Multimedia Đọc Báo in

Học đại học hay không, phải là sự lựa chọn nghiêm túc

10:22, 31/10/2022

Kết thúc đợt 1 xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2022, Bộ GD-ĐT công bố trong 620.477 thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống chung, số trúng tuyển chính thức đợt 1 là 567.018 (trong đó 3.580 trúng tuyển cao đẳng sư phạm), đạt tỷ lệ 91,4% so với số thí sinh đăng ký xét tuyển.

Tính đến 17 giờ ngày 30/9, có 463.440 thí sinh hoàn thành xác nhận nhập học trực tuyến trên hệ thống, đạt tỷ lệ 81,7% so với số thí sinh trúng tuyển. Như vậy, có đến 103.578 thí sinh đã trúng tuyển nhưng không xác nhận nhập học trên hệ thống.

Các chuyên gia nhận định có một số nguyên nhân cơ bản như: thí sinh trúng tuyển đại học nhưng quyết định học bậc cao đẳng để tiết kiệm thời gian, chi phí; một số chọn đi du học; khi đăng ký thí sinh không để ý đến học phí và nay biết mức học phí quá cao, gia đình không lo được; trúng tuyển vào nguyện vọng mình không mong muốn nên không nhập học mà chờ xét tuyển đợt 2.

Thí sinh làm thủ tục nhập học tại Trường Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột năm học 2022-2023. Ảnh: Ngọc Quốc
Thí sinh làm thủ tục nhập học tại Trường Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột năm học 2022 - 2023. Ảnh minh họa: Ngọc Quốc

103.578 không phải là một con số nhỏ. Dưới góc nhìn của một giảng viên, tôi cho rằng con số này cho thấy sự trăn trở, suy nghĩ nghiêm túc của thí sinh và gia đình trong việc quyết định có học đại học hay không? Không phải cứ đỗ là đi học mà còn phải căn cứ vào nhiều yếu tố liên quan. Trong số mấy trăm nghìn thí sinh đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng có một bộ phận thí sinh đăng ký chỉ vì theo bạn bè hoặc muốn thử sức mình liệu có đỗ trường top đầu hay không chứ chưa hẳn đã xác định sẽ đi học trường đó nếu trúng tuyển. Có thí sinh không có ý định học đại học vì kinh tế khó khăn nhưng vẫn đăng ký cho thỏa ước mơ của mình.

Với thâm niên 10 năm làm cố vấn học tập của sinh viên, tôi đã chứng kiến thực tế một số sinh viên không đủ năng lực để học bậc đại học (dù ở phổ thông thuộc diện học khá) nên bị thi lại, nợ môn liên tục, học mãi không ra được trường, trong đó “cửa ải khó khăn” nhất là điều kiện đầu ra về ngoại ngữ. Có sinh viên khóa 2013 (đến nay là 9 năm) đã hoàn thành chương trình học nhưng thi hàng chục lần vẫn không đậu môn tiếng Anh B1 và không thể tốt nghiệp. Thời gian càng lâu thì ý chí, động lực càng giảm nên dù có được động viên nhiều lần thì cuối cùng sinh viên vẫn bỏ cuộc. Bên cạnh đó một số sinh viên lại chọn học ngành không thích để đợi năm sau thi tiếp nhưng thi không đỗ lại đành phải học tiếp. Những em này học trong tâm trạng chán chường, thậm chí thích thì lên lớp, không thích thì ở nhà nên kết quả lại rớt môn, nợ môn. Một vòng luẩn quẩn: không thích ngành học – không học – nợ môn – không thích học cứ lặp đi lặp lại cho đến khi các em bị cảnh báo kết quả học tập, thậm chí buộc thôi học. Mỗi năm các trường đại học đều phải công bố danh sách cảnh báo, buộc thôi học, trong đó có trường con số này lên đến hàng nghìn sinh viên.

Hy hữu hơn, có sinh viên đến năm thứ ba, thứ tư bỗng dưng chán học vì “tốt nghiệp cũng thất nghiệp cô ơi” và cương quyết bỏ ngang. Vì vậy, đối với tất cả sinh viên năm thứ nhất khi lên lớp buổi đầu tiên, tôi luôn nhấn mạnh: nếu không thích học thì nghỉ luôn từ năm thứ nhất chứ đừng để đến năm 3, năm 4. Còn nếu đã xác định học thì phải học cho nghiêm túc để tốt nghiệp đúng hạn, đừng lấy lý do này kia để bào chữa cho sự không cố gắng của bản thân. Học đại học không phải là một cuộc dạo chơi, thích thì đến không thích đi về, mà đây là một con đường gian nan đòi hỏi phải tiêu tốn nhiều công sức, trí tuệ, thời gian, tiền bạc. Đừng cứ nhìn những tấm gương tỷ phú bỏ học đại học giữa chừng như Bill Gates, Mark Zuckerberg để tự huyễn hoặc mình bởi cả thế giới này có được bao nhiêu người giống họ.

Học đại học hay không, phải là một sự lựa chọn nghiêm túc. Đừng “học đại” để rồi "đứt gánh giữa đường"!

Bình An


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.