Đừng để du lịch nội địa “thua trên sân nhà”!
Giá máy bay đắt đỏ trong thời gian qua là một trong những “rào cản” rất lớn tác động đến mục tiêu kích cầu du lịch của các địa phương trên phạm vi cả nước, nhất là trong thời điểm “vàng” của kỳ nghỉ hè sắp đến.
Theo tính toán, giá vé máy bay chiếm tỷ trọng từ khoảng 30 - 50% trong tổng số chi phí du lịch. Như vậy nếu như giá vé máy bay quá cao sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch đi du lịch nghỉ dưỡng của người dân, cũng như việc tổ chức tour của các công ty lữ hành du lịch.
Đại diện một công ty du lịch trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột chia sẻ, một tour trọn gói (khoảng 5 ngày 4 đêm) khởi hành từ TP. Hồ Chí Minh đi Thái Lan dao động từ 5 – 7 triệu đồng, gồm vé ăn tối, đi tham quan nhiều điểm du lịch nổi tiếng và vé máy bay khứ hồi. Giá tour này tương đương, thậm chí thấp hơn đối với một cặp vé khứ hồi cho một số đường bay nội địa dịp Lễ 30/4 và 1/5 ở nước ta.
Cụ thể, giá vé rẻ nhất của hành trình Hà Nội – Phú Quốc (bay ngày 28/4) và Phú Quốc – Hà Nội (ngày 1/5) lên đến 7,5 triệu đồng; cùng thời gian trên, hành trình khứ hồi Hà Nội – Buôn Ma Thuột và ngược lại khoảng 4,5 triệu đồng đối với hãng Vietjet, 6 triệu đồng đối với hãng Vietnam Airlines.
Khách tại khu vực sảnh ra Cảng hàng không Buôn Ma Thuột. |
Đây không phải là thời điểm giá vé máy bay nội địa chênh lệch so với giá vé máy bay quốc tế mà vào dịp Tết Nguyên đán hằng năm tình trạng này cũng xảy ra tương tự. Do đó, không ít hành khách thay vì chọn bay các chặng nội địa thì chọn bay quốc tế để vừa có trải nghiệm mới, vừa rẻ hơn đi trong nước mà tổng chi phí không chênh lệch bao nhiêu.
Năm 2023 khép lại với nhiều dấu ấn quan trọng của du lịch Việt Nam. Hoạt động du lịch có sự phục hồi mạnh mẽ, năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam tiếp tục được cải thiện. Kết quả thống kê cho thấy, năm 2023 cả nước đón khoảng 12,6 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 108 triệu lượt khách nội địa.
Năm 2024, ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 17 - 18 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 110 triệu lượt khách nội địa; tổng thu từ du lịch đạt khoảng 840 nghìn tỷ đồng. Để đạt được mục tiêu này, hàng không đóng vai trò rất quan trọng bởi đây là loại hình vận tải được ưu tiên.
Hiện nay, vận tải hàng không là phương thức được nhiều khách hàng ưu tiên lựa chọn trong việc di chuyển vì tiết kiệm thời gian và sự thuận tiện.
Tuy nhiên, cùng với thực trạng “khan” chuyến bay và giá vé tăng quá cao trong thời gian qua, chủ yếu đối với các đường bay nội địa đang là nguyên nhân khiến người dân quay lưng với hàng không và du lịch nội địa.
Điều này sẽ tác động rất lớn đến việc thực hiện mục tiêu theo từng năm và dài hạn của ngành du lịch Việt Nam, nhất là trong bối cảnh tình hình kinh tế toàn cầu đang đối mặt với những khó khăn trong giai đoạn hiện nay.
Nếu thực trạng này không sớm được khắc phục và có giải pháp phù hợp thì ngành du lịch nội địa sẽ đứng trước nguy cơ “thua trên sân nhà”…
Hoàng Tuyết
Ý kiến bạn đọc