Phượt ở Buôn Ma Thuột… (Bài 3)
Ngao du trong phố núi Ban Mê, chúng tôi không chỉ được chiêu đãi bằng rất nhiều mảng xanh như những khu rừng cổ tích mà “máu” khám phá dường như không ngừng được thôi thúc bởi câu chuyện về những con đường, tuyến phố, khu dân cư.
Đời của phố gắn liền với đời của cư dân ở nhiều tỉnh, thành phố trên hành trình mưu sinh đã chọn mảnh đất này làm quê hương thứ hai của mình.
Bài 3: Đời của phố
Trong rất nhiều tuyến phố đi qua, chúng tôi muốn bắt đầu từ hai cái tên Phan Bội Châu và Điện Biên Phủ. Không chỉ bởi đây là hai trong nhiều khu vực buôn bán sôi động của thành phố này mà còn đặc biệt có Đình Lạc Giao – minh chứng sự hiện diện của người Kinh ở Buôn Ma Thuột. Năm 1924, làng Lạc Giao được hình thành. Theo phong tục của người Việt xưa, ở đâu có làng thì ở đó có đình. Năm 1928, đình ra đời, có tên gọi là Đình Lạc Giao.
Lúc đầu người Kinh lên Buôn Ma Thuột chủ yếu là để giao lưu buôn bán và con số mà lịch sử ghi lại chưa đến 50 người. Cái tên Lạc Giao mang ý nghĩa như lời giao ước an cư lạc nghiệp của đồng bào người Kinh với đồng bào người Thượng, cùng kết đoàn để xây dựng cuộc sống đủ đầy, ấm no trên cao nguyên bazan.
Và đúng như lời giao ước, hoạt động giao thương ngày càng phát triển và là gốc gác, khai sinh ra nhiều địa danh, trong đó không thể không nhắc đến chợ Buôn Ma Thuột. Từ quy mô nhỏ, để đáp ứng nhu cầu phát triển, chợ được đầu tư xây dựng và hiện đây là chợ lớn nhất của tỉnh Đắk Lắk, diện tích trên 13.000 m2 với hàng nghìn gian hàng bên trong và kiosk bên ngoài. Khu B, C của chợ được sắp xếp, chuyên môn hóa các mặt hàng theo từng tầng. Khu C: tầng 1 bán rau, lương thực, hàng tươi sống; tầng 2 là khu ẩm thực, bán hạt giống, nan cót, nhang đèn, tạp hoá. Khu B: tầng 1 bán vải, kẹp tóc và may đồ, tầng 2 bán quần áo, giày dép và bắc qua khu chợ C ẩm thực. Chợ hiện tọa lạc ở khu vực trung tâm thương mại của thành phố với những con phố buôn bán nhộn nhịp, sầm uất, ngoài tuyến đường Phan Bội Châu, Điện Biên Phủ, còn phải kể đến Nơ Trang Lơng, Lê Hồng Phong, Y Jút, Lý Thường Kiệt…
![]() |
Đường Phan Đình Giót là điểm check-in thú vị ở TP. Buôn Ma Thuột. |
Làng Lạc Giao xưa đã mở rộng, các cư dân tỏa đi sinh sống và gắn bó, lập nghiệp ở nhiều địa bàn. Hành trình mưu sinh và giao thương đã định hình nên một số tuyến phố kinh doanh chuyên biệt với những cái tên như chợ sắt, phố vải…
Chợ sắt trước đây nằm trên đường Phan Đình Giót, sát chợ Buôn Ma Thuột. Mặt hàng chủ yếu là các nông cụ, vật dụng sinh hoạt thiết yếu. Các vị cao niên lý giải rằng, dễ hiểu tại sao lại có chợ sắt, vì gắn liền với nhu cầu khai khẩn đất đai, sản xuất để canh tác, an cư, lập nghiệp. Con đường này giờ đã trở thành tuyến phố thơ mộng với tranh bích họa, những hàng me tây có tuổi đời cả trăm năm; là điểm tổ chức các hoạt động văn hoá cộng đồng và check-in thú vị. Bảo tàng tỉnh cũng mở cổng lưu thông với tuyến phố này nên càng thuận lợi cho hành trình trải nghiệm, tham quan của du khách. Trong ký ức của nhiều cư dân ở đây, họ vẫn nhớ và quen gọi là khu vực chợ sắt, có chăng là thêm từ “cũ”.
Đó còn là phố vải Nguyễn Đức Cảnh có tuổi đời đã hơn 30 năm. Các mặt hàng được bán đa dạng, bao gồm: vải khúc, cân ký, vải mét… với hàng trăm cây vải, cuộn vải, đủ màu đủ sắc, đủ chất liệu được bày ra để khách tha hồ lựa chọn. Đây không chỉ là trung tâm bày bán các loại vải phục vụ khách hàng lẻ và còn là đầu mối bỏ sỉ cho các đại lý, chủ tiệm trong và ngoài tỉnh. Phố vải gây ấn tượng còn bởi cái tên của nhiều cửa hiệu. Rất nhiều tiệm vải đều có tên cuối là “Phát” như: Vy Phát, Lê Phát, Anh Phát… Người trong nghề kể rằng: Ban đầu, chỉ một cửa hiệu vải đặt tên cuối có từ “Phát” với ý nghĩa mong cầu kinh doanh thuận lợi, ăn nên làm ra. Với tâm lý “buôn có bạn, bán có phường”, cửa hàng khác ra đời sau cũng lấy tên cuối có chữ “Phát” và chỉ khác tên đầu để khách hàng dễ phân biệt. Dù hiện nay, thời trang may sẵn, bán online khá sôi động và nhiều mẫu mã, nhưng các cửa hàng, tiệm vải trên phố Nguyễn Đức Cảnh vẫn tấp nập khách.
