Xếp bút nghiên lên đường chống dịch
Những ngày cuối tháng 8, từ Hà Nội, gần 1.400 cán bộ, học viên Học viện Quân y (Bộ Quốc phòng) hăng hái khoác ba lô lên đường vào “chia lửa” cùng quân, dân TP. Hồ Chí Minh chống dịch, trong đó có nhiều chiến sĩ có quê ở Đắk Lắk.
Với những kiến thức, kỹ năng được trang bị sau 6 năm đèn sách và tinh thần khát khao cống hiến, họ góp phần tích cực “chiến đấu” với dịch bệnh, bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân.
Đêm đầu tiên ở Trạm Y tế phường 28, quận Bình Thạnh, thượng sĩ Vũ Hữu Thanh, tiểu đội trưởng lớp 49B (quê ở phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột) và các thành viên trong tổ do anh phụ trách gần như thức trắng. Những cuộc điện thoại đề nghị hỗ trợ, giúp đỡ của các bệnh nhân F0 đang điều trị tại nhà cứ liên tục gọi về đường dây nóng. Gần sáng, trời mưa tầm tã, nhận tin báo có một F0 bị sốt cao, khó thở, ho dữ dội cần chuyển viện, Hữu Thanh vội vã khoác đồ bảo hộ, chỉ huy xe cấp cứu lập tức lên đường.
Thượng sĩ Trịnh Nguyễn Hương Giang tại lễ xuất quân, chi viện cho tuyến lửa do Học viện Quân y tổ chức. Ảnh: NVCC |
Từ khi TP. Hồ Chí Minh cho các shipper được phép hoạt động trở lại, sáng nào Hữu Thanh và các chiến sĩ quân y cũng phải dậy từ lúc 4 giờ 30, chuẩn bị dụng cụ, kê đặt bàn ghế và tiến hành lấy mẫu xét nghiệm nhanh cho lực lượng này. Thêm việc thêm vất vả, song anh cùng đồng đội luôn phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Mở túi thuốc quân y lấy cuốn sổ theo dõi, thăm khám bệnh nhân, Hữu Thanh cho biết: “Phường 28 hiện có gần 400 bệnh nhân F0 không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ đang điều trị tại nhà. Mỗi ngày, tôi sẽ trực tiếp thăm khám, tư vấn, hỗ trợ cho khoảng 80 - 90 bệnh nhân. Những ngày đầu do chưa quen đường đi lối lại, mỗi lần đi đâu, tôi đều phải nhờ các anh công an, dân quân dẫn đi. Sau khoảng 3 ngày thì tôi có thể “độc lập tác chiến” được rồi”.
Cũng theo Thanh, đa phần người dân rất sợ phải vào viện, chỉ muốn được cách ly, điều trị tại nhà. Tuy nhiên với những trường hợp bệnh diễn biến xấu hay nơi họ ở không đáp ứng được các yêu cầu tối thiểu, các anh phải kiên trì vận động, giải thích để họ đồng ý đi điều trị tập trung. Với những bệnh nhân là phụ nữ mang thai, trẻ em dưới 5 tuổi hay người cao tuổi, quá trình thăm khám, các chiến sĩ thường phải hỏi han, dặn dò rất kỹ. Bất kể ngày hay đêm, khi mọi người cần hỗ trợ, các anh đều giúp đỡ nhiệt tình. Nơi Thanh làm việc, có nhiều y, bác sĩ và các tình nguyện viên từng mắc COVID-19, sau khi khỏi bệnh, họ lại hăng hái xông pha trên tuyến đầu chống dịch, đó chính là nguồn cổ vũ, động viên tinh thần rất lớn đối với các chiến sĩ trẻ sắp tốt nghiệp ra trường như Thanh và đồng đội.
Dáng người nhỏ nhắn, thư sinh song những ngày gắn bó với Trạm Y tế lưu động phường 15 (quận Phú Nhuận), thượng sĩ Trịnh Nguyễn Hương Giang (quê thị trấn Krông Năng, huyện Krông Năng) đã để lại ấn tượng tốt đẹp đối với mọi người bởi sự xông xáo, nhiệt tình, tháo vát, hết lòng vì bệnh nhân. Giang chia sẻ: “Không gì vui hơn mỗi sớm mai thức dậy lại được bịn rịn chia tay những bệnh nhân do mình trực tiếp chăm sóc nay được trở về bên gia đình. Thương quý chúng tôi, từ ngày đội ngũ giao hàng công nghệ được hoạt động trở lại, bà con thường xuyên gửi đồ tiếp tế lên cho các y, bác sĩ. Những phần quà ý nghĩa, tình cảm ấy, chúng tôi thường tặng lại cho các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn. Dẫu gặp nhiều vất vả, hiểm nguy, chúng tôi vẫn luôn động viên nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.
Ở Bệnh viện dã chiến phường Bình Trưng Đông (TP. Thủ Đức), mọi người kể rất nhiều về chuyên môn, y đức của thượng sĩ Đặng Thị Thanh Huyền (quê xã Bình Thuận, TX. Buôn Hồ), học viên lớp 49B Học viện Quân y.
Cùng lúc tiếp nhận, chăm sóc, điều trị cho khoảng 150 bệnh nhân mắc COVID-19 với nhiều thành phần, lứa tuổi khác nhau khiến Thanh Huyền và các y bác sĩ ở đây phải làm việc rất vất vả. Để giảm bớt căng thẳng, áp lực cho người bệnh, trong quá trình thăm khám, Huyền đều ân cần trò chuyện, động viên, giúp họ quên đi nỗi đau bệnh tật. Nhiều cháu nhỏ từng bị ám ảnh, sợ hãi với việc lấy mẫu xét nghiệm, sau khi được Huyền gặp gỡ, dỗ dành đã trở nên tự tin, hợp tác hơn.
Thanh Huyền kể, khi biết tin chị xung phong vào “chia lửa” cùng các đồng nghiệp ở tuyến đầu, ngày nào mẹ cô cũng nhắn tin, động viên con gái nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng phục vụ bà con. Trong căn phòng nhỏ ở cuối dãy nhà, hành trang của các nữ học viên chẳng có gì ngoài chiếc ba lô con cóc. Điều kiện sinh hoạt dã chiến, tạm bợ, thiếu thốn đủ bề song tác phong gọn gàng, ngăn nắp của nhà binh vẫn được các cô duy trì nghiêm túc.
Niềm vui của chiến sĩ quân y là được thấy danh sách bệnh nhân xuất viện. Ảnh: NVCC |
Hình ảnh những người thầy thuốc mặc áo lính của Học viện Quân y bất chấp hiểm nguy, gian khổ hăng hái xếp bút nghiên lên đường chống dịch đã để lại tình cảm tốt đẹp với người dân thành phố mang tên Bác.
An Khang
Ý kiến bạn đọc