Multimedia Đọc Báo in

"Góc khuất" sau bục giảng

06:40, 24/04/2022

Từ lâu, mọi người vẫn nghĩ nghề giáo là một công việc nhàn hạ, không phải lao động chân tay lại được nhiều người kính trọng. Thế nhưng, đối với những cô giáo vùng sâu, vùng xa, đằng sau bục giảng ấy là cuộc sống thường ngày đầy khó khăn, vất vả.

Trụ cột chính của gia đình

Kết thúc buổi đứng lớp cho các cháu, cô H’Mai Rơ Yam (SN 1988), giáo viên Trường Mầm non Hoa Pơ Lang (xã Krông Nô, huyện Lắk) nhanh chóng trở về nhà để chăm sóc chồng con. Theo chân cô giáo vào tận buôn làng, nơi ở của gia đình cô là căn nhà cấp bốn vẻn vẹn khoảng 30 m2 lúp xúp, được thưng vài tấm bạt rách làm cửa. Lướt qua một vòng quanh nhà, có lẽ thứ tài sản đáng giá nhất là chiếc bàn gỗ nơi cô soạn giáo án dạy học mỗi đêm.

Cô H’Mai Rơ Yam trong giờ đứng lớp.

Tâm sự với cô giáo mới biết, tốt nghiệp Trường Trung cấp Sư phạm Đắk Lắk năm 2013, cô xin vào dạy thay cho các giáo viên nghỉ thai sản. Sau 2 năm đứng lớp, cô mới được trường ký hợp đồng chính thức. Gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mẹ mất sớm vì căn bệnh ung thư gan, ba đã già cả lại ốm yếu không thể làm việc. Trước đây, chồng còn đi phụ hồ để đỡ đần nuôi gia đình và hai con nhỏ ăn học. Thế nhưng tai ương ập đến vào năm 2018, chồng cô không may bị phát bệnh nhồi máu cơ tim, bướu độc và men gan cao. Nghe tin bác sĩ bảo cần hơn 100 triệu đồng mới chữa trị được cho chồng, lúc đấy cô đứng lặng không biết tìm đâu ra số tiền lớn như vậy. Vậy mà, nhìn người chồng nằm liệt giường đang bị giày vò bởi những cơn đau, cô chạy vạy vay mượn, bán hết đất rẫy, tài sản để gom góp tiền. Bây giờ, chồng đã hồi phục nhưng không còn khỏe mạnh để đi làm, cứ 2 tháng một lần phải đi tái khám để chữa trị, cô trở thành trụ cột chính nuôi gia đình. Đồng lương hợp đồng ít ỏi lại không đủ để trang trải cuộc sống, cô phải tranh thủ sáng đi dạy, tối đến cô đi bắt cua, ngày nghỉ đi lấy le bán để kiếm thêm thu nhập lo tiền thuốc men cho chồng.

Cuộc sống sau bục giảng đầy vất vả nhưng cô H’Mai vẫn vui vẻ, lạc quan trong những buổi dạy học. Cô giáo trải lòng: “Dù có vất vả, khó khăn nhưng tôi vẫn gắng sống để lo cho gia đình. Mỗi ngày lên lớp nhìn các em vui đùa, trên khuôn mặt đầy niềm vui, được các đồng nghiệp luôn động viên, giúp đỡ là thời gian bình tâm nhất của tôi. Vì vậy, lúc đến trường tôi luôn xốc lại tinh thần làm việc để trong mắt học trò, mình phải chuẩn mực, đàng hoàng”.

 

“Trường Mầm non Hoa Pơ Lang có 509 trẻ với 27 giáo viên, trong đó có 20 giáo viên hợp đồng. Lương thấp, không có thời gian dạy ngoài giờ, nhiều giáo viên có cuộc sống, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn”.

 cô Đa Cát Kniêm, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Pơ Lang

Không nản lòng

Sinh ra và lớn lên trong gia đình nghèo, cuộc sống vô vàn khó khăn nhưng cô Nông Thị Yến (SN 1991) chưa một giây phút từ bỏ đam mê dạy học cho các em nhỏ. Cô là con gái đầu của gia đình có hai chị em, bố bị khuyết tật bẩm sinh, đi lại khó khăn, em trai bị thiểu năng từ nhỏ, bệnh tật liên miên, một mình mẹ phải bươn chải ngược xuôi để nuôi gia đình, lo chi phí ăn học cho cô.