Trên hành trình mưu sinh và lập nghiệp ở Buôn Ma Thuột, những cư dân cũng đã mang đến và hình thành nên những làng nghề trong phố, trong đó nổi tiếng có làng rau. Ở vùng ven thành phố có những làng rau trù phú nằm ở địa bàn các phường Thành Nhất, Khánh Xuân, Ea Tam… Lật lại miền ký ức, bà Nguyễn Thị Lan (62 tuổi), nhà ở đường Trần Phú thuộc tổ dân phố 2 (phường Thành Nhất) kể, khi mới hơn 10 tuổi, bà cùng gia đình từ quê hương Thái Bình vào Đắk Lắk lập nghiệp. Khi lập gia đình, người con gái vùng quê lúa cùng chồng lăn lộn với đủ thứ cây trồng, sau dần, thấy đất hợp với các loại rau nên ông bà quyết định gắn bó với nghề và lấy đó làm kế sinh nhai, nuôi nấng các con trưởng thành. Đời rau, nghề rau còn gắn liền với nhiều hộ khác trong khu phố này.
![]() |
Ngõ hẻm nhỏ ở khu làng rau suối Đốc Học. |
Giữa lòng đô thị sôi động, có một làng rau được nhiều người nhắc đến với cái tên khá ấn tượng - suối Đốc Học. Theo các tuyến đường Lương Thế Vinh, Quang Trung, Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Phong, bạn đều có thể đến được với làng rau. Chúng tôi bị lôi cuốn bởi bắt gặp một dáng vóc Đà Lạt thơ mộng với những con đường, ngôi nhà được tô điểm bằng rau và hoa. Có một điều đặc biệt là từ làng rau lên phố, gần như ngả nào cũng phải ngược lên những con dốc. Người dân ở đây kể rằng: Năm 1955, một số cư dân từ miền Bắc di cư vào Buôn Ma Thuột, họ chọn lấy khu sình lầy dưới thung lũng suối Ea Drung lập nghiệp. Vùng đất này vốn là khu đất các ông đốc học người Pháp cấp cho các học sinh nội trú của Trường Sabatier trồng rau, cũng bởi vậy mà dòng suối chảy qua đây còn có tên suối Đốc Học. Những cư dân đến đây lập nghiệp cũng đến xin các ông đốc học đất trồng rau. Và nghề trồng rau, làng rau suối Đốc Học có từ ấy. Trong vùng vẫn còn ống dẫn nước được xây dựng, lắp đặt từ thời Pháp.
Buôn Ma Thuột không hiếm những con phố thênh thang, dài rộng. Nhưng cũng từ làng rau suối Đốc Học, chúng tôi còn bắt gặp một vóc dáng như ở vùng đất Hà thành với những ngõ nhỏ, phố nhỏ chỉ đủ lọt lòng cho một chiếc xe máy qua. Ông Võ Văn Tịnh (70 tuổi) đã hơn nửa đời sinh sống ở khu suối Đốc Học vô tình gặp khi chúng tôi hỏi thăm đường đi, ông vui vẻ, gần gũi như đã thân thiết từ lâu. Ông kể, chiều nào ông cũng dẫn đứa cháu nội đi tản bộ, thư giãn, nên thuộc từng con hẻm, ngôi nhà đến cánh cổng. "Ngõ hẻm ngoằn ngoèo có vẻ như ma trận nhưng đường nào rồi cũng về La Mã" (ý nói không thể lạc, kiểu gì cũng có thể về đến nơi đến chốn), ông Tịnh hài hước. Người đến với phố nhiều hơn, nhà cứ xây dày thêm nên phố đông đúc tự bao giờ chẳng nhớ. Nhà cửa san sát, nhiều con hẻm, có nhà chỉ mười mấy mét vuông. Tưởng thấy chật chội, bức bối, nhưng không, hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau, quần tụ và ấm cúng. Câu chuyện của người đàn ông quê gốc Thừa Thiên - Huế, đã ở cái tuổi thất thập, nếm trải đủ đầy dâu bể cuộc sống ấy chỉ cần vậy cũng cho thấy phần nào cái tình của những cư dân ở mảnh đất này.
Đất trời Ban Mê hào phóng với nắng gió và màu mỡ đất đỏ bazan. Có phải vậy mà cái hào phóng đã mời gọi và níu giữ biết bao con người ở mỗi miền quê. Hành trình mưu sinh, lập nghiệp của những cư dân hình thành nhiều ngành nghề, con đường, tuyến phố giao thương sôi động. Bàn tay, khối óc lao động sản xuất đã kiến thiết nên hình hài và mỗi ngày dựng xây phát triển mạnh giàu cho đô thị phố núi Ban Mê. Thương nhau thì về Buôn Ma Thuột, đến cao nguyên người ở không về nhưng vị quê hương bản quán vẫn neo giữ trong từng đặc sản, văn hóa ẩm thực đa dạng mang dấu ấn vùng miền…
(Còn nữa)
Bài 4: Vị quê hương trong ẩm thực
Việt Minh Khôi
Ý kiến bạn đọc