Cần có chiến lược về dạy học từ xa
Để ứng phó với dịch COVID-19, nhiều địa phương áp dụng biện pháp học trực tuyến (online) và một vài biện pháp khác không tập trung học sinh nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Đây là giải pháp “bất đắc dĩ” trong hoàn cảnh hiện nay nhưng đang gặp phải không ít khó khăn.
Theo thầy Nguyễn Trung Thu, giáo viên ngữ văn, Tổ trưởng Tổ xã hội Trường THCS Hòa Phong (huyện Krông Bông), dạy trực tuyến muốn đạt hiệu quả phải đảm bảo các điều kiện: học sinh có đủ máy tính/điện thoại thông minh có kết nối mạng Internet, chất lượng mạng Internet ổn định.
Qua dạy thử cho thấy nhiều học sinh rất hứng thú với hình thức học tập mới này. Dạy trực tuyến có nhiều cái lợi là lãnh đạo nhà trường có thể kiểm tra, hay đồng nghiệp dự giờ rất tiện; có thể dạy vào buổi tối để phụ huynh tham gia giám sát học sinh…
Tuy nhiên, số học sinh bảo đảm các điều kiện về thiết bị để học trực tuyến là rất ít, chủ yếu là ở các vùng trung tâm, còn các xã vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số thì chỉ riêng việc duy trì sĩ số thôi đã rất khó khăn, nói gì đến việc phụ huynh đầu tư thiết bị cho con cái học tập!
Phòng GD-ĐT huyện Krông Pắc phối hợp với VNPT Đắk Lắk tổ chức tập huấn hệ thống dạy và học trực tuyến. Ảnh: Nga Nguyễn |
Vừa qua, Chính phủ phát động chương trình “Sóng và máy tính cho em” với mục đích hỗ trợ máy tính, dịch vụ viễn thông đối với những học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là các em học sinh đang ở vùng có dịch COVID-19; và 1 triệu máy tính đã được trao tặng tại Lễ phát động.
Hy vọng chương trình sẽ bù lấp phần nào những thiếu thốn cho đối tượng học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong các vùng đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Tuy nhiên, khi đã xác định “sống chung” với dịch bệnh thì khả năng giãn cách xã hội luôn được bỏ ngỏ, học sinh ở bất kỳ đâu cũng phải sẵn sàng trong tình trạng học trực tuyến.
Với trên 20 triệu sinh viên và học sinh phổ thông, trong đó ít nhất khoảng 30 - 40% có hoàn cảnh khó khăn, thiếu máy tính thì con số 1 triệu máy quả là ít ỏi so với nhu cầu.
Một trong những giải pháp khắc phục được phần nào những trở ngại do thiếu máy tính, thiếu mạng Internet, đó là dạy học bằng video. Bài giảng được tải về máy tính (hoặc nhờ giáo viên chép vào USB).
Việc học qua video có nhiều thuận lợi, học sinh có thể học bất cứ lúc nào, phần nào chưa hiểu thì có thể “tua” xem lại nhiều lần. Một gia đình có nhiều con đi học mà chỉ có một máy tính, buổi tối anh/chị tranh thủ học trước để ngày hôm sau hướng dẫn cho các em học. Những học sinh ở gần nhau có thể mượn máy tính để học. Vấn đề là ngành giáo dục phải chuẩn bị đủ kho bài giảng theo tiến độ chương trình; bài giảng được thiết kế thật khoa học, ngắn gọn và dễ hiểu. Với sự hướng dẫn, hỗ trợ thêm của giáo viên bộ môn, việc học qua video chắc chắn sẽ bảo đảm chất lượng.
Học sinh đang tải phần mềm học trực tuyến vnEdu do VNPT cung cấp. Ảnh: Nga Nguyễn |
Dạy học bằng video là một trong nhiều hình thức dạy học từ xa đã xuất hiện khá lâu, phổ biến nhất là các dịch vụ luyện thi trên các phần mềm, trang web (có thu phí), hoặc trên ti vi (trên ti vi thì có bất tiện vì phụ thuộc khung giờ chiếu và khó “tua” lại bài nếu không có ti vi kết nối Internet). Việc học từ xa có tác dụng hỗ trợ, bổ sung cho dạy học trực tuyến và cả dạy học trực tiếp.
Học tập từ xa rèn luyện cho học sinh kỹ năng tự học, tiến tới biết lựa chọn những học liệu, những kênh dạy học chất lượng để bổ sung kiến thức, từ đó sẽ giảm dần việc dạy thêm, học thêm tràn lan. Do đó, dù học trực tuyến hay trực tiếp, vẫn rất cần khuyến khích học sinh học tập từ xa. Và để làm được điều đó, ngành giáo dục cần có chiến lược lâu dài về dạy học từ xa.
Dương Thế Hoàn
Ý kiến bạn đọc