Multimedia Đọc Báo in

Huyện M’Drắk: Sẵn sàng đón học sinh bước vào năm học 2022 – 2023

16:26, 24/08/2022

Ngày khai giảng năm học 2022 – 2023 đang cận kề, thầy và trò trên địa bàn huyện M’Drắk đã chuẩn bị sẵn sàng trường lớp sạch đẹp; sách, vở, đồ dùng học tập đầy đủ để bước vào mùa tựu trường.

Chuẩn bị tốt các điều kiện

Tại Cư San - xã vùng sâu, vùng xa của huyện M’Drắk, công tác chuẩn bị cho năm học mới tại các trường học đang rất khẩn trương. Thầy Vũ Đức Hiến, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Tô Hiệu cho biết, năm học 2022 - 2023, toàn trường có 115 em, trong đó tỷ lệ học sinh người dân tộc thiểu số chiếm 97%. Để chuẩn bị cho năm học mới, vào thời gian cuối hè, trường đã xây dựng kế hoạch hoạt động của trường, như: lên kế hoạch tuyển sinh, tập huấn nghiệp vụ cho giáo viên, vận động các em đến trường đầy đủ trong năm học mới. Đồng thời, kiểm tra lại cơ sở vật chất, thiết bị trường học để bổ sung, sửa chữa, tu bổ mới; phát động làm đồ dùng học tập trong giáo viên… Hiện tại, công tác sửa chữa các phòng học đã xong, nhà trường tập trung dọn dẹp trước khi đón các em học sinh trở lại trường trong năm học mới.

ảnh
Kiên cố hóa trường, lớp học ở Trường Mẫu giáo Hoa Ban được gấp rút hoàn thiện trước khi bước vào năm học mới. Ảnh: M.Thuận

Cũng trong tâm thế sẵn sàng cho năm học mới, cô Trần Thị Hương, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Hoa Ban chia sẻ, năm học 2022 - 2023, trường có 12 lớp và 400 học sinh. Mặc dù còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng công tác chuẩn bị cho năm học mới cũng đã được nhà trường cơ bản hoàn tất. Khu vực điểm trường chính gồm 6 lớp học và điểm trường ở thôn 6, thôn 8 đã ổn định xong công tác tuyển sinh cũng như bố trí giáo viên phụ trách, tuy số học sinh đang vượt so với quy định do thiếu phòng học và giáo viên.

Theo Phòng GD-ĐT huyện M'Drắk, toàn huyện có 47 đơn vị trường học thuộc Phòng GD-ĐT, ngay sau khi kết thúc năm học 2021 - 2022, Phòng GD-ĐT đã hướng dẫn, chỉ đạo các trường bắt tay vào việc chỉnh trang khuôn viên, sửa chữa, xây mới hệ thống cơ sở vật chất, mua sắm thêm các trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy và học tập. Theo đó, các trường học đã rà soát toàn bộ cơ sở vật chất, kịp thời sửa chữa, khắc phục và xử lý các hạng mục xuống cấp, gây mất an toàn. Hiện đã xây dựng mới và sửa chữa 124 phòng học, 3 nhà hiệu bộ cùng với các công trình phụ trợ khác như nhà vệ sinh, sân, cổng, tường rào trường học... Đồng thời mua sắm nhiều trang thiết bị phục vụ công tác dạy và học. Cùng với đó, công tác tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cũng được ngành GD-ĐT triển khai theo đúng kế hoạch nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ nhà giáo trước năm học mới.

Vẫn còn nhiều khó khăn

Mặc dù mọi thứ đã sẵn sàng cho năm học mới nhưng công tác giáo dục trên địa bàn huyện M’Drắk cũng gặp nhiều thiếu thốn, nhất là về cơ sở vật chất và thiếu giáo viên ở các xã vùng sâu vùng xa.

ảnh
Lãnh đạo Phòng GD-ĐT huyện M'Drắk kiểm tra công tác chuẩn bị trước khi bước vào năm học 2022 - 2023 tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Tô Hiệu. Ảnh: M.Thuận

Theo Phòng GD-ĐT huyện, trong năm học 2022 - 2023 dự kiến sẽ tăng thêm 300 học sinh ở các cấp. Tuy nhiên, toàn huyện vẫn còn thiếu 72 giáo viên, trong đó bậc mầm non là 27 người, bậc tiểu học 42 người và bậc THCS 3 người. Phòng học và phòng bộ môn ở một số đơn vị đã xuống cấp, tỷ lệ phòng học kiên cố chỉ mới đạt 50,6%, còn lại là phòng bán kiên cố, phòng học tạm, học nhờ. Bên cạnh đó, thiết bị dạy học phục vụ chương trình giáo dục phổ thông 2018 và thay sách giáo khoa mới chưa bảo đảm tốt cho công tác dạy và học của các trường.

"Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, chuẩn bị tốt cho năm học mới, huyện đã căn cứ nhu cầu thực tế năm học 2022 - 2023 và biên chế được giao để tuyển dụng đủ cán bộ, giáo viên, nhân viên cho ngành giáo dục trên địa bàn huyện". Ông Nguyễn Đình Thiện, Phó Trưởng Phòng GD-ĐT M'Drắk

Bên cạnh đó, việc vận động các em học sinh ở khu vực lòng hồ Krông Pách thượng đến trường trong năm học mới cũng gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do khu vực này là nơi sinh sống của các hộ dân ở thôn 9, thôn 10, thôn 11 (xã Cư San) nhưng buộc phải di dời nhưng việc di dời chưa hoàn tất. Ở khu vực này, học sinh các cấp chiếm khoảng 30% tổng số học sinh toàn xã Cư San, hiện có em đã theo gia đình đến khu định cư mới, có nhiều em chuẩn bị đi nhưng chưa biết thời gian cụ thể…

Đơn cử như ở Trường Mẫu giáo Hoa Ban, do đặc thù có 3 thôn (9, 10, 11) nằm trong khu vực lòng hồ Krông Pách thượng, đến nay có hộ đã di dời, có hộ vẫn đang ở lại, có hộ đang chờ di dời trong dịp này, nên trong năm học mới nhiều em ở khu vực này chưa biết sẽ học ở đâu. Trong khi đó, tỷ lệ học sinh ở khu vực lòng hồ chiếm 47 - 49% tổng số học sinh toàn trường. Cũng do phải di dời nên 3 phòng học tạm được người dân đóng góp dựng lên ở 3 thôn này cũng đã bàn giao lại cho các hộ dân để họ tháo dỡ di dời đi nên nhà trường chỉ còn 3 phòng học bán kiên cố, hiện đã xuống cấp nghiêm trọng, không được tu sửa trong suốt hơn 10 năm nay vì nằm trong khu vực lòng hồ.

Trước tình hình trên, cuối năm học 2021 - 2022, nhà trường cũng đã phản ánh vấn đề này và đề xuất với huyện cho trường tạm thời tuyển sinh lớp 5 tuổi trước ở khu vực này để chuẩn bị cho các em vào lớp 1. Hiện Phòng GD-ĐT đã cho phép nhà trường ưu tiên tuyển sinh học sinh 5 tuổi trước, sau đó sẽ có giải pháp phù hợp vì liên quan đến tiến độ di dời dân ra khỏi khu vực lòng hồ của dự án.

Minh Thuận

 

 

 

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.