Xây dựng phương án dạy học trong điều kiện ứng phó với dịch COVID-19
Ngày 6-9, Sở GD-ĐT đã xây dựng và báo cáo UBND tỉnh về phương án dạy học trong điều kiện ứng phó với dịch bệnh COVID-19 hiện nay. Theo đó, căn cứ vào tình hình thực tế về điều kiện tổ chức dạy học của các nhà trường, giáo viên, học sinh, gia đình học sinh và cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông trên địa bàn tỉnh để có phương án phù hợp.
Tỷ lệ học sinh có phương tiện học trực tuyến không đồng đều
Qua khảo sát, hiện nay tỷ lệ giáo viên có điều kiện dạy trực tuyến qua Internet của cấp THCS, THPT và giáo dục thường xuyên (GDTX) đạt trên 99%; riêng cấp tiểu học chỉ đạt 62%.
Đối với học sinh, tỷ lệ học sinh có phương tiện học trực tuyến qua Internet cấp THPT là 92,18%; GDTX: 75,15%; THCS: 62,1%; tiểu học: 31,8%.
Về lựa chọn các hình thức học tập, đối với học trực tuyến qua Internet, các cấp từ THCS trở lên có tỷ lệ lựa chọn khá cao (THPT: 92,5%; GDTX: 74,84%; THCS: 59,82%); riêng cấp tiểu học, tỷ lệ này chỉ đạt 31,8%. Thay vào đó, tỷ lệ lựa chọn học theo hình thức giao bài, phiếu học tập ở cấp tiểu học đạt 61,7%...
Về hạ tầng công nghệ thông tin, hiện nay đường truyền Internet đã được kéo đến 100% các cơ sở giáo dục và sóng wifi đã phủ đến 100% cơ sở giáo dục. Ở khu dân cư, dịch vụ cố định đảm bảo phủ sóng 80%; dịch vụ di động phủ sóng 97% địa bàn toàn tỉnh.
Linh hoạt kế hoạch dạy học theo cấp học
Ngành GD-ĐT đã phân loại đối tượng và xây dựng các kế hoạch tổ chức dạy học phù hợp với điều kiện của từng học sinh. Cụ thể:
Đối với giáo dục phổ thông và GDTX: Triển khai các hình thức dạy học đối với từng đối tượng học sinh: Học sinh có máy tính, điện thoại thông minh và có kết nối mạng triển khai tổ chức dạy học trực tuyến bằng các ứng dụng như K12online, VioEdu, Zoom meetings, Google meet…
Học sinh có tivi ở gia đình thì phối hợp với chính quyền địa phương, phụ huynh cung cấp nội dung, chuyển tài liệu học tập phù hợp với bài học được phát sóng trên kênh truyền hình VTV7 của Đài Truyền hình Việt Nam và các kênh truyền hình của những địa phương khác để hướng dẫn học sinh theo dõi học tập, đồng thời xây dựng kế hoạch theo dõi, đánh giá quá trình học tập của các em.
Học sinh học trực tuyến tại nhà trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. (Ảnh minh họa) |
Học sinh không có máy tính, điện thoại, tivi, nhà trường chỉ đạo giáo viên biên soạn bài dạy, câu hỏi kiểm tra, hướng dẫn học tập để in sao, chuyển giao cho học sinh học tập; đồng thời có kế hoạch theo dõi, đánh giá, nắm bắt tình hình học tập để có những điều chỉnh kịp thời.
Đối với học sinh tiểu học: tăng cường tổ chức giao bài cho học sinh bằng hình thức phiếu học tập để hướng dẫn học sinh tự học tại nhà. Phiếu học tập được gửi đến cho học sinh thông qua phụ huynh, tình nguyện viên, giáo viên tại địa phương hoặc qua nhóm zalo, facebook, gmail, điện thoại,… ; theo dõi, hướng dẫn, hỗ trợ học sinh hoàn thành phiếu học tập; đánh giá kết quả học tập của học sinh.
