Multimedia Đọc Báo in

Thăm Di tích Chiến thắng Vàm Cái Sình

07:09, 01/05/2024

Vị Thanh là một thành phố trẻ thuộc tỉnh Hậu Giang ngày nay. Trước năm 1975, Vị Thanh thuộc tỉnh Cần Thơ (cũ). Trong những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Vị Thanh là địa bàn, chiến trường quyết liệt giữa ta và địch.

Vị Thanh có sông Cái Lớn chảy về Kiên Giang giáp giới với rừng U Minh Thượng là căn cứ cách mạng của Khu 9 (Tây Nam Bộ).

Ngay từ những năm 1949, 1950, vùng Long Mỹ, Vị Thanh là căn cứ địa vững chắc của cách mạng khu Tây Nam Bộ, cung cấp nhân lực, lương thực, khí tài cho cuộc kháng chiến chống Pháp của Đảng và nhân dân ta.

Vì vậy, địch thường xuyên sử dụng lực lượng hùng hậu tiến hành càn quét quy mô vào vùng căn cứ cách mạng Long Mỹ, Vị Thanh hòng tiêu diệt lực lượng của ta, phá hoại hậu phương cách mạng.

Tại Vàm Cái Sình, vào tháng 12/1952 quân ta đã lập nên chiến công vang dội đánh bại một cuộc càn quét quy mô lớn của thực dân Pháp.

Hừng sáng 22/12/1952, tiểu đoàn cơ động số 14 do sĩ quan Pháp chỉ huy tiến vào xã Hỏa Lựu có pháo binh bắn dọn đường. Chúng hành quân trên con đường dẫn về Cái Sình đã bị ta đào phá, cây cỏ um tùm. Đến 15 giờ thì quân địch đến Vàm rạch Cái Sình. Chúng tập hợp quân tại đây để chờ tàu đưa qua rạch Cái Sình, vì cầu bị quân ta dùng chất nổ đánh sập trước đó.

Đơn vị 4053, thuộc Tiểu đoàn 410 của tỉnh Cần Thơ, là đơn vị có nhiều kinh nghiệm đánh tàu, đã lập nhiều chiến công diệt nhiều phương tiện chiến đấu của địch trên sông Cái Côn, Phụng Hiệp, Châu Thành được giao nhiệm vụ chống lại cuộc đi càn này.

Tượng đài Chiến thắng Vàm Cái Sình.

Ta đã dự đoán trước tình hình chiến sự nên đã chuẩn bị sẵn sàng. Đêm 21/12/1952, ta đã đặt hai trái thủy lôi, hàng tấn thuốc nổ tại Vàm rạch Cái Sình và đưa một tổ công binh của Tiểu đoàn 410  sẵn sàng trợ chiến.

Đến gần 15 giờ, tàu sắt “Mặt dựng” của địch chở quân từ Ngã ba Cầu Đúc chạy vào. Các chiến sĩ ta rất bình tĩnh chờ khi tàu lùi ra giữa vàm rạch để đưa quân về phía bờ sông Hỏa Lựu thì kích điện.

Một tiếng nổ long trời, lở đất rền vang. Từ giữa rạch, một cột nước trắng xóa, cao dựng đứng non trăm mét đổ ập nhận chìm tàu địch xuống dòng sông chảy xiết; hàng trăm tên địch, trong đó có một quan Ba (đại úy), hai quan Nhất (thiếu úy) bị tan xác, ta thu một súng ngắn 12 ly, một bản đồ hành quân, hai khẩu trọng pháo 20 ly và 13,2 ly, 5 súng tiểu liên, 12 súng trường…

Trận đánh tàu địch tại Vàm rạch Cái Sình cùng với 4 trận Tầm Vu (tại xã Thạnh Xuân những năm 1946 – 1948) là hai chiến công hiển hách của quân dân ta trên chiến trường Hậu Giang - Cần Thơ trong kháng chiến chống Pháp, gây tiếng vang lớn khắp miền Tây Nam Bộ và cả nước.

Chiến thắng Vàm Cái Sình đã góp phần tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch, tiếp lửa với các mặt trận chính (trong chiến dịch biên giới Việt Bắc 1951 - 1952), đẩy địch vào thế bị động, thất bại, tạo ra thế và lực mới, góp phần dẫn đến Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954) chấn động địa cầu.

Ngày nay, Khu di tích Chiến thắng Vàm Cái Sình tại TP. Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang là di tích cấp quốc gia.

Với diện tích 20.320 m2, Khu di tích Chiến thắng Vàm Cái Sình gồm có các hạng mục: tượng đài, phù điêu, nhà trưng bày và các hạng mục khác; trong đó ấn tượng nhất là tượng đài bằng đá granite mô tả hình tượng ba chiến sĩ cách mạng đang ở tư thế xung phong đầy khí thế, bên dưới bệ tượng đài là một bức phù điêu cách điệu, biểu tượng hoạt động đấu tranh của quân dân vùng Long Mỹ - Vị Thanh.

Trong nhà trưng bày có một phần xác tàu “Mặt dựng” của quân Pháp mà ta đánh tan thời ấy cùng nhiều hình ảnh, hiện vật thời khác.

*Bài viết có sử dụng tư liệu của Khu di tích lịch sử Chiến thắng Vàm Cái Sình

Mai Lý 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.