Multimedia Đọc Báo in

Thay đổi tư duy, tầm nhìn để thúc đẩy phát triển du lịch nhanh, bền vững

14:54, 15/11/2023

Sáng 15/11, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị toàn quốc về du lịch với chủ đề “Phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững”. Hội nghị được kết nối trực tuyến tới điểm cầu các tỉnh, thành phố cả nước. 

Tham dự tại điểm cầu Đắk Lắk có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thiên Văn cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan…

Ngày 15/3/2022, du lịch Việt Nam mở cửa hoàn toàn đón khách quốc tế trong điều kiện bình thường mới; từ đó đến nay du lịch đã dần khôi phục trở lại. Lượng khách du lịch quốc tế tính đến hết tháng 10/2023 đã vượt chỉ tiêu kế hoạch cả năm, đạt hơn 9,97 triệu lượt; khách nội địa đạt 98,7 triệu lượt khách; tổng thu từ khách du lịch đạt 582,6 nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, du lịch vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Khách du lịch quốc tế 10 tháng năm 2023 mới chỉ bằng 69% so với cùng kỳ năm 2019 (thời điểm trước đại dịch). Bên cạnh đó, ngành Du lịch phải đối mặt với nhiều thách thức, nhất là việc đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước, sự cạnh tranh của các nước trong khu vực, quốc tế.

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Đắk Lắk.

Trên cơ sở gợi ý của Thủ tướng Chính phủ, tại hội nghị các đại biểu là lãnh đạo các bộ, ngành; các chuyên gia về du lịch; tập đoàn, doanh nghiệp làm du lịch và lãnh đạo các địa phương có thế mạnh về du lịch đã thảo luận, phân tích về những khủng hoảng ảnh hưởng đến phát triển du lịch, đồng thời đề xuất giải pháp mang tính đột phá, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi phát triển du lịch Việt Nam nhanh và bền vững…

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao những ý kiến phát biểu của đại biểu, đây là những ý kiến đầy tâm huyết, có trách nhiệm nhằm gợi mở những vấn đề, những giải phát để phát triển du lịch của cả nước trong thời gian tới. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu bộ phận chuyên môn Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp thu, làm cơ sở tham mưu Chính phủ ban hành nghị quyết về “Phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững”. 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kết luận hội nghị. (Ảnh chụp qua màn hình).

Thủ tướng Chính phủ hoan nghênh và biểu dương toàn ngành du lịch có những cố gắng để đạt được nhiều kết quả khả quan trong thời gian qua; đồng thời cũng cũng thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại, hạn chế của du lịch Việt Nam và khẳng định để phát triển nhanh và bền vững, ngành du lịch cần thay đổi tư duy, có tầm nhìn chiến lược lâu dài hơn, phát triển đúng nghĩa là ngành kinh tế mũi nhọn. 

Cụ thể, các doanh nghiệp cần cùng nhau khai thác tốt nhất các cơ hội, nhận diện, hóa giải khó khăn, khai thác hiệu quả điều kiện tự nhiên, các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc thành sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn; các dịch vụ du lịch cũng cần thường xuyên được đổi mới, sáng tạo; công tác quảng bá cần tích cực, có trọng tâm, trọng điểm, đi theo xu thế của thời đại về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh; cần xây dựng sản phẩm du lịch đặc sắc, độc đáo, dịch vụ chuyên nghiệp, thủ tục đơn giản, điểm đến an toàn, thân thiện, văn minh, phát triển cần dựa trên nguồn lực tự nhiên, nguồn lực con người; tạo dựng mối liên kết chặt chẽ giữa các ngành, địa phương với doanh nghiệp, giữa địa phương với địa phương; tận dụng cơ hội để phát triển hệ sinh thái du lịch toàn diện, nhanh, bền vững, có tính hiệu quả cao... tạo động lực để phát triển các ngành kinh tế khác, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Được biết, đây là hội nghị chuyên đề về phát triển du lịch thứ hai được tổ chức trong năm 2023.

Mai Sao


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.