hồng Hà, trong năm 2022, ngành văn hóa và du lịch tỉnh đã rất quan tâm đến việc đầu tư dài hơi cho các sản phẩm quà lưu niệm, chọn lựa đây là điểm nhấn cho du lịch địa phương.

Những khái niệm mới, tinh tế hơn về quà lưu niệm cho du khách đã được cơ quan quản lý du lịch đặt ra rõ ràng hơn, từ đó hy vọng thay đổi nhận thức và cả cơ hội cho ngành công nghiệp không khói này...

Chọn cảnh chọn quà…

Trước Tết Quý Mão 2023, ông Phan Thanh Hải, Giám đốc VH-TT&DL Thừa Thiên - Huế vui mừng cho biết, sau gần 1 năm cân nhắc tìm tòi, ông và các cộng sự đã chọn và tác tạo một số mẫu áo truyền thống làm quà lưu niệm cho du khách đến Huế. Những mẫu quà này được tinh chế từ nhựa cao cấp, lấy hình ảnh người mẫu mặc áo ngũ thân Huế, kích cỡ nhỏ gọn tiện cho du khách dùng làm quà lưu niệm, như móc khóa, chặn giấy để bàn, tượng trang trí…

Quà lưu niệm móc khóa hình voi Tây Nguyên tại sân bay Buôn Ma Thuột.

Ông Hải khoe, ý tưởng tìm kiếm những mẫu quà tặng lưu niệm cho du khách đã được ngành văn hóa, du lịch Huế đề cập từ lâu, với mục tiêu tạo sản phẩm thật sự ý nghĩa và có giá trị, làm nổi bật những giá trị đặc trưng của văn hóa du lịch Thừa Thiên - Huế.

Theo ông, sản vật nổi tiếng xứ Huế có rất nhiều, từ món ăn, đồ dùng, đến những thần thức, hoạt động văn hóa, đã đi sâu vào nhận thức cộng đồng, được tôn vinh và ghi nhận từ lâu. Song để những sản vật này trở thành sản phẩm quà lưu niệm, quà tặng phổ biến thì địa phương phải cân nhắc rất nhiều. Chẳng hạn như những món bánh mè xửng, hũ tôm chua, chiếc nón lá Huế, du khách có thể trầm trồ thích thú nhưng để mang theo hành trình lại rất vướng víu, bất tiện.

Trong khi đó, những món quà lưu niệm đã quen thuộc như mẫu hình những chiếc đò ngang sông Hương, những cảnh cổ tự trăm năm, hình ảnh Ngọ Môn, Cửu đỉnh…, nhiều du khách đã quá quen thuộc. Vậy tại sao Huế không thể nghiên cứu, tạo nên những sản phẩm, quà tặng du lịch mới, với hình ảnh những hũ tôm chua, cái bánh lọc…

Từ suy nghĩ này, trong chiến dịch quảng bá văn hóa trang phục truyền thống, ông Hải đặt vấn đề tạo quà lưu niệm từ mẫu áo ngũ thân. Kết quả, từ mùa Tết Nguyên đán 2023, Huế sẽ sẵn sàng có một nhóm sản phẩm quà lưu niệm mới, lấy cảm hứng áo ngũ thân làm chuẩn.

Ông Hải cho rằng, để níu giữ du khách, để tăng giá trị điểm đến du lịch, không có gì lợi thế hơn quà lưu niệm. Du khách sẽ mang những vật phẩm này đi khắp nơi, tặng cho bạn bè, người thân. Để rồi một lúc nào đó, họ sẽ nhớ lại khung cảnh du lịch cũ, khi nhìn thấy món quà.

Nếu đó là những hình ảnh gắn với đặc điểm đặc biệt, sản phẩm riêng có của địa phương, chắc chắc tâm lý du khách sẽ nhung nhớ và muốn quay lại nơi đã từng qua. “Bởi thế, chọn cảnh chọn người để làm quà lưu niệm đánh trúng tâm lý du khách, ngành du lịch sẽ có cơ hội lớn”, ông Phan Thanh Hải nhấn mạnh.

Hãy mang Tây Nguyên đi khắp nơi!

Cùng một suy nghĩ này, Giám đốc Sở VH-TT&DL Đắk Lắk Thái Hồng Hà tâm tư, với cảnh quan thiên nhiên đặc sắc, văn hóa truyền thống độc đáo, tại sao ngành du lịch Đắk Lắk không thể tạo nên những sản phẩm quà lưu niệm có thể gửi gắm tâm tư tình cảm, và lời chào mời thiết tha với du khách?

Quà lưu niệm Huế từ ý tưởng quảng bá mẫu áo ngũ thân truyền thống.

Ông Hà cho rằng, quà lưu niệm là những món đồ vật tiêu dùng, quà tặng tinh xảo, nhỏ bé mang hình ảnh văn hóa, sản phẩm Tây Nguyên không hề khó làm. Chỉ cần chọn nhà cung cấp có khả năng, thì những hũ rượu cần, ly cà phê, trái ca cao… sẽ biến hình thành những chiếc móc khóa, cục xà phòng, hộp danh thiếp, hũ đựng tăm… bằng nhựa, gỗ, đồ gốm rất tinh xảo và hấp dẫn. Mở rộng hơn, tại sao không thể có những bàn pha trà mô tả một con thác hùng vĩ ở Tây Nguyên, một mặt phù điêu với những thớt voi uy hùng?

Ông Hà nhấn mạnh, quà lưu niệm mang đặc trưng địa phương, đòi hỏi sự nghiên cứu tinh tế, càng kỹ lưỡng càng có giá trị, càng lan tỏa được nhiều thông điệp, thông tin càng thành công. Cụ thể với trái sầu riêng Đắk Lắk, đã có ai thống kê địa phương có bao nhiêu loại giống?

Nếu làm quà lưu niệm, dùng nhựa mềm tạo hình những trái sầu riêng khác nhau, du khách sẽ rất hứng thú có được một bộ sưu tập hoàn chỉnh về các giống trái sầu riêng, giúp họ tăng kiến thức, hiểu biết mà lại thực sự quảng bá hiệu quả cho loại đặc sản danh tiếng Tây Nguyên.

Ngành du lịch địa phương nếu biết khai thác tốt những dạng quà tặng theo bộ sản phẩm này, có thể tạo nên nhiều giá trị truyền thông văn hóa, địa lý rất tích cực, làm cho du khách gần gũi hơn với địa phương và qua đó, chắc chắn níu giữ được bước chân của họ.

“Hãy mang Tây Nguyên đi khắp nơi”, đó là thông điệp mà ông Thái Hồng Hà khao khát thực hiện, về ý tưởng chỉ đạo ngành văn hóa, du lịch Đắk Lắk phải tập trung cải tạo, phát triển mảng quà lưu niệm cho du khách. Những thông điệp về di sản văn hóa Tây Nguyên, từ thế giới cồng chiêng huyền bí đến những hình ảnh sử thi hùng tráng, những món ăn, đặc sản địa phương qua những món quà, những thứ đồ chơi tưởng giản đơn ấy đi ra thế giới, lan tỏa rộng hơn.

Nguyên Đức


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.