Multimedia Đọc Báo in

Gian nan con chữ thời đại dịch

08:46, 26/09/2021

Ở nhiều xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, phần lớn học sinh có hoàn cảnh rất khó khăn, không có đủ điều kiện để học trực tuyến. Với nỗ lực giúp các em “không đến trường nhưng không dừng việc học”, các thầy cô giáo và phụ huynh đã cùng phối hợp, khắc phục khó khăn để hỗ trợ các em học tập…

Giáo viên, phụ huynh  cùng cố gắng

Do điều kiện không thể triển khai dạy học trực tuyến, các trường học ở xã vùng sâu Yang Mao (huyện Krông Bông) quyết định áp dụng dạy học theo hình thức giao bài.

Địa bàn rộng, các thầy cô giáo Trường Tiểu học Yang Mao mỗi ngày đều xuất phát từ 6 giờ sáng đến nhà từng học sinh để giao bài. Mặc dù đã báo trước nhưng không phải ngày nào đến cũng có học sinh ở nhà; nhiều hôm các thầy cô phải đi vài lần mới gặp được các em để giao bài. Cô Nguyễn Thị Phượng, giáo viên lớp 4 bày tỏ: “Trong điều kiện dịch bệnh, dạy học vất vả hơn gấp nhiều lần nhưng tất cả thầy cô đều cố gắng để học sinh không gián đoạn việc học”.

Cô Mai Thị Ngọc Liên, giáo viên lớp 1 ở điểm trường buôn Kuanh thì tận dụng nhà sinh hoạt cộng đồng có đủ bàn ghế, thoáng mát và lập 2 nhóm, mỗi nhóm 3 học sinh để giao bài và hướng dẫn các em cùng học.

Cô Võ Thị Thu Hiền, giáo viên lớp 1 ở điểm trường buôn Hằng Năm có cách làm khá hay: cô đến gặp gỡ, bàn bạc với phụ huynh thành lập nhóm học tập từ 3 - 5 em nhà ở gần nhau để cô giao bài và hướng dẫn các em cùng học. Cách làm này tiết kiệm được đáng kể thời gian đi lại giao bài để dành thời giờ hướng dẫn bài học cho học sinh. Cô Hiền còn hướng dẫn phụ huynh cách hỗ trợ học sinh, nhờ phụ huynh luân phiên đến cùng phối hợp giám sát, kiểm tra các em học tập. Cô tự bỏ tiền túi mua khẩu trang vải tặng cho tất cả học sinh trong lớp, hướng dẫn học sinh và phụ huynh các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Cô Hiền tâm sự: “Những phụ huynh được chọn hỗ trợ các cháu đa số là những người trẻ, có trình độ học vấn, nhiệt tình lại trách nhiệm nên phối hợp rất dễ dàng. Các em được học nhóm nhỏ vẫn đảm bảo an toàn phòng dịch lại có hứng thú, học tập hiệu quả hơn. Cô cũng có nhiều thời gian hơn để hướng dẫn các em vì với học sinh mới vào lớp 1 mà không được thầy cô hướng dẫn trực tiếp thì rất khó tiếp nhận kiến thức”.

Chị H'Rích Niê ở buôn Mnang Dơng (xã Yang Mao, huyện Krông Bông) đang hướng dẫn con trai và cháu trai học lớp 1 cùng học bài.

Dù với phần đông phụ huynh ở Yang Mao, việc hỗ trợ con em tự học ở nhà là vấn đề nan giải bởi các phụ huynh chủ yếu là người dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn nên bận rộn với việc làm lụng kiếm sống nhưng trong các buôn vẫn có những gia đình rất quan tâm, nhiệt tình phối hợp cùng thầy cô giáo trong việc giáo dục con em.

Như chị H’Mách Niê ở buôn Mghí, mẹ của em H'Nhi Niê, học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Nhân Giang đã mua bàn ghế, sách vở cho ba đứa con sẵn sàng bước vào năm học mới. Hay như gia đình chị H’Drai Hlong ở buôn Hằng Năm, dù gia cảnh rất khó khăn, bận rộn mưu sinh nhưng vợ chồng chị vẫn cố gắng dành thời gian ở nhà hỗ trợ con học bài.

