Multimedia Đọc Báo in

"Giữ chân" học sinh vùng sâu

08:31, 17/09/2021

Năm học 2021 - 2022 đã bắt đầu, việc học online với nhiều học sinh ở Trường Tiểu học Ea Dăh (huyện Krông Năng) vẫn đang là vấn đề nan giải. Các thầy cô đang nỗ lực khắc phục khó khăn nhằm bảo đảm điều kiện học tập cho học sinh.

Xã Ea Dăh có hơn 95% học sinh dân tộc thiểu số, bố mẹ phần lớn làm nông hoặc đi làm ăn xa, để con cái ở nhà với ông bà nhưng đa số người lớn tuổi lại không sõi tiếng phổ thông nên việc giúp các em học tại nhà rất khó. Nhiều khi đến vận động trò chuyện, giao bài tập, thầy cô giáo phải nhờ người trong thôn đi cùng để phiên dịch.

Giáo viên Trường Tiểu học Ea Dăh (huyện Krông Năng) đi vận động học sinh tới trường.

Như em Vừ Thị Hoa (học sinh lớp 3, Trường Tiểu học Ea Dăh), nhà ở thôn Giang Đông – nơi đầu năm 2021 mới được kéo điện lưới quốc gia nên nhiều người dân vẫn còn lạ lẫm với mạng Internet. Đã bước vào năm học mới nhưng em Vừ Thị Hoa hầu như chưa chuẩn bị gì. Bố mẹ em đi làm ăn xa, kẹt dịch COVID-19 không về được, em ở cùng với ông bà nội già yếu, không rành tiếng phổ thông. Nhìn ngôi nhà đơn sơ, trống trải, chỉ có chiếc ti vi cũ kĩ, thì có thể thấy rằng việc học trực tuyến với em là rất khó.

Cô Nguyễn Thị Chiên, giáo viên Trường Tiểu học Ea Dăh (thứ hai từ trái sang) tới tận nhà vận động học sinh tới trường.

Theo cô Nguyễn Thị Nam Giang, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ea Dăh, năm học mới này, trường có 390 học sinh, 15 lớp; trong đó, có 344 học sinh dân tộc thiểu số. Trường có một điểm chính ở trung tâm xã và một phân hiệu nằm trên địa bàn thôn Giang Thành. Hằng năm, trước mỗi năm học mới, thầy cô giáo lại phải đi vận động các em đến trường. Có nhiều địa bàn đường đi lại rất khó khăn nên giáo viên thường đi lúc tờ mờ sáng hoặc tranh thủ vào chiều muộn khi người dân làm nương rẫy đã trở về nhà.

“Trước tình hình phức tạp của dịch bệnh COVID-19, chúng tôi phải tính nhiều phương án để học sinh không bị gián đoạn chương trình học. Với học sinh ở thôn Giang Đông, trước mắt chưa thể đến trường thì chỉ còn cách giáo viên trực tiếp đến tận nhà giao bài tập. Vì vậy, cứ 3 ngày một lần, các thầy cô giáo lại phải vượt quãng đường hơn 20 km đến nhà giao bài tập và kiểm tra kết quả. Trong quá trình đó cũng hướng dẫn các em làm bài, dành thời gian nhiều hơn cho học sinh yếu…”- cô Nam Giang chia sẻ.

Tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa của huyện Krông Năng, không ít trường học gặp những khó khăn như vậy. Các thầy cô giáo đã không quản ngại khó khăn, vất vả đến từng nhà, từng thôn, buôn hoặc lên rẫy tìm học sinh để giao bài và kèm cặp các em học hành. 

"Trước thềm năm học mới, chúng tôi đều tổ chức lực lượng giáo viên xuống các xã, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa để tuyên truyền vận động người dân đưa trẻ trong độ tuổi đến trường; khi đến trường học rồi thì tìm giải pháp như: hỗ trợ sách vở, dụng cụ học tập… để  “giữ chân” các em” .

Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Krông Năng Nguyễn Xuân Bảy

 

Thế Hùng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.