Quần thể chè cổ thụ trên đỉnh Nam Ka
Nằm chót vót trên đỉnh Nam Ka (thuộc Khu Bảo tồn Thiên nhiên Nam Ka) có rất nhiều loài thực vật phân bố, trong đó nổi bật là quần thể những cây chè thụ có tuổi đời hàng trăm năm. Đây là khu vực hiếm hoi ở tỉnh Đắk Lắk có loài chè rừng “bí ẩn” này xuất hiện.
Chinh phục đỉnh Nam Ka
Từ TP. Buôn Ma Thuột phải mất hơn 80 km chúng tôi mới đến được Trạm Kiểm lâm số 2, Khu Bảo tồn Thiên nhiên Nam Ka (thuộc xã Nam Kar, huyện Lắk) đóng dưới chân đỉnh núi Nam Ka để chuẩn bị cho hành trình chinh phục đỉnh núi này. Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm số 1 Nguyễn Phi Hậu nhắc nhở các thành viên trong đoàn kiểm tra lại hành lý, tư trang, các vật dụng cho chuyến hành trình. Trong ba lô của mỗi người lỉnh kỉnh võng, tăng, nước, xoong nồi, gạo, mắm muối... và cả những nắm cơm đựng trong túi ni-lông để ăn trong bữa trưa giữa rừng.
Một cây chè rừng cổ thụ trên đỉnh Nam Ka. |
Rừng Nam Ka chào đón chúng tôi bằng một con dốc dựng đứng, trơn trượt bởi nước còn đọng lại từ cơn mưa tối hôm trước. Đoàn phải khom người hết cỡ, bám víu những cành cây rừng, vật lộn mãi mới qua được con dốc. Thấy tôi thở dốc hổn hển, kiểm lâm Đào Duy Ngọc, người trẻ nhất trong đoàn cười động viên: “Cố lên anh, phía trước còn nhiều con dốc cao hơn như vậy nữa!”. Chúng tôi tiếp tục băng qua những cánh rừng ẩm ướt với các thảm thực vật rất đa dạng, phong phú. Có những khu vực rừng dày đặc những cây lồ ô, le, song mây và đan xen vào đó là những cây gỗ. Càng lên cao càng có các loài gỗ đường kính rất lớn, cây lâu năm, có những cây phải 5 - 6 người ôm mới xuể.
Di chuyển được khoảng 3 giờ, chúng tôi tạm nghỉ ăn trưa. Các kiểm lâm viên trong đoàn lấy từ trong ba lô ra những túi ni-lông đựng nắm cơm, bịch cá khô, ít thịt kho mặn ra dùng. “Những bữa ăn như thế này là “đặc sản” của anh em đi rừng, vừa tiết kiệm kinh phí vì ở đây anh em thu nhập thấp, vừa tiết kiệm thời gian để tuần tra rừng”, anh Hậu chia sẻ.
Sau gần 5 giờ di chuyển đường rừng, chúng tôi đặt chân lên đỉnh Nam Ka. Đây là đỉnh núi cao nhất ở Khu Bảo tồn Thiên nhiên Nam Ka, với độ cao 1.294 m. Khu vực đỉnh núi tương đối bằng phẳng, với nhiều loài thực vật phân bố, trong đó có nhiều cây gỗ lớn, xen lẫn những cây nhỏ đang vươn mình đón ánh nắng mặt trời.
"Chạm mặt"... chè cổ thụ
Trong suốt hành trình, thứ chúng tôi muốn tìm kiếm là loài chè cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm hiếm hoi phân bố ở đỉnh Nam Ka. Anh Nguyễn Phi Hậu dẫn chúng tôi len lỏi giữa những cánh rừng để tìm lại vùng chè mà trong những đợt tuần tra trước anh đã phát hiện ra.
