Multimedia Đọc Báo in

Du lịch Đắk Lắk vẫn còn nhiều dư địa để phát triển

08:04, 25/02/2024

Đắk Lắk là địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch. Thời gian qua, ngành du lịch đã không ngừng nỗ lực, đa dạng hóa sản phẩm để thu hút khách và phát triển theo hướng bền vững. Việc lựa chọn những bước đi phù hợp để phát triển du lịch xứng tầm đang được địa phương đặc biệt quan tâm.

Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Đắk Lắk có cuộc trò chuyện với bà NGUYỄN THỤY PHƯƠNG HIẾU, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch.

 

* Thưa bà, du lịch Đắk Lắk hiện có nhiều điểm sáng và ngay từ đầu năm Giáp Thìn đã có tín hiệu vui?

Bức tranh du lịch Đắk Lắk hiện có nhiều “gam” màu sáng; hoạt động du lịch đang có sức hút với du khách trong và ngoài nước. Có thể nói, đây đang là thời điểm khởi sắc của ngành du lịch địa phương từ sau đại dịch COVID-19, với lượng khách đến tham quan, trải nghiệm tăng. Riêng dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 (từ 29 tháng Chạp đến ngày mồng 5 Tết), tổng thu từ du lịch toàn tỉnh đạt 45 tỷ đồng, tăng 76,47% so với cùng kỳ, với tổng số khách đón tiếp đạt 145.000 lượt khách, tăng 12% so cùng kỳ. Trong đó, khách trong nước là 143.075 lượt, tăng 10%; khách quốc tế là 1.925 lượt, tăng 450%. Công suất sử dụng buồng, phòng bình quân đạt 52,55%. Đây là bước khởi đầu mạnh mẽ cho ngành du lịch địa phương “bứt phá” trong năm.

Nhìn rộng hơn để thấy thế mạnh cạnh tranh vượt trội của du lịch Đắk Lắk so với các địa phương khác trong vùng. Đắk Lắk sở hữu nhiều loại hình du lịch đa dạng, phong phú như: du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng…, các sản phẩm du lịch độc đáo, mang tính đặc thù địa phương. Lợi thế này sẽ thúc đẩy phát triển mạnh cho ngành du lịch địa phương trong thời gian tới. Theo tôi, du lịch Đắk Lắk vẫn còn nhiều dư địa để phát triển và có thể xây dựng được nhiều hơn những sản phẩm du lịch khác nhau, mang tính đặc thù để thu hút khách du lịch hơn nữa.

* Như bà vừa cho biết, du lịch Đắk Lắk đang có “sức hút” với du khách và vẫn còn nhiều dư địa để phát triển. Bà có thể nói rõ hơn về điều này?

Đúng vậy, Đắk Lắk vẫn còn rất nhiều tiềm năng và dư địa để phát triển du lịch, ở nhiều loại hình khác nhau. Đặc biệt, gần đây, du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp đang được quan tâm phát triển. Trên địa bàn tỉnh hiện xuất hiện ngày càng nhiều mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái, bước đầu thu hút du khách. Loại hình du lịch này không chỉ thu hút khách du lịch mà còn hỗ trợ người dân trong việc khai thác, bán các sản phẩm từ trang trại cho khách du lịch, góp phần phát triển triển kinh tế địa phương, là hướng đi mới trong đầu tư và phát triển du lịch bền vững.

Khách du lịch tham quan quy trình sản xuất cà phê chất lượng cao tại Công ty TNHH MTV Minudo Farm-Care (TP. Buôn Ma Thuột).

Để khai thác tốt dư địa đó cũng như đưa du lịch Đắk Lắk phát triển bền vững, xứng tầm, theo bà cần lựa chọn những bước đi phù hợp như thế nào?

Muốn phát triển mô hình du lịch sinh thái nông nghiệp thì cần “cởi trói” những rào cản về hành lang pháp lý, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Bởi hiện nay, trên địa bàn tỉnh, mô hình kinh doanh du lịch nông nghiệp, nông thôn phát sinh từ nhu cầu thực tế rất cao, nhưng chưa có quy định đầy đủ của pháp luật đất đai và một số pháp luật khác có liên quan. Từ quy định của pháp luật đất đai hiện hành và hạn chế, bất cập của mô hình farmstay đòi hỏi cần phải bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật đất đai và pháp luật có liên quan, tạo hành lang pháp lý cho loại hình kinh tế này phát triển. Đồng thời, tăng cường quản lý nhà nước để thực hiện các quy hoạch đã được phê duyệt, tránh tình trạng làm du lịch manh mún, thiếu bền vững. Song song với đó, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, quy hoạch, bảo tồn làng nghề truyền thống, xây dựng bộ tiêu chuẩn về sản phẩm du lịch nông nghiệp, hỗ trợ kinh phí đào tạo kỹ năng đón tiếp du khách và tiếp thị sản vật cho các nông hộ làm du lịch…

Ngành du lịch địa phương sẽ tiếp tục triển khai nhiều hoạt động, giải pháp dài hạn để thu hút khách du lịch; trong đó đẩy mạnh việc khai thác các tour, tuyến, điểm, sản phẩm du lịch mới lạ, chất lượng cao; phát triển sản phẩm du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp, nông thôn; bảo tồn, phát huy giá trị di tích văn hóa, lịch sử, danh lam thắng cảnh phục vụ du lịch; phát huy giá trị văn hóa truyền thống độc đáo, đa dạng của các dân tộc chung sống trên địa bàn tỉnh để phát triển loại hình du lịch cộng đồng; đăng cai tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch để thu hút nhiều hơn nữa khách du lịch đến với Đắk Lắk.

* Xin trân trọng cảm ơn bà!

Nhiều hoạt động xúc tiến phát triển du lịch năm 2024

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, trong năm 2024, ngành du lịch địa phương sẽ tích cực hỗ trợ doanh nghiệp du lịch tham gia nhiều sự kiện du lịch như: Ngày hội Du lịch TP. Hồ Chí Minh; Hội chợ Du lịch Quốc tế VITM Ha Noi; Chương trình xúc tiến du lịch tại tỉnh Nghệ An; Hội chợ Du lịch Quốc tế ITM HCM; mời các đoàn báo chí, doanh nghiệp lữ hành đến khảo sát sản phẩm du lịch Đắk Lắk; tham gia Hội chợ sản phẩm lên men quốc tế Jeonju (IFE) tại tỉnh Jeollabuk (Hàn Quốc); Chương trình xúc tiến du lịch tại TP. Cần Thơ; Hội chợ thương mại nhân kỷ niệm 120 ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk...

Cùng với đó, Sở cũng sẽ phối hợp tổ chức các sự kiện thể thao như: giải Việt dã tỉnh; Giải Karate khu vực miền Trung và Tây Nguyên; Giải vô địch Đẩy gậy, Kéo co quốc gia; Giải Boxing các đội mạnh quốc gia; Giải Bóng chuyền nữ quốc tế VTV9 Bình Điền; Giải Bóng đá Nhi đồng U11 tỉnh; Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số tỉnh; Giải vô địch Quần vợt quốc gia; Giải vô địch Bóng bàn các câu lạc bộ; Giải Đua xe đạp “Về nguồn”; Giải vô địch Cử tạ quốc gia; Giải Bóng đá thanh niên các dân tộc khu vực Tây Nguyên… để thu hút du khách đến với Đắk Lắk.

Đỗ Lan (thực hiện)

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.