Multimedia Đọc Báo in

Chủ động nhiều phương án dạy học

06:42, 09/09/2021

Là địa bàn biên giới, điều kiện còn nhiều khó khăn, việc áp dụng hình thức học trực tuyến là trở ngại lớn đối với nhiều học sinh. Do đó, ngành giáo dục huyện Ea Súp đã chủ động xây dựng nhiều phương án, hình thức dạy học khi chính thức bước vào năm học 2021 - 2022.

Khó khăn khi dạy học trực tuyến

Tại Trường THCS Lý Tự Trọng (xã Ia Jlơi), nơi có khoảng 40% học sinh nghèo, việc triển khai dạy học trực tuyến sẽ gặp không ít khó khăn.

Thầy Võ Viết Khoa, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Năm học này, trường có 194 học sinh, trong đó, học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 70%. Rất nhiều gia đình học sinh không có máy vi tính, ti vi, điện thoại thông minh, chưa kể mạng Internet ở một số địa bàn không có hoặc chất lượng thấp. Chuẩn bị thiết bị đã khó, việc tiếp cận sử dụng các ứng dụng cũng không hề dễ dàng.

Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp này, nhà trường cũng đã xây dựng các phương án trực tiếp hoặc trực tuyến để thích ứng với từng giai đoạn. Với việc học online, nhà trường vận động học ghép học sinh. Theo đó, em nào thiếu thiết bị thông minh sẽ ghép học cùng với gia đình có điều kiện hơn nhằm bảo đảm tốt việc tiếp thu bài giảng.

Một tiết học của cô trò Trường THCS Nguyễn Thị Định, xã Ia R'vê trong năm học 2020 - 2021.

Theo thầy Vũ Thế Vinh, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Bế Văn Đàn (xã Cư Kbang), hình thức dạy trực tuyến sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình triển khai thực tế.

Cụ thể, nếu áp dụng hình thức này, bên cạnh giáo viên dạy online, các em sẽ phải tự nghiên cứu, tìm hiểu thêm các bài giảng trực tuyến. Phương án này có bất cập là các em học trên máy lâu sẽ mất tập trung, tương tác thầy trò bị hạn chế. Chưa kể, nhiều học sinh tại trường là con em đồng bào dân tộc thiểu số, gia đình không đủ điều kiện mua các thiết bị điện tử thông minh cho con học bài. Nhà trường cũng kết hợp dạy trực tuyến với giao bài học ở nhà.

Theo đó, giáo viên bộ môn có thể phối hợp với các trưởng thôn để giao bài cho học sinh. Tuy nhiên, bất cập của cách làm này là khó kiểm tra, dò bài học sinh và một số em không hoàn thành được bài tập do thầy cô không thể hướng dẫn một cách cặn kẽ như học trên lớp.

 

Dù thế nào đi nữa, nhà trường cũng sẽ nỗ lực khắc phục khó khăn, đồng hành, chia sẻ cùng học sinh, thực hiện chương trình dạy học hiệu quả để vượt qua năm học đặc biệt này”.

 

 
Thầy Lê Phi Hùng, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú – THCS Ea Súp

Các phụ huynh, học sinh cũng có nhiều băn khoăn, lo lắng về hình thức học trực tuyến. Chị Lê Thị Thúy Phượng (thôn 7, xã Ea Bung) có hai con năm nay bước vào lớp 7 và lớp 9 chia sẻ: “Học trên laptop còn đỡ, chứ điện thoại nhỏ, các cháu mỏi mắt và rất khó tiếp thu bài giảng. Rất nhiều cháu không có thiết bị, phải ngồi học chung thành từng nhóm, dễ mất tập trung. Đó là chưa kể nếu mạng Internet chập chờn, các cháu lơ là việc học, hoặc dùng điện thoại để làm việc riêng, trong khi phụ huynh bận rộn khó lòng quản lý được”.

