Multimedia Đọc Báo in

Huyện Ea Kar: Chuẩn hóa và nâng cao chất lượng giáo dục

07:58, 31/03/2022

Đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục – đào tạo, huyện Ea Kar đã nỗ lực thực hiện xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học trên địa bàn.

Để các em đến trường thêm vui

Phòng học của lớp 1C, Trường Tiểu học Lê Lợi (xã Cư Huê) được trang trí sinh động với nhiều màu sắc tươi sáng, bắt mắt. Nội quy của lớp học không phải là những dòng chữ khô khan mà được thiết kế như một sơ đồ cây, ngắn gọn, dễ nhớ. Ở cuối lớp có “Góc trưng bày”, “Góc địa phương”, “Góc thư viện” giúp các em tìm hiểu văn hóa, phong tục địa phương, trau dồi kỹ năng đọc và cùng trao đổi những quyển sách hay. Cô Trần Thiên Ngân, giáo viên dạy Tiếng Anh khối lớp 1, 2 cho biết: Nhờ được trang bị ti vi màn hình phẳng, đường truyền Internet đã giúp các tiết học thêm hấp dẫn. Các em không còn phải học “chay”, chỉ nghe một chiều từ giáo viên hoặc đọc sách mà đã được tiếp thu kiến thức trực quan, sinh động qua các video.

Giờ học môn Tiếng Anh của lớp 1C, Trường Tiểu học Lê Lợi (xã Cư Huê).

Không chỉ trong các lớp học, Trường Tiểu học Lê Lợi đã có những đổi thay đáng kể về cơ sở vật chất toàn trường. Hệ thống tường rào, sân trường, phòng học đều kiên cố hóa. Nhà trường có đầy đủ các phòng chức năng và thư viện đạt chuẩn, đáp ứng nhu cầu dạy học và vui chơi, giải trí của học sinh. Cô Lương Thị Hồng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trong lộ trình xây dựng, hoàn thiện các tiêu chí của trường học đạt chuẩn quốc gia, Trường Tiểu học Lê Lợi cũng đã gặp không ít khó khăn. Ban Giám hiệu, các đoàn thể và giáo viên nhà trường đã linh hoạt, sáng tạo để lấp từng "lỗ hổng". Ngoài kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất của huyện và xã, nhà trường huy động các mạnh thường quân và thầy cô giáo đóng góp để có kinh phí nhận đỡ đầu và tặng sách vở, quần áo, dụng cụ học tập cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Cùng với chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, nhà trường chú trọng nâng cao chất lượng dạy học, tăng cường tổ chức phụ đạo miễn phí cho học sinh yếu, khuyến khích và bồi dưỡng cho các em tham gia các kỳ thi học sinh giỏi, thực hiện xã hội hóa giáo dục để đủ điều kiện dạy môn Tiếng Anh cho học sinh từ lớp 1, 2.

Trường Mầm non Bông Sen (xã Ea Tih) là một trong 9 trường học bậc mầm non trên địa bàn huyện Ea Kar đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Theo cô Ngô Thị Hợi, Hiệu trưởng nhà trường, được sự quan tâm, đồng hành của chính quyền địa phương, phụ huynh học sinh và tâm huyết của các giáo viên, khuôn viên trong và ngoài trường học ngày càng sáng - xanh - sạch - đẹp. Các em được tham gia ngày nhiều hơn các hoạt động ngoài trời và học kỹ năng sống tại khu vườn rau xanh, vườn hoa, khu trải nghiệm, góc hoạt động, góc địa phương. Nhờ vậy, mỗi ngày đến trường của các em thực sự là một ngày vui.

Tạo sự đồng thuận, dân chủ

Tính đến cuối năm 2015, huyện Ea Kar chỉ có 32 trường đạt chuẩn quốc gia (đạt 39,5%). Cơ sở vật chất của nhiều trường đã xuống cấp, thiếu các phòng chức năng, sân chơi, bãi tập, trang thiết bị dạy học, trong khi kinh phí bố trí để tu sửa, nâng cấp, mua sắm còn hạn hẹp. Cơ cấu giáo viên của một số trường chưa phù hợp, còn thừa, thiếu cục bộ hoặc chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Chất lượng giáo dục đại trà còn có sự chênh lệch giữa vùng thuận lợi và vùng khó khăn...

Khu vườn rau xanh của Trường Mầm non Bông Sen (xã Ea Tih).

Nhìn nhận rõ thực trạng đó, huyện đã ban hành nghị quyết, kế hoạch về xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia với chỉ tiêu phấn đấu và giải pháp cụ thể đối với từng bậc học, có sự lồng ghép với phong trào xây dựng nông thôn mới. Xác định con người là yếu tố quyết định, ngành giáo dục huyện đã phối hợp với ngành chức năng tập trung bố trí, sắp xếp, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng hướng đến đạt chuẩn hiệu trưởng, chuẩn giáo viên, chuẩn về trình độ lý luận chính trị theo quy định. Nhờ vậy, 100% cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên toàn ngành đã đạt chuẩn, trong đó có 89% trên chuẩn (tăng 11% so với năm 2015).

Để hoàn thiện tiêu chí nâng cao chất lượng giáo dục, huyện Ea Kar đã tổ chức dạy tăng buổi thực hiện dạy học tự chọn môn Tiếng Anh, Tin học, giáo dục kỹ năng sống; triển khai lồng ghép tích hợp giáo dục đạo đức, giáo dục trải nghiệm, hướng nghiệp, nghề phổ thông... trong các môn học.

Khắc phục những hạn chế về cơ sở vật chất, huyện chủ trương xã hội hóa giáo dục nhằm huy động các nguồn vốn và thực hiện phân cấp trong đầu tư xây dựng. Huyện giao cho UBND các xã, thị trấn tự chịu trách nhiệm trong việc khảo sát nhu cầu, lập kế hoạch, huy động nguồn lực và triển khai thực hiện có sự giám sát của Mặt trận, các đoàn thể địa phương, nhà trường và đại diện phụ huynh.

Theo Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ea Kar Nguyễn Tiến Thịnh, việc phát huy tốt quy chế dân chủ cơ sở, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong đầu tư xây dựng cơ sở vật chất đã phát huy vai trò, nội lực của các địa phương. Cách làm công khai, minh bạch có kiểm tra, giám sát đã tạo được sự đồng thuận cao. Nhờ vậy, ngoài kinh phí đầu tư của huyện, các dự án, từ năm 2016 đến nay, Ea Kar đã huy động được trên 5,2 tỷ đồng nguồn vốn xã hội hóa đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các trường đạt chuẩn quốc gia.

Huyện Ea Kar hiện có 54/81 trường của bốn bậc học đạt chuẩn quốc gia, tăng 22 trường so với năm 2015 (vượt 17% so với chỉ tiêu đề ra). Một số địa phương có tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia cao như: thị trấn Ea Knốp, thị trấn Ea Kar, các xã Cư Huê, Cư Ni...

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.