Multimedia Đọc Báo in

Tâm thế mới cho năm học mới

16:15, 25/08/2022

Sau 3 năm học trầm lắng do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, ngành giáo dục đang chuẩn bị cho năm học mới 2022 - 2023 với tâm thế hào hứng, phấn khởi.

Chủ động phòng, chống dịch bệnh

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn đang còn là mối lo chung, công tác phòng, chống dịch bệnh luôn được chú trọng.

Năm học 2022 - 2023, Trường Mầm non 10-3 (TP. Buôn Ma Thuột) có trên 500 học sinh với 15 lớp mẫu giáo và 2 lớp nhà trẻ. Cô Nguyễn Thị Yến, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, trường tiến hành phun hóa chất tiêu độc, khử trùng, vệ sinh các thiết bị đồ dùng, đồ chơi cho các cháu bằng Cloramin B; tổng vệ sinh trường lớp, trang trí lớp học sạch đẹp. Cùng với đó, thông qua các nhóm Zalo của các lớp, trao đổi với phụ huynh, hướng dẫn các cháu vệ sinh cá nhân sạch sẽ khi ở nhà và lúc đến trường.

Học sinh Trường THPT Ea H’leo (huyện Ea H’leo) tham gia hoạt động hè tại trường. Ảnh: T. Hường

Tương tự, các trường mầm non đều xây dựng kế hoạch tăng cường cho trẻ tham gia hoạt động ngoài trời, trải nghiệm, thể dục, văn nghệ… giúp trẻ vừa rèn luyện kỹ năng sống vừa nâng cao sức khỏe, tăng sức đề kháng;  tu bổ cơ sở vật chất, trang thiết bị nhằm đảm bảo cho trẻ được học tập trong môi trường đầy đủ, an toàn.

Các trường học nói chung đều chú ý phổ biến, quán triệt thường xuyên tới toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh về các yêu cầu, nhiệm vụ, biện pháp phòng, chống dịch. Đồng thời thực hiện vệ sinh trường lớp trước khi các em trở lại trường; có kế  hoạch theo dõi sức khỏe học sinh khi đến trường để đảm bảo an toàn môi trường học đường; tiếp tục tuyên truyền việc tiêm đầy đủ các mũi vắc xin phòng COVID-19 cho 100% người lao động và học sinh.

Từ đầu tháng 7, Trường THCS Phạm Hồng Thái (TP. Buôn Ma Thuột) đã tiến hành sơn sửa, tu sửa lại các phòng học đã xuống cấp. Cô Phạm Thị Dịu, Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, do đã được xây dựng đã khá lâu nên nhiều năm qua, các dãy phòng học, nhà làm việc của trường đã xuống cấp. Dãy nhà 16 phòng học được sửa chữa với tổng kinh phí 700 triệu đồng (thành phố hỗ trợ 500 triệu đồng, 200 triệu đồng từ nguồn lực xã hội hóa) đang gấp rút hoàn thiện để học sinh kịp đón năm học mới. Bên cạnh đó, hệ thống công nghệ thông tin, các trang thiết bị dạy học cũng được trường kiểm tra để kịp thời sửa chữa, bổ sung…

Bắt nhịp chương trình giáo dục phổ thông mới

 

Toàn tỉnh hiện có 1.016 trường học từ bậc mầm non đến THPT. Hiện tại, các cơ sở giáo dục đã cơ bản hoàn tất công tác chuẩn bị, sẵn sàng đón học sinh trở lại trường.

Năm học 2022 - 2023 là năm học đầu tiên bậc THPT thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Do đó, các cơ sở giáo dục có bậc THPT thực hiện công tác chuẩn bị cho năm học mới ngay từ cuối tháng 6, đầu tháng 7 thông qua việc tuyển sinh lớp 10.

Đầu tháng 8/2022, Trường THPT Ea H’leo đã tổ chức đón học sinh khối 10 năm học 2022 - 2023. Qua đó, học sinh khối 10 mới trúng tuyển được làm quen với các anh chị khối trên của trường; được giải đáp các thắc mắc xung quanh chương trình giáo dục phổ thông mới; hướng dẫn cách đăng ký chọn tổ hợp môn cùng những vấn đề liên quan đến nội quy, nền nếp tại trường... Lần đầu tiên đến trường dự buổi đón chào học sinh lớp 10, em Phạm Thị Yến phấn khởi chia sẻ: “Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, mấy năm học trước chúng em phải học trực tuyến, chương trình học nhẹ hơn theo nội dung tinh giản nhưng em thấy không vui vì không được gặp gỡ thầy cô, bạn bè. Do đó, buổi chào đón tân học sinh của trường đã đem đến sự hứng khởi, vui vẻ, thân thiện cho chúng em trước thềm năm học mới 2022 - 2023. Sự nhiệt tình hướng dẫn của giáo viên và các anh chị lớp trên đã giúp chúng em tự tin trong việc chọn tổ hợp môn và yêu ngôi trường mới ngay từ những ngày đầu tiên”.