Còn em Ngô Thị Thúy Nga (thôn Trung, xã Ia Lốp) đang là học sinh lớp 12 cho hay, em lo lắng vì việc tiếp thu bài giảng không phải lúc nào cũng suôn sẻ, nhất là khi mạng Internet chập chờn. “Dù hơi bất tiện, nhưng giữa đại dịch khó khăn này, không còn cách nào tốt hơn là chúng em phải cố gắng, nỗ lực nhiều hơn nữa trong việc học” – Nga tâm tình.

Sẵn sàng nhiều phương án

Năm học 2021 – 2022, Trường THCS Bế Văn Đàn (xã Cư Kbang) có 21 lớp, với 726 học sinh, hơn 97% học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện, nhà trường xây dựng các phương án và chờ tình hình chung để triển khai hình thức phù hợp. Cụ thể, nếu dịch bệnh sớm được ổn định, thầy và trò sẽ dạy học bình thường. Phương án thứ hai là dạy theo hình thức chia nhỏ lớp không quá 20 em/lớp. Tuy nhiên, trường khó thực hiện hình thức này do chỉ có 15 phòng học, không thể đáp ứng được yêu cầu tổ chức dạy học. Cũng có thể, nhà trường tổ chức dạy học luân phiên các khối lớp. Mô hình này có bất cập là chương trình giảng dạy sẽ bị chậm, chưa kể học sinh cũng khó thích nghi.

Điều kiện sống còn nhiều thiếu thốn, trẻ em ở Tiểu khu 249, xã Ea Lê khó có thể học trực tuyến.

Trường Phổ thông Dân tộc nội trú – THCS Ea Súp có 4 lớp, với 153 học sinh, trong đó có 95% là con em đồng bào dân tộc thiểu số, còn lại là học sinh người Kinh ở địa bàn đặc biệt khó khăn. Nhà trường đã xây dựng nhiều phương án dạy học và các giáo viên chủ nhiệm điều tra, khảo sát nguyện vọng phụ huynh với những hình thức học của con em. Trong các phương án dạy học ứng phó với dịch bệnh COVID-19, trường ưu tiên phương án học tập trung giãn cách theo hình thức chia nhỏ lớp dạy học. Khi đó, học sinh ăn ở tập trung tại trường, việc quản lý và dạy học sẽ hiệu quả hơn so với các phương án khác.

Năm học 2021 – 2022, huyện Ea Súp có 50 trường học từ bậc mầm non đến trung học phổ thông và giáo dục thường xuyên, với hơn 17.000 học sinh. Đến thời điểm này, các trường cơ bản chuẩn bị đầy đủ cơ sở hạ tầng, giáo viên đứng lớp, sẵn sàng bước vào năm học mới. Về phương án dạy học, ông Nguyễn Văn Khóa, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ea Súp cho biết, địa phương đang là "vùng xanh" dịch bệnh COVID-19, nhưng các trường đã rà soát mức độ đáp ứng máy móc, thiết bị để sẵn sàng dạy trực tuyến trong trường hợp cần thiết. Bên cạnh đó, ngành giáo dục huyện cũng chủ động nhiều nhiều phương án khác nhau để áp dụng kể cả trong tình huống dịch bệnh tiếp tục phức tạp nhằm bảo đảm công tác dạy và học cũng như phòng, chống dịch. Tùy tình hình cụ thể và các hướng dẫn, chỉ đạo của cấp trên, các trường sẽ quyết định phương án dạy học nào hiệu quả nhất trước ngày 15-9.

Minh Thông – Quỳnh Anh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Đảm bảo quyền lợi bảo hiểm cho người lao động làm việc trong doanh nghiệp nước ngoài
Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã đầu tư vào Đắk Lắk góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế phát triển, giải quyết việc làm cho lao động ở địa phương. Cùng với phát triển sản xuất, các doanh nghiệp này đã quan tâm, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng bảo hiểm cho người lao động, đây chính là động lực giúp công nhân yên tâm lao động. ​​​​​​​