Chị H’Brích Êban ở buôn Kuanh có hai con vào học lớp 1 và lớp 4, dù bản thân chị chưa học xong lớp 4 nên khó có thể hướng dẫn con học tập nhưng chị lại đồng hành với con bằng cách mua đầy đủ sách vở, bàn ghế ngồi học và luôn nhắc nhở, động viên và giám sát việc học của con.

Linh hoạt các phương án dạy học

Xã Ea M’droh là một trong những địa bàn khó khăn nhất của huyện Cư M’gar, số hộ nghèo, cận nghèo chiếm tỷ lệ cao. Bà Nguyễn Thị Tuyết, Phó Chủ tịch UBND xã Ea M’droh (huyện Cư M’gar) cho biết: “Toàn xã có 1 trường THCS và 2 trường tiểu học, với tổng số hơn 1.000 học sinh. Các trường học đã lên phương án dạy học trực tuyến, tuy nhiên để duy trì việc dạy và học gặp không ít khó khăn, chủ yếu xuất phát từ phía học sinh. Qua kết quả khảo sát của các trường cho thấy, tỷ lệ học sinh trên địa bàn đủ điều kiện học trực tuyến khá thấp, chỉ đạt trên dưới 30%. Nguyên nhân là do các gia đình còn khó khăn, chưa thể mua sắm được điện thoại thông minh hoặc máy tính, hay lắp đặt mạng Internet cho con em học tập…”.

Giáo viên Trường THCS Ngô Mây (xã Ea M'droh, huyện Cư M'gar)đến tận nhà giao bài cho học sinh.

Không thể tổ chức hình thức học trực tuyến 100%, các trường đã chọn phương án giao bài cho học sinh nhằm đảm bảo việc học không bị gián đoạn. Bài tập được gửi đến học sinh thông qua phụ huynh, tình nguyện viên, giáo viên tại địa phương, hoặc qua thư điện tử, các trang mạng xã hội Zalo, Facebook…

Thầy Đinh Tiến Dũng, Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Mây chia sẻ: “Qua rà soát, trường chỉ có khoảng trên 30% các em học sinh có thiết bị học trực tuyến, đa số là điện thoại thông minh và sử dụng mạng 3G, 4G. Với những học sinh không thể học trực tuyến, nhà trường áp dụng phương án hướng dẫn các em học tập qua truyền hình, xây dựng đề cương giúp các em học tập tại nhà, thành lập tổ giao bài. Trường phối hợp với chính quyền địa phương, ban tự quản các thôn, buôn giao bài nhằm giúp các em học tập đạt hiệu quả cao nhất”.

Các trường học trên địa bàn xã Ea Mdroh cũng đứng ra kêu gọi, vận động các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm cùng chung tay hỗ trợ thiết bị học tập cho học sinh khó khăn. Tuy nhiên, đến nay số học sinh được hỗ trợ thiết bị học vẫn còn khá khiêm tốn…

Như Trường THCS Ngô Mây đã lên phương án kết nối với các nhà hảo tâm hỗ trợ máy tính, điện thoại để các em thuận lợi hơn trong việc học tập song đến thời điểm này trường chỉ mới vận động trao tặng được 2 chiếc điện thoại thông minh cho học sinh.

Tùng Lâm - Trung Dũng


Ý kiến bạn đọc


Chủ động ngăn ngừa “giặc lửa” tấn công rừng
Mùa khô Tây Nguyên đang bước vào giai đoạn cao điểm. Nắng nóng kèm theo gió lớn khiến thảm thực bì ở những cánh rừng khô nhanh làm tăng nguy cơ cháy rừng. Với phương châm “phòng cháy hơn chữa cháy” các ngành chức năng, chủ rừng, chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã và đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để phòng ngừa “giặc lửa” tấn công rừng.