Multimedia Đọc Báo in

“Đại sứ” đặc biệt của du lịch

14:27, 23/05/2023

Trong hành trình du lịch, thưởng thức ẩm thực là điều không thể thiếu, thậm chí đây còn mục đích của nhiều chuyến đi. Vì vậy, có thể nói rằng, ẩm thực là một trong những “đại sứ” đặc biệt, hấp dẫn của ngành du lịch.

Trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk hiện có 49 dân tộc anh em cùng sinh sống, mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa riêng, đặc biệt là món ăn truyền thống. Điều đó tạo nên sự độc đáo, phong phú trong ẩm thực của địa phương, có sức hấp dẫn đặc biệt với  du khách.

Một gian hàng giới thiệu ẩm thực và rau rừng đến du khách tại Lễ hội văn hóa dân gian và ẩm thực truyền thống dân tộc Êđê xã Ea Tul (huyện Cư M’gar).

Quen thuộc nhất phải kể đến rượu cần, thức uống truyền thống được làm từ men lá cây rừng ủ bằng nếp nương thơm ngon của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng. Tương tự còn có cơm lam, cơm làm gạo nếp thơm, ngâm qua đêm, thêm một chút muối trộn đều rồi cho vào ống lam nướng trên bếp; ăn kèm với muối vừng hoặc thịt heo, thịt gà nướng…

Mỗi dân tộc lại có những đặc sản riêng như: món canh cà đắng (dân tộc Êđê), canh bột (dân tộc M’nông), cá nấu với lá sắn chua (dân tộc Xê Đăng), món khâu nhục (dân tộc Tày, Nùng), xôi ngũ sắc (dân tộc Mường)… Ẩm thực phản chiếu chân thực bản sắc văn hóa của vùng đất, con người địa phương. Những món ăn dân dã, gắn liền với đời sống người dân, nay trở thành những vị “đại sứ” gắn kết du khách với mảnh đất này. Không ít khách du lịch cảm thấy nhớ nhung một bữa cơm rau rừng xào cùng với canh cà đắng, một ống cơm lam chấm muối vừng, cá lóc nấu canh chua cùng trứng kiến hay điểm xuyết trái cây rừng theo mùa, dưới mái nhà sàn mát rượi ở Buôn Đôn, Lắk, TP. Buôn Ma Thuột… Món ăn lạ mà bỗng thấy quen, bởi trong đó có tâm tư người nấu, có tấm lòng của người bản địa.

Du khách thưởng thức ẩm thực của người Êđê tại một chương trình trải nghiệm ở Bảo tàng Thế giới cà phê.

Nhiều bạn trẻ chọn cách du lịch trải nghiệm tại các homestay cũng háo hức không kém với việc tự tay nướng gà đồi bên bờ suối, bên thác, hái rau rừng... Những hoạt động giản dị nhưng mang đến những dư vị thật khó quên. Đến từ Quảng Nam, anh Trần Nguyên Nghi bày tỏ rằng rất thích thú khi được thưởng thức các món ăn ở Đắk Lắk, bởi nó không chỉ hấp dẫn ở hương vị, mà mỗi món ăn đều chứa đựng những câu chuyện. “Đơn cử như việc, vì sao các món ăn của người dân tộc thiểu số nơi đây đều có vị cay và thường có vị đắng. Tôi được giải thích, đó là vị của rừng, người Êđê gắn với rừng, các loài rau trong rừng thường có vị đắng và có tác dụng chữa một số bệnh nên được dùng nhiều, dần dà trở thành món ăn. Vị cay giúp cho món ăn ngon hơn, giữ ấm cơ thể. Hay như cơm lam, gắn với việc ngày xưa đàn ông đi rẫy mang thức ăn đi cả ngày…”, anh Nguyên Nghi cho hay.

Với quan điểm phát huy vốn văn hóa truyền thống các dân tộc, nhất là duy trì ẩm thực, trong các chương trình, ngày hội dân tộc các huyện, thị xã, thành phố hay trong các lễ hội… phần thi ẩm thực luôn là phần không thể thiếu được. Gần đây nhất là Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc thiểu số TP. Buôn Ma Thuột lần thứ X năm 2023, hay Lễ hội văn hóa dân gian và ẩm thực truyền thống dân tộc Êđê xã Ea Tul (huyện Cư M’gar), phần thi ẩm thực được các đơn vị thôn, buôn, người dân hết mực quan tâm và tham gia một cách hào hứng. Họ nấu nướng, chăm chút từng món ăn tiêu biểu, đặc sắc của dân tộc mình, gửi đến đông đảo du khách gần xa và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình. Chị H’ Nuih Ktla (buôn Yao, xã Ea Tul) tâm tình: “Khi nấu, chúng tôi hy vọng mỗi món ăn sẽ mang đến cho du khách những sự trải nghiệm thú vị, khi thấy được sự thích thú và phản hồi tích cực của các vị khách, chúng tôi rất vui”.

“Vui lòng người nấu, vừa lòng người ăn”, đó cũng chính là nền tảng để mỗi người dân, đơn vị kinh doanh ngành ẩm thực, dịch vụ du lịch nâng cao giá trị của “đại sứ” đặc biệt này, tạo thành điểm hấp dẫn du khách khắp năm châu.

Khám phá và trải nghiệm văn hóa ẩm thực là một trong những sở thích của nhiều người khi đi du lịch. Việc xây dựng văn hóa ẩm thực gắn với du lịch được xem là cách làm phù hợp để ngành du lịch Đắk Lắk ngày càng phát triển.

Mai Sao


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.