Phương Nam du ký (bài 4)
Bài cuối: Những điểm nhấn ở Tây Ninh
Từ vùng đất địa đầu Tổ quốc Cà Mau, chúng tôi chuyển hướng sang miền Đông Nam Bộ và địa phương được chọn chính là tỉnh Tây Ninh, một vùng đất có những điểm nhấn đặc biệt.
Nóc nhà Nam Bộ
Điểm đầu tiên chúng tôi đến tham quan là núi Bà Đen, còn gọi tắt một cách cung kính là núi Bà, cao 986 m so với mực nước biển. Đối với Tây Nguyên, Tây Bắc thì núi cao cỡ ngàn mét không phải là chuyện lạ nhưng ở khu vực Nam bộ, cả miền đông lẫn miền tây thì đây là nơi cao nhất, còn được mệnh danh là “nóc nhà Nam Bộ”.
Chúng tôi đi lên đỉnh núi bằng cáp treo. Càng lên cao, tầm nhìn càng rộng, cả một vùng đồng bằng quanh chân núi thu vào trong mắt. Từ ngày có cáp treo, du khách đến núi Bà tăng kỷ lục. Hôm ấy, trời nắng và khá nóng nực nhưng đến đỉnh núi thì nghe da mình mát rượi. Đúng là độ cao ngàn mét đã phát huy lợi thế, nhất là vào mùa hè, thảo nào bà con những tỉnh thành chung quanh trong mùa nắng thường đến đây trước là tham quan, du lịch, sau là trốn tạm cái nóng như thiêu như đốt và ngột ngạt ở phương Nam.
Tượng Phật Bà trên núi Bà Đen. |
Trên đỉnh núi Bà cũng sẽ có nhiều trải nghiệm lý thú. Chẳng hạn như chiêm ngưỡng tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn bằng đồng cao nhất châu Á, chiều cao 72 m, được chế tác từ 170 tấn đồng đỏ bằng công nghệ cao của châu Âu; được thiết kế từ nguyên mẫu thời Lê, chạm khắc tinh xảo, trán có tuệ nhãn, ngự trên tòa sen để phổ độ chúng sanh. Rất nhiều thiện nam tín nữ đã đến đây chiêm bái để bày tỏ lòng thành hướng thiện.
Dưới chân tượng Phật Bà là khu triển lãm Phật giáo diện tích hơn 4.400 m2 với 3 tầng rất quy mô và độc đáo. Du khách có cơ hội thưởng lãm các tác phẩm nghệ thuật được chế tác, phục dựng tinh xảo và trình bày một cách khoa học, hiện đại, thu hút người xem, đem lại trải nghiệm sinh động về lịch sử và văn hóa nghệ thuật Phật giáo.
Đến núi Bà còn là dịp ngắm hoa với những loài hoa ôn đới kiêu kỳ, đặc sắc như hoa tuy lip khoe mình trên nóc nhà Nam bộ đem lại những khoái cảm không dễ gì so được. Có thể nói cách làm du lịch ở đây bài bản, khoa học và tạo được không gian riêng biệt, không trùng lặp, đơn điệu như một số nơi khác.
Tòa thánh độc đáo
Chiều xuống, chúng tôi đi bộ đến tòa thánh Cao Đài Tây Ninh. Một cảm giác lạ lùng đến với chúng tôi vì khác với những gì quen thuộc đã chứng kiến, cho dù đã biết qua sách báo, phim ảnh.
Không lạ lùng sao được khi biết công trình này phải trải qua 22 năm xây dựng mới có thể hoàn thành (1926 - 1947), trai gái làm nhân công tự nguyện tuyên trước “Hồng thệ” không lấy vợ, lấy chồng trong suốt thời gian tham gia thi công để giữ sự tinh khiết cho công trình và cân bằng âm dương cho một địa chỉ tôn giáo rất quan trọng đối với người dân bản địa.
Tòa thánh Cao Đài Tây Ninh. |
Không lạ lùng sao được, khi tận mắt nhìn thấy một công trình kiến trúc lạ lùng và độc đáo. Nó vừa ảnh hưởng Thiên Chúa giáo, vừa ảnh hưởng Phật giáo lại vừa ảnh hưởng Đạo giáo và còn nhiều nét khác nữa… Chẳng hạn như ấn tượng nhất là hai lầu chuông và trống cao chót vót trông giống kiến trúc Thiên Chúa giáo, phần giữa với tượng đức Phật Di Lặc ở phần nóc…, tất cả theo tôn chỉ của đạo Cao Đài là: “Tam giáo quy nguyên, Ngũ chi phục Nhất”, nghĩa là đề cao tinh thần của tam giáo: Phật giáo, Lão giáo và Nho giáo với năm phương cách tu hành: Phật đạo, Tiên đạo, Thánh đạo, Thần đạo và Nhơn đạo.
Tham quan nội thất tòa thánh Tây Ninh, du khách bỏ giày dép ngoài, đi vào theo hướng bên phải, đi ra theo hướng bên trái của mình, cứ thế mà vừa đi vừa nhìn ngắm. Đến khi ra khỏi tòa thánh chúng tôi vẫn chưa hết cảm giác ngỡ ngàng.
Khi dạo chơi trong khuôn viên tòa thánh này, chúng tôi thấy thêm một sự lạ là có cả một rừng cây khá cao đổ bóng xuống buổi chiều. Nhưng lạ hơn là giữa phố xá đông vui lại có rất nhiều khỉ lớn, khỉ bé sống trong rừng cây này. Chúng nô đùa trên cây và chốc chốc lại chui qua hàng rào ra ngoài không chút sợ sệt, có lẽ từ lâu đã quá quen với con người. Cách một đoạn ngắn lại có tấm biển ghi dòng chữ du khách nên đề phòng khỉ. Nhưng thấy cả buổi chiều hôm ấy, chẳng có ai bị lũ khỉ giật đồ trên tay hay hung hăng dọa dẫm. Có thể biển báo cũng chỉ nhắc nhở du khách, những người vãng lai phòng xa mà thôi. Ai cũng tấm tắc ngợi ca về khu rừng có một không hai ở chốn thị thành miền Đông Nam bộ, thiên nhiên đã hòa hợp, trở thành một phần máu thịt của đời sống con người nơi đây. Điều này đáng quý và thật có ý nghĩa khi môi trường sống nhiều nơi không còn gần gũi với tự nhiên.
Phạm Xuân Dũng
Ý kiến bạn đọc