Các cơ sở giáo dục căn cứ văn bản hướng dẫn xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, kế hoạch giáo dục môn học và dạy học các nội dung cốt lõi cho phù hợp. Sẵn sàng phương án để tận dụng tối đa khoảng thời gian học sinh có thể đến trường để dạy học trực tiếp, nhất là đối với những nội dung thực hành, thí nghiệm và kết hợp ôn tập, củng cố những nội dung lý thuyết đã học trực tuyến qua Internet, trên truyền hình, giao bài cho học sinh.
Đối với giáo dục mầm non, tổ chức theo các phương án:
Phương án 1: Các cơ sở giáo dục mầm non thuộc địa phương trong vùng bình thường, không có dịch (vùng xanh), cho trẻ mầm non đi học bình thường nhưng cần phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch theo khuyến cáo của ngành y tế, đảm bảo đúng quy định. Các cơ sở giáo dục mầm non xem xét điều kiện thực tế quyết định việc tổ chức bán trú.
Phương án 2: Các cơ sở giáo dục mầm non thuộc địa phương trong vùng có nguy cơ (vùng vàng) tổ chức ưu tiên cho trẻ 5 tuổi đi học. Các đơn vị chia nhỏ số lượng học sinh 5 tuổi vào các phòng học của nhà trẻ, lớp 3 tuổi, 4 tuổi để đảm bảo các điều kiện về khoảng cách, biện pháp phòng chống dịch theo đúng quy định. Tạm thời chưa tổ chức bán trú.
Phương án 3: Các cơ sở giáo dục mầm non thuộc địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và các cơ sở giáo dục mầm non nằm trong vùng nguy cơ cao (vùng cam) và nguy cơ rất cao (vùng đỏ) cho trẻ nghỉ học ở nhà; tập trung phối hợp, hướng dẫn, hỗ trợ phụ huynh nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ ở nhà theo các kênh phù hợp.
Căn cứ tình hình thực tế, các cơ sở giáo dục mầm non lựa chọn, đề xuất phương án phù hợp trình phòng GD-ĐT xem xét. Trên cơ sở đề xuất của các nhà trường, phòng GDĐT các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với ngành y tế địa phương rà soát lại tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn để tham mưu UBND huyện quyết định thực hiện phương án phù hợp.
Thống nhất với học sinh, phụ huynh về hình thức dạy học
Sở GD-ĐT cũng lưu ý, khi triển khai các hình thức tổ chức dạy học phải thông báo và hướng dẫn cho học sinh và phụ huynh học sinh các thông tin cụ thể về nền tảng, phương tiện sử dụng dạy học; cách thức giao nhiệm vụ học tập; nội dung bài học; phương thức kiểm tra, đánh giá và nội quy học tập đối với từng hình thức dạy học.
Bên cạnh đó, bố trí thời gian học phù hợp với tâm lý lứa tuổi, tránh khung giờ buổi trưa, quá khuya; thời khóa biểu các lớp học, cấp học lệch giờ nhau để tạo điều kiện cho học sinh trao đổi, hỗ trợ lẫn nhau và tận dụng tối đa phương tiện học tập sẵn có của mỗi gia đình.
Cuối mỗi tuần học, đánh giá việc thực hiện các hình thức dạy học để có sự điều chỉnh phù hợp, kịp thời. Tuyệt đối không vì chạy theo tiến độ chương trình, thời gian mà làm ảnh hưởng đến chất lượng dạy học và gây khó khăn cho học sinh, gia đình học sinh trong việc tiếp cận các hình thức dạy học.
Đồng thời chủ động báo cáo với chính quyền địa phương về kế hoạch, phương án dạy học của đơn vị; tranh thủ sự giúp đỡ, phối hợp kịp thời của các cơ quan, tổ chức, đoàn thể; quan tâm đặc biệt đến học sinh ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; tuyệt đối không để bất cứ học sinh nào không được học.
Lan Anh
Ý kiến bạn đọc