Gỏi hoa phượng đổi vị ngày hè
Hè về, hoa phượng nở rực đỏ trên góc phố, trường học, gợi cho ta nhớ về những kỷ niệm êm đềm của tuổi học trò.
Có lẽ thời thơ ấu ai cũng có lần cùng bạn bè trèo hái hoa phượng để chơi trò bán buôn, chọi gà, kết thành vương miện và nhấm nháp những cánh hoa phượng với vị chua chát đặc trưng.
Bây giờ, người ta còn có thể chế biến loài hoa này thành món đặc sản hấp dẫn và thú vị: món gỏi “huyết phượng".
Để chế biến gỏi “huyết phượng”, trước hết, chuẩn bị một ít hoa (búp) chuối sứ xắt mỏng, một ít da lợn, thịt lợn ba chỉ hoặc tôm đất, rau càng cua, một quả xoài xanh bào sợi, khế chín xắt lát, bẹ môn tím và bẹ thiên niên kiện tước vỏ được xắt mỏng, đậu phộng (lạc) rang vàng, bánh tráng nướng giòn. Và tất nhiên, sẽ kèm một nắm hoa phượng bỏ cuống, chỉ lấy phần cánh hoa và một ít rau thơm như: Ngò gai, rau húng, rau răm và ớt chín, dấm ăn hay chanh tươi.
Kế đến, da lợn, thịt ba chỉ hay tôm đất lần lượt cho vào nồi luộc chín và vớt mỗi thứ ra dĩa và thái mỏng. Ngoài ra, muốn mâm gỏi hấp dẫn hơn, thêm trứng tráng xắt thành sợi mỏng vào; rau thơm xắt nhỏ cùng với đậu phộng rang đâm nhỏ, bánh tráng nướng bóp vụn để riêng mỗi thứ ra chén. Đặt chảo lên bếp và phi thơm củ nén hay tỏi với dầu ăn cho thơm, sau đó cho thịt lợn, da lợn, tôm luộc vào xào lăn. Nêm nếm gia vị như mì chính, nước mắm ngon, tiêu bột và đường cát vừa ăn, sau đó để nguội.
Đĩa gỏi “huyết phượng” thơm ngon với nhiều màu sắc. |
Tiếp theo, cho các nguyên liệu chính như cánh hoa phượng, đu đủ bào, rau càng cua, xoài xanh, bẹ môn tím, khế chín đã xắt cùng đậu phộng rang giã dập và bánh tráng bóp vụn vào chảo. Rắc rau thơm lên và sau cùng chan vài muỗng nước mắm chanh, tỏi, ớt, tiêu bột, mì chính rồi đảo đều, nhẹ tay trong khoảng 2 phút để tất cả các nguyên liệu ngấm đều nước trộn gỏi. Khi đã ngấm đều, đảo nhẹ để hoàn thiện món gỏi "huyết phượng".
Tuy nhiên, để làm món này thật ngon, không chỉ việc chế biến mà còn phải chú ý đến pha chế nước mắm. Nước mắm pha phải thật nhạt nhưng đảm bảo vị ngọt, thơm của nước mắm, vị chua chua hấp dẫn của chanh, vị cay the nhưng không quá nồng của ớt, rau thơm và đặc biệt là sau khi ăn, ta muốn húp thêm một ít nước mắm "cho đã", mặc dù trong bụng vẫn còn thòm thèm muốn ăn tiếp chén thứ hai, thứ ba...
Đĩa gỏi "huyết phượng" trông rất bắt mắt với màu ngà của đu đủ, màu xanh lá cây của rau thơm, màu phớt tím của bẹ môn tím, điểm xuyết trên nền mâm gỏi là màu xanh lá mạ của rau thơm, màu đỏ của hoa phượng… Khi thưởng thức, món gỏi có vị chua chua, ngọt ngọt, thơm thơm, beo béo và giòn giòn của các nguyên liệu hòa quyện với vị ngọt của thịt và tôm, rất lạ miệng và thú vị.
Tiên Sa
Ý kiến bạn đọc