Multimedia Đọc Báo in

Tháng Tư ra thăm Côn Đảo

06:47, 02/04/2023

Chúng tôi ra Côn Đảo trong những ngày nắng tháng Tư rực rỡ, chói chang.

Tàu ghé cảng Bến Đầm, chúng tôi lên xe về thị trấn theo con đường vòng ven biển tuyệt đẹp. Qua khỏi mũi Cá Mập, nhìn ngược lại, sẽ thấy đỉnh Tình Yêu nổi lên giống một lâu đài khổng lồ, huyền bí như trong truyện cổ tích. Khi đến gần thị trấn, chúng tôi dừng chân tại Cầu tàu 914, nơi đây đã in dấu chân biết bao nhiêu con người bị xiềng xích đi qua... Có người may mắn trở lại, có người vĩnh viễn không về, gửi nắm xương tàn nơi hải đảo hoang vu! Cũng tại cầu tàu này, 914 người tù khổ sai đã ngã gục xuống khi xây dựng cầu cảng, máu xương của họ dập vùi trong cát, hòa vào nước biển mặn.

Địa điểm đầu tiên chúng tôi đến là trại giam có từ lâu đời nhất của Côn Đảo – “Trung tâm cải huấn - Trại Phú Hải”. Ngày 28/11/1861, Pháp chiếm Côn Đảo, sau đó thành lập trại giam tại đây. Chúng cho xây một dải nhà ngục tạm thời bằng vách đất, mái tranh và 50 tù nhân có án từ 1 - 10 năm bị đưa ra Côn Đảo đầu tiên vào tháng 3/1862. Năm 1896 trại giam kiên cố đã hoàn tất với tổng diện tích 12.015 m2 có tường dày bao bọc bên ngoài, bao gồm hai dãy khám được xây đối diện nhau, mỗi dãy 5 khám (đánh số từ trái sang phải 1 - 10), phía cuối sân, nối qua hai dãy khám có 20 hầm đá (còn gọi là xà lim), cuối dãy khám giam bên trái còn có một phòng giam “Tù đặc biệt”. Kế đó là “Hầm xay lúa”, vừa là nơi khổ sai xay lúa, vừa là nơi đày ải, trừng phạt tù nhân. Ở góc cuối bên phải còn có một khu đất trống dùng để phạt tù nhân khổ sai đập đá.

Tại phòng 6 của trại giam (còn được gọi là phòng “Chết điển hình”), thời Mỹ – ngụy, từ năm 1957 là nơi khởi đầu cuộc đấu tranh chống ly khai Đảng Cộng sản của tù chính trị. Địch đã thực hiện âm mưu phân hóa giữa cộng sản và kháng chiến nhưng thất bại nên chúng ra sức đàn áp dã man, tù nhân ở đây chết rất nhiều. Phòng 7 là nơi ra đời Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên trong nhà tù Côn Đảo vào cuối năm 1932, sau phát triển thành Đảng ủy Côn Đảo lãnh đạo cuộc đấu tranh của tù nhân với sự chỉ đạo của các đồng chí Nguyễn Hới, Tôn Đức Thắng, Ngô Gia Tự, Trần Quan Tặng, Nguyễn Chí Diểu, Lê Văn Lương, Nguyễn Duy Trinh… Phòng 9 là nơi từng giam giữ các đồng chí Tôn Đức Thắng, Võ Sỹ, Võ Thúc Đồng...

Bình minh Côn Đảo.

Ở Côn Đảo, ngoài trại giam Phú Hải, còn có các trại giam Phú Tường, Phú Sơn, Phú Bình. Ỏ trại Phú Tường có “chuồng cọp” nổi tiếng bởi sự khắc nghiệt. “Chuồng cọp” được Mỹ xây riêng và giữ bí mật trong một thời gian dài, hầu như rất ít người biết đến. Tháng 7/1970, sự thật về “chuồng cọp” bị phanh phui, gây chấn động quốc tế. Tù nhân ở đây bị giam trong những căn phòng chỉ rộng 5 m2, không có giường nằm. Người tù bị cùm chân và phải nằm dưới nền xi măng ẩm thấp, điều kiện vệ sinh và ăn uống rất kém, lại thường xuyên bị tra tấn. Khu này dành cho những tù binh quan trọng không chịu khai báo, với mục đích dùng sự khổ ải để khuất phục ý chí của tù nhân.       

Nghĩa trang Hàng Dương là nơi mà ai cũng muốn đến khi ra Côn Đảo. Từ năm 1862 đến 1975, đây là nơi chôn cất hàng vạn chiến sĩ cách mạng và những người yêu nước Việt Nam qua nhiều thế hệ bị tù đày. Hiện nay, Nghĩa trang Hàng Dương rộng trên 20 ha, gồm 4 khu A, B, C, D. Nơi đây có mộ của những anh hùng liệt sĩ như: Lê Hồng Phong, Nguyễn An Ninh, Võ Thị Sáu,  Cao Văn Ngọc, Lê Văn Việt... Tháng Tư có rất nhiều đoàn khách từ khắp mọi miền của đất nước về thăm Côn Đảo, thắp hương tưởng niệm anh linh các liệt sĩ, đồng chí, đồng đội đã vĩnh viễn yên nghỉ nơi đảo xa.

48 năm đã trôi qua kể từ ngày Côn Đảo bước ra khỏi cảnh “địa ngục trần gian”… Ngày nay, Côn Đảo đã thay da đổi thịt, trở thành điểm du lịch nổi tiếng. Đến Côn Đảo, không chỉ thăm những chứng tích, du khách còn được chiêm ngưỡng cảnh thiên nhiên đẹp tựa thiên đường. Chúng tôi leo hơn 250 bậc đá để lên chùa Vân Sơn ngắm vịnh Côn Lôn đẹp như bức tranh thủy mặc. Đi dọc con đường đèo cheo leo sát biển phía bắc Côn Đảo, ta sẽ được chiêm ngưỡng hòn Bảy Cạnh, nơi có ngọn hải đăng rọi xa 35 hải lý. Hải đăng Bảy Cạnh (1883), là một trong những ngọn hải đăng được người Pháp xây dựng sớm nhất ở nước ta. Vượt qua lưng đèo Cỏ Ống, chúng tôi đến bãi Đầm Trầu – một trong bãi biển đẹp nhất Côn Đảo vui đùa trong làn nước biển trong xanh. Ở đây còn có bãi Ông Đụng, bãi Nhát, Vườn Quốc gia Côn Đảo, đi tàu khám phá hòn Cau, hòn Bông Lan, hòn Tài, hòn Trác. Nếu đến Côn Đảo từ tháng 4 đến tháng 10, ta sẽ có thể đi xem rùa biển đẻ trứng ở hòn Bảy Cạnh… 

Đặng Hoàng Thám 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.