Năm học hết lớp 9, bạn bè cùng trang lứa trong làng đều bỏ học lấy chồng. Thế nhưng, cô gái trẻ vẫn bỏ ngoài tai những lời dè bỉu từ dân làng là “nhà nghèo sao mà đi học nổi”, “ở nhà lấy chồng cho xong”... để theo đuổi ước mơ làm giáo viên mầm non của mình. May mắn, cô có gia đình hậu thuẫn luôn ủng hộ, sẵn sàng vay mượn để lo cho cô ăn học. Những chuỗi ngày sinh viên, sáng đi học, tối đến cô đi phụ rửa chén bát thuê, buôn bán, làm đủ thứ nghề để lo tiền ăn học. Cô nghẹn ngào nhớ lại, vào ngày thi tốt nghiệp, đã đến ngày thi nhưng vẫn chưa có tiền đóng học phí. Lúc đấy, cô lo sợ vì không được thi thì bỏ phí công sức học tập lâu nay, may mắn sau khi giãi bày hoàn cảnh, cô được đặc cách cho thi rồi mới đóng học phí sau.

Cô Nông Thị Yến, giáo viên Trường Mầm non Hoa Pơ Lang (xã Krông Nô, huyện Lắk) tỉ mẩn dạy học cho các em.

Nhờ vậy, năm 2014, cô tốt nghiệp được Trường Trung cấp Sư phạm Mầm non Đắk Lắk. Mặc dù được ngỏ ý mời ở lại phố dạy học với một mức lương ổn định nhưng cô vẫn quyết định trở về nhà để phụng dưỡng bố mẹ và em trai mình. Năm 2016, cô được nhận vào dạy hợp đồng tại Trường Mầm non Hoa Pơ Lang, những tưởng chuỗi ngày vất vả được kết thúc nhưng gian nan lại bắt đầu. Cuối năm 2020, em trai đổ bệnh áp xe gan 3 ổ hạch và viêm lao. Đồng lương hợp đồng ít ỏi của cô không đủ chữa trị cho em. Sợ bố mẹ lo lắng, nên cô giấu chuyện em bị bệnh nặng, một mình vay mượn bạn bè để chữa trị. Tuy nhiên, số tiền quá lớn không thể xoay được, cô phải thú thật với bố mẹ bán đất chữa bệnh cho em trai. Bấy giờ, bố mẹ đã già yếu, không còn sức lao động như xưa, lại có em trai bệnh tật, đã ngoài 30 tuổi nhưng khi nói về ý định lấy chồng, cô chỉ lắc đầu: “Gia đình như vậy... sao tôi dám lấy...”.

Áp lực từ công việc cùng với cuộc sống khó khăn, vất vả dễ làm nhiều giáo viên nản chí và bỏ cuộc. Nhưng với cô giáo Yến thì tinh thần, trách nhiệm, sự nhiệt huyết và tận tâm trong công việc dường như chưa bao giờ vơi cạn. Gần 6 năm công tác tại trường, cô luôn nỗ lực đạt được thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Cô tâm sự: “Bản thân từng sinh ra và lớn lên tại vùng quê xa xôi tỉnh Cao Bằng, năm 9 tuổi theo bố mẹ vào địa phương lập nghiệp. Tôi cũng từng trải qua tuổi thơ đầy thiếu thốn không được học mầm non, vui chơi như các bạn bè thành thị. Đó cũng là lý do để tôi trở lại với địa phương sinh sống, cống hiến cho sự học của các em đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa đầy khó khăn này”.

Bất chấp mọi khó khăn trong cuộc sống nhưng hằng ngày, những cô giáo như cô H’Mai, cô Yến... vẫn không nản lòng, bền bỉ đứng lớp, mang tình yêu đến dạy dỗ cho các trẻ. Hy vọng, các cô giáo sẽ sớm được xét vào biên chế để vơi bớt khó khăn trong cuộc sống, tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp dạy học.

Khánh Huyền


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.