Multimedia Đọc Báo in

Không gian du lịch ẩn mình giữa buôn làng M’nông

07:53, 27/08/2023

Bắt đầu tiếp đón khách du lịch từ năm 2020, không gian du lịch Y Sol House (Nhà của Y Sôl) ở xã Yang Tao (huyện Lắk) được du khách đánh giá là điểm đến đậm chất M’nông R’lăm.

Nhận thấy quê hương có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, năm 2020, Y Sôl Sruk – một người con sinh ra và lớn lên tại buôn Cuôr Tak, xã Yang Tao đã mạnh dạn cải tạo khu vườn nhà mình thành không gian đón du khách trong và ngoài nước. Y Sol House hoàn thành và đưa vào sử dụng từ cuối năm 2020 với kỳ vọng là nơi để chàng trai M’nông khởi nghiệp ngay tại quê hương. Tuy nhiên, thời điểm đó, tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Y Sol House gặp nhiều khó khăn, đã không ít lần Y Sôl có ý định từ bỏ giấc mơ khởi nghiệp của chính mình.

Du khách dạo chơi ở khuôn viên Y Sol House (xã Yang Tao, huyện Lắk).

Bằng nét chân chất, mộc mạc của người con M’nông, Y Sôl cởi mở trò chuyện: Sau một thời gian làm việc ở TP. Hồ Chí Minh và một đơn vị du lịch đứng chân trên địa bàn huyện Lắk, anh quyết định lập nghiệp ngay tại quê hương bằng niềm đam mê với du lịch. Nghĩ là làm, với mặt bằng sẵn có là mảnh đất của gia đình, anh mạnh dạn vay thêm ít vốn để cải tạo nhà sàn làm nơi ăn uống, ngủ nghỉ phục vụ khách du lịch. Khi mọi sự chuẩn bị đã hoàn tất thì tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, mọi ước mơ, cơ hội như vụt khỏi tầm tay của anh. Sau đó, được gia đình, người thân động viên, anh cũng tự trấn an và từng bước thích nghi với tình hình thực tế. Tranh thủ thời gian “vàng” trong mùa dịch bệnh, anh tự học cách chế biến món ẩm thực đậm chất của người M’nông, học chụp ảnh, học đánh cồng chiêng, theo cha đưa voi lên rừng và trải nghiệm cách làm gốm của nghệ nhân trong làng. Với những kiến thức có được, cùng với những trải nghiệm của bản thân trong thực tế, anh đã giới thiệu các thông tin về buôn làng, về nghề gốm, về những chú voi thân thiện, về cồng chiêng với mọi người trên mạng xã hội. Từ đó, những chuyến du lịch trải nghiệm được khách du lịch tìm hiểu, đăng ký. Đến giữa năm 2022, tình hình dịch COVID-19 được kiểm soát, hoạt động du lịch bắt đầu hồi phục, nhà của Y Sôl được du khách tìm đến, trải nghiệm đều đặn mỗi ngày.

Với ba căn nhà sàn theo kiểu truyền thống của người M’nông, trong đó dãy nhà phía trước là khu vực tiếp khách, với điểm nhấn là những ché rượu cần, bếp lửa, cồng chiêng để tiếp khách, tổ chức ca hát, giao lưu cồng chiêng giữa nghệ nhân với du khách. Phía sau là phòng ngủ được thiết kế vẫn giữ nguyên truyền thống nhà của đồng bào M’nông nhưng được cải tiến bằng cách chia vách để tiện lợi cho du khách khi đến lưu trú.

Du khách chụp hình lưu niệm tại Y Sol House.

Khi đến với Y Sol House du khách được cảm nhận cuộc sống thường nhật của người M’nông bên hồ Lắk huyền thoại. Bên cạnh đó, du khách được thưởng thức những món ăn truyền thống đậm chất Tây Nguyên như lá sắn xào, gỏi cà đắng cá khô, canh cà đắng lá bép, thịt heo nướng ống tre, măng nấu canh tro; hay những món ăn từ hồ Lắk như cá bống chiên giòn, chả cá thát lát… Chị Trần Thị Phương (du khách đến từ TP. Hà Nội) chia sẻ, tháng 7 vừa rồi, lần đầu tiên chị đến tham quan du lịch ở Đắk Lắk. Trong hành trình cùng với gia đình đến với miền đất huyền thoại bên hồ Lắk thơ mộng, chị được một người bạn giới thiệu homestay Y Sol House ở xã Yang Tao. Khác với cảnh nhộn nhịp ở chốn phố thị đông người, đến đây dường như chị quên đi mọi lo toan trong cuộc sống thường ngày.

Sau hơn 2 năm đi vào hoạt động, đến nay Y Sôl đã phối hợp với các nhóm bạn, các hộ dân nuôi voi, hộ làm nghề gốm tổ chức hàng chục tour du lịch đưa du khách đến các buôn làng, những dòng thác nguyên sơ, hùng vĩ, những làng nghề truyền thống của người M’nông ở huyện Lắk. Kết thúc mỗi chuyến trải nghiệm, du khách trở về nhà của Y Sôl để thưởng thức các món ăn dân dã, lưu trú trong không gian của đồng bào M’nông. Y Sol House cũng đã tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động địa phương, với mức thu nhập từ 4,5 - 5 triệu đồng mỗi tháng. Chị H Dung Sruk, buôn Cuôr – một người gắn bó với Y Sol House từ những ngày mới đi vào hoạt động chia sẻ, gia đình chị ít đất sản xuất nên hằng ngày vợ chồng chị thường làm thuê nay đây mai đó. Công việc bấp bênh, thu nhập không ổn định nên cuộc sống hằng ngày chật vật. Khi Y Sol House đi vào hoạt động, chị được Y Sôl tin tưởng, giao công việc chế biến thực phẩm phục vụ du khách. Biết nấu ăn từ nhỏ, được mẹ dạy nhiều về các món ăn truyền thống của người M’nông nên công việc này trở thành niềm đam mê của chị. Tất cả những món ăn như cơm lam, gà nướng, canh cà đắng, tép ram khế chua… chị đều làm được. “Được làm công việc yêu thích, lại ở gần nhà, có nguồn thu nhập ổn định, tôi cảm thấy rất vui” – chị H Dung bộc bạch.

Bà H Loan Uông, Chủ tịch UBND xã Yang Tao cho biết, xã Yang Tao cách trung tâm TP. Buôn Ma Thuột chừng 45 km, toàn xã có 96% dân số là người M’nông. Nơi đây được nhiều người biết đến với nghề làm gốm thủ công, nghề nuôi voi bên hồ Lắk và còn lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống của người M’nông R’lăm. Do vậy, địa phương có nhiều thế mạnh để phát triển du lịch cộng đồng. Hiện nay trên địa bàn mới có gia đình anh Y Sôl Sruk triển khai mô hình này, trong thời gian qua, địa phương đã quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích phát triển.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.