Multimedia Đọc Báo in

“Con tàu” tưởng nhớ người đi

08:49, 16/04/2023

Mỗi khi thả bước chậm rãi trên đường Nguyễn Tất Thành, con đường ven biển dài nhất của TP. Đà Nẵng để tận hưởng những cơn gió mát từ khơi xa thổi tới, du khách đều dừng lại ngắm nghía “con tàu đánh cá” nằm sát bờ mang số hiệu “ĐNa TS-92010” đầy thích thú.

Thoạt  nhìn “con tàu” này cũng giống như nhiều con tàu đánh cá của bà con ngư dân ở khắp mọi miền, chỉ khác ở trên nóc cabin đắp nổi các hình long, phụng. Không ít người còn bước xuống “con tàu” như để khám phá điều gì còn bí ẩn ở bên trong. Thật ra, đây không phải là con tàu đánh cá đóng bằng gỗ hoặc kim loại mà là một… ngôi miếu hình con tàu giã cào được đúc bằng xi măng, cốt thép. Theo các cụ cao niên hai phường Thanh Khê Đông, Thanh Khê Tây, quận Thanh  Khê (TP. Đà Nẵng) cho biết, ngôi miếu hết sức độc đáo này là xuất phát từ những tấm lòng của bà con ngư dân hai làng chài Thanh An, Thanh Thủy ở phường Thanh Lộc Đán ngày xưa tưởng nhớ đến những số phận của bao người đồng nghề đã bỏ mạng trên biển cả mênh mông, thân xác bị sóng gió dập vùi biệt tích.

Ngôi miếu thờ hình tàu cá trên bãi biển Thanh Khê.

Ngược dòng sử sách thì hai làng chài Thanh An, Thanh Thủy được hình thành từ rất sớm. Ngày xưa, nơi đây là những trảng cát trắng bao bọc quanh bãi biển trong xanh ôm hình vành trăng khuyết tuyệt đẹp. Dân cư của hai làng thưa thớt, tá túc dưới những nóc nhà mái lá lè tè, đơn sơ. Đa số người dân nơi đây làm nghề chài lưới trên biển, số ít làm mắm. Dụng cụ mưu sinh thuở xưa của bà con ngư dân hai làng chài Thanh An, Thanh Thủy rất thô sơ, chỉ là những tấm lưới đan thủ công với những chiếc ghe nan bầu được đan bằng tre, trát dầu rái hoặc những chiếc thuyền được đóng từ những tấm ván mỏng manh và chủ yếu đánh bắt gần bờ. Rồi tôm, cá cũng ít dần, họ bắt đầu vươn ra xa hơn. Do tàu thuyền nhỏ bé, lại đánh bắt trong môi trường nước sâu, dự báo thời tiết chủ yếu theo… kinh nghiệm, vì vậy mà có những ghe, thuyền căng buồm ra khơi trong buổi sáng trời còn trong xanh lồng lộng thì chiều mây đen ùn ùn kéo tới, gió giật liên hồi, từng đợt sóng cao như quả đồi bất ngờ ập tới nhấn chìm tất cả những ghe, tàu bồng bềnh trên biển. Các cơn bão hung dữ ấy đã cướp đi biết bao mạng sống của những ngư dân nơi đây. Để tưởng nhớ đến những người nằm lại với biển, bà con làng chài Thanh An, Thanh Thủy đã chung tay dựng tại bờ biển một cái miếu nhỏ để hương khói cho những oan hồn còn bơ vơ, lưu lạc dưới đáy biển sâu. Đến nay chẳng có tư liệu nào chứng minh về thời gian ra đời của ngôi miếu ấy, chỉ nghe truyền khẩu là miếu “làng Thanh An, Thanh Thủy”, còn gọi miếu “Cúng cơm cô bác” có từ lâu lắm rồi.

Cuối năm 2006, một cơn bão mạnh đã phá hủy hoàn toàn ngôi miếu cổ xưa. Con cháu của ngư dân làng chài Thanh An, Thanh Thủy đã đóng góp cùng bà con làng biển phục dựng lại ngôi miếu vào năm 2010 theo thiết kế khá lạ mắt. Ngôi miếu hiện nay mang hình tượng một chiếc tàu đánh cá, mang đậm ý nghĩa và tính nhân văn sâu sắc. Miếu con tàu được xây dựng sát vỉa hè, thân tàu nằm trên 16 trụ bê tông vững chãi, đuôi có hai chữ lớn “ĐA NANG”, mũi tàu chĩa thẳng ra phía khơi xa với hàm ý cho dù bão táp, mưa sa, ngư dân của làng chài từ xưa đến nay vẫn vươn khơi, bám biển. Miếu có đầy đủ các phòng thờ cúng, được chạm trổ, đắp nổi hình hài tứ linh long, lân, quy, phụng, hoa văn tinh xảo, có bàn thờ đặt tượng Phật. Miếu hình con tàu đánh cá được sơn kẻ màu rất giống với màu của con tàu thật, thân miếu nằm bằng với mặt vỉa hè đường Nguyễn Tất Thành. Chính vì vậy, du khách đi trên đường không thấy các trụ bê tông nên dễ nhầm tưởng đó là con tàu cá đang nằm bờ. Sở dĩ dân làng lấy số hiệu cho “con tàu” miếu này là 92010, bởi miếu được khởi công xây dựng lại vào tháng 9/2010 ngay tại vị trí của ngôi miếu cũ.

Cứ đến ngày 24/4 âm lịch hằng năm, dân làng sắm sửa lễ vật mang đến miếu để tổ chức lễ cúng cơm cho cô bác. Đây là hoạt động dân gian tâm linh, một nét đẹp văn hóa truyền thống bao đời nay của bà con ngư dân hai làng Thanh An, Thanh Thủy.   

Thái Mỹ


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.