Năm học 2022 - 2023, Trường THPT Ea H’leo có hơn 1.300 học sinh (30 lớp) ở ba khối. Để chuẩn bị cho năm học mới, nhà trường đã tiến hành dọn vệ sinh sân trường, sơn cổng trường, bờ rào… Thầy Phạm Văn Chí, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, bậc THPT là một trong những bậc học quan trọng trong hệ thống giáo dục phổ thông hiện nay bởi đây là bước đệm quan trọng để học sinh có thể học tiếp lên cao đẳng, đại học, hoặc chuyển sang hướng lao động phổ thông. Năm học 2022 - 2023 là năm đầu tiên triển khai chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đối với học sinh lớp 10 và chính sự bận rộn của công tác hỗ trợ học sinh khối 10 trong lựa chọn môn học đã đem đến hiệu ứng sôi nổi, tích cực trong năm học mới này. Song hành với đó, nhà trường cũng tổ chức hướng dẫn học sinh chuẩn bị đồ dùng học tập đầu năm; hướng dẫn phân luồng cho học sinh khối 11, 12 để các em tìm hiểu về định hướng nghề nghiệp; đồng thời cho các lớp triển khai tập văn nghệ “cây nhà lá vườn” chuẩn bị cho Lễ khai giảng năm học mới 2022 - 2023...

Giáo viên Trường Mầm non 10-3 (TP. Buôn Ma Thuột) chăm sóc trẻ dịp hè. Ảnh: Hồng Thúy

Tiến đến số hóa công tác nghiệp vụ, quản lý

Có thể nói, năm học 2021 - 2022 là năm học mang đậm dấu ấn thích nghi khi lần đầu tiên học sinh cả nước phải dự khai giảng trực tuyến. Cùng với đó, công tác tổ chức dạy và học thay đổi liên tục do tác động kép của dịch bệnh; các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ, quản lý trong ngành giáo dục dần được số hóa đã tạo tiền đề cơ bản chuẩn bị cho năm học mới 2022 - 2023…

Cụ thể là ngay khi vừa kết thúc năm học 2021 - 2022, ngành giáo dục đã bắt tay ngay vào công tác chuẩn bị cho năm học mới 2022 – 2023 với sự tiếp nối việc hoàn thiện các thủ tục liên quan cho học sinh để các em đến lớp, đặc biệt là học sinh cuối cấp và tuyển sinh đầu cấp. Sự tiếp nối đó mang tính chất kết nối và đồng bộ giữa các khối lớp, các bậc học với các chỉ số liên quan như kết quả học tập (xét điểm học bạ), địa bàn sinh sống (vùng tuyển sinh các trường)… nhằm bảo đảm môi trường học tập tốt, thuận tiện nhất cho các em.

Ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, năm học 2022 - 2023 diễn ra trong bối cảnh dịch chưa chấm dứt, do đó ngành giáo dục đã quán triệt công tác chuẩn bị cơ sở vật chất gắn với phòng, chống dịch bệnh COVID-19, sốt xuất huyết và các dịch bệnh khác để bảo đảm sức khỏe cho giáo viên, học sinh. Các năm học trước, đặc biệt là năm học 2021 - 2022 học sinh ở nhiều địa phương, nhiều bậc học phải học gián tiếp kéo dài; các em không được gặp gỡ bạn bè, thầy cô trong thời gian dài và điều này đã gây ra những hạn chế nhất định trong phát triển thể chất, trí tuệ của học sinh. Do đó, năm học 2022 - 2023 Sở đã hướng dẫn các địa phương chủ động tổ chức các hoạt động dạy học sát với thực tế, trong đó quan tâm nhiều hơn đến hoạt động ngoài trời, hoạt động ngoài giờ lên lớp để các em học sinh có khoảng thời gian học tập hiệu quả nhưng vẫn được rèn luyện sức khỏe, vui chơi vui vẻ, bổ ích.

Hồng Thúy – Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.