Multimedia Đọc Báo in

Có nên bỏ điểm ưu tiên khu vực với thí sinh tự do?

08:30, 03/05/2022

Dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học 2022 vừa được Bộ GD-ĐT công bố để lấy ý kiến đóng góp. Có một số thay đổi của quy chế về thời gian đăng ký xét tuyển, xét tuyển sớm và điểm ưu tiên khu vực mà thí sinh cần phải hết sức chú ý, đặc biệt là thí sinh tự do để có những cân nhắc phù hợp cho kế hoạch chọn trường, chọn ngành của mình.

Theo Dự thảo quy chế tuyển sinh 2022, mức điểm cộng ưu tiên khu vực vẫn được giữ nguyên lần lượt là 0,75 điểm, 0,5 điểm, 0,25 điểm cho khu vực 1, khu vực 2 nông thôn và khu vực 2. Tuy nhiên, nét mới ở đây là điểm ưu tiên khu vực chỉ dành cho thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm nay chứ không dành cho tất cả thí sinh (trong đó có thí sinh tự do, đã tốt nghiệp những năm trước nay thi lại một số môn để xét tuyển đại học). Theo Vụ trưởng Giáo dục đại học Nguyễn Thu Thủy thì quy định này nhằm đảm bảo tính công bằng giữa những học sinh hiện đang học lớp 12 chuẩn bị thi tốt nghiệp và những em đã tốt nghiệp chỉ thi để xét tuyển đại học. Lý do là vì thí sinh đã tốt nghiệp thì có nhiều lợi thế về thời gian ôn tập hơn so với những em thi lần đầu. Tuy nhiên theo các thí sinh tự do thì quy định này là thiếu công bằng.

Các em học sinh lớp 12 tỉnh Đắk Lắk tìm hiểu thông tin tuyển sinh đại học,cao đẳng. Ảnh: Nguyên Hoa
Các em học sinh lớp 12 tỉnh Đắk Lắk tìm hiểu thông tin tuyển sinh đại học, cao đẳng. Ảnh: Nguyên Hoa

Bản thân là một nhà giáo, thường xuyên tiếp xúc với sinh viên năm thứ nhất, tôi cho rằng không phải thí sinh tự do nào cũng có nhiều thời gian để ôn tập hơn so với học sinh hiện đang học lớp 12. Có không ít thí sinh tự do có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, phải tự làm thêm để kiếm sống, kiếm tiền theo đuổi con đường học hành. Có em sau khi tốt nghiệp là đã rời nhà đi làm công nhân, vài năm sau mới đủ tiền để quay lại thi đại học. Những em này thường chủ yếu tự ôn tập chứ cũng không có điều kiện để luyện thi bất cứ một khóa/trung tâm nào.

Trong khi đó, nhiều em điều kiện kinh tế đầy đủ thì đã nhập học ở một trường đại học nào đó với một ngành học không yêu thích lắm và vừa học, vừa ôn thi lại. Mục đích của các em là giữ một chỗ trong giảng đường đại học để nếu lỡ có thi rớt thì vẫn còn nơi để quay về, tránh tình trạng “xôi hỏng bỏng không”, “mất cả chì lẫn chài”. Tôi đã từng dạy một lớp Cử nhân xét nghiệm trong đó có 90% sinh viên cho biết năm sau sẽ thi lại ngành Y đa khoa. Đối với các em này – những thí sinh tự do – việc vừa phải học đầy đủ các môn ở trường đại học, vừa luyện thi ở một lớp, trung tâm nào đó là vô cùng vất vả, áp lực. Bởi nếu muốn học tốt ở năm nhất đại học, sinh viên không thể chỉ học cho có, còn nếu quyết buông đại học để ôn thi thì lại có thể dẫn đến khả năng xấu hơn là vừa thi lại không đỗ, vừa rớt nhiều môn của năm nhất đại học dẫn đến bị cảnh báo kết quả học tập.

Dĩ nhiên, cũng có một số ít thí sinh tự do quyết tâm dành trọn một năm chỉ để ôn thi với mục tiêu đạt kết quả cao nhất, đỗ vào trường đại học mà mình mong muốn. Nhưng đã có thống kê nào về số lượng chính xác các thí sinh dạng này hay không? Nếu các thí sinh tự do thuộc diện vừa ôn thi vừa đi làm, vừa học đại học vừa ôn thi không được cộng điểm ưu tiên khu vực như trước nay vẫn cộng thì liệu có công bằng với các em hay không? Có đảm bảo quyền lợi chính đáng trong việc tiếp cận với cơ hội học tập của tất cả thí sinh hay không?

Thực tế, điểm cộng ưu tiên khu vực hiện nay không còn cao như trước đây nữa. Trước năm 2003, thí sinh được cộng nhiều nhất là 3 điểm, từ 2004 đến 2017 điểm ưu tiên khu vực tối đa là 1,5 điểm, và từ 2018 đến nay tối đa là 0,75 điểm. Mức điểm ưu tiên này đã giảm đi khá nhiều song vẫn tiếp tục được duy trì do chất lượng giáo dục chưa đồng đều giữa các khu vực. Tuy vậy, 0,25 điểm hay 0,75 điểm thực sự là những điểm cộng quý giá cho các thí sinh, đặc biệt là những em phải tự bươn chải, tự lo cho bản thân mà không có sự hỗ trợ từ gia đình. Thiết nghĩ điểm cộng này cũng chính là sự công bằng và nhân văn đối với các thí sinh không phân biệt thi lần đầu hay lần thứ n và chưa nên bỏ vào lúc này.

Bình An


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.