Ông Lương Hữu Thạnh, Giám đốc Khu Bảo tồn Thiên nhiên Nam Ka
|
Loài chè này ưa lạnh nên phân bố chủ yếu từ độ cao 1.000 m trở lên và chỉ phát hiện được ở đỉnh núi Nam Ka, còn những đỉnh núi khác trong Khu Bảo tồn Thiên nhiên Nam Ka thì không thấy. “Chúng đây rồi!”, anh Hậu chỉ tay về hướng cây có thân màu hơi ngả vàng xen lẫn màu xanh của những đám rêu sống ký sinh phía trước. Cây chè có đường kính thân cỡ 20 cm, cao khoảng 8 m, bên trên cành lá xum xuê. Nhìn qua, lá loại cây này cũng giống như lá chè nhà, chỉ khác chút là lá lớn, dày hơn, ít gai lá hơn. Đưa tay hái một lá đưa lên mũi ngửi, tôi cảm nhận được mùi chè xanh rõ rệt, nếm thì có vị chát hơn so với chè nhà. Xung quanh khu vực cây chè này, chúng tôi tìm thấy 4 cây chè lớn cùng rất nhiều cây chè nhỏ, có cả những mầm cây mới nhú từ những hạt từ cây mẹ rớt xuống. “Ở đây, chè mọc theo từng quần thể, mỗi khu vực phân bố cỡ 5 - 7 cây lớn và nhiều cây nhỏ. Trên khu vực đỉnh núi Nam Kar rộng hàng trăm héc-ta đã phát hiện ra rất nhiều quần thể chè như vậy”, anh Hậu cho hay.
Cũng theo anh Hậu, qua lời kể của những già làng sống gần khu vực đỉnh Nam Ka, loài chè này xuất hiện ở đây lâu lắm rồi. Thời trước ông bà của họ đi rừng đã phát hiện ra loài chè này. Sau đó, mỗi lần đi rừng họ đều hái một ít để thưởng thức. Theo họ, uống nước chè này giúp cơ thể giải nhiệt và tỉnh táo hơn trong những chuyến đi rừng.
Hái một ít lá chè tươi, chúng tôi quay về khu vực dựng trại để ngủ qua đêm. Trời về chiều, sương mù kéo dày đặc trên đỉnh núi, tạo nên khung cảnh mờ ảo tuyệt đẹp. Ở độ cao hơn 1.000 m nhiệt độ bắt đầu giảm nhanh, trời càng về tối cái lạnh bắt đầu bủa vây. Bên bếp lửa cạnh con suối nhỏ nước chảy róc rách, chúng tôi ngồi nhâm nhi ly nước chè rừng nóng hổi. Nước chè nấu lên có màu vàng nhạt, nhấp một ngụm vào miệng cảm nhận ngay được vị chát đặc trưng, sau đó là vị ngọt nhè nhẹ. Giữa chốn núi rừng yên ả, không khí trong lành, ngồi thong dong nhấp ngụm nước chè, lắng nghe tiếng suối, tiếng chim, tiếng ếch nhái gọi bạn, ngắm sương giăng trên những tán cây cổ thụ, là một trải nghiệm tuyệt vời mà chuyến đi mang lại.
Một cây chè con trên đỉnh Nam Ka. |
Theo ông Lương Hữu Thạnh, Giám đốc Khu Bảo tồn Thiên nhiên Nam Ka, chè rừng trên đỉnh Nam Ka hiện nay vẫn là loài thực vật bí ẩn vì chưa có một công trình khoa học hay một nghiên cứu cụ thể nào. Mới đây, ông có gửi mẫu chè cho một chuyên gia ngành lâm nghiệp thì được trả lời đây là một loài thuộc họ chè, tuy nhiên tên gọi chính xác của nó thì cần phải tìm hiểu, nghiên cứu kỹ mới khẳng định được. Công việc chính của Khu Bảo tồn là quản lý, bảo vệ diện tích rừng được giao, còn việc nghiên cứu các loài thực vật, động vật mới thì chưa làm được vì thiếu nhân lực, phương tiện, kinh phí. Do đó, đơn vị rất cần sự hỗ trợ của các cấp để có những công trình nghiên cứu về loài chè trên đỉnh Nam Ka nói riêng và các loài động, thực vật nói chung, từ đó có phương án quản lý, bảo vệ phù hợp.
Vạn Tiếp
Ý kiến bạn đọc