Multimedia Đọc Báo in

Gắn trách nhiệm của cơ sở giáo dục trong bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm ở trường học

06:13, 11/12/2022

Mô hình bếp ăn và tổ chức ăn nội trú, bán trú ở trường học đang khá phát triển, kéo theo đó nhiều vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) trong các trường học cần được quan tâm.

Chung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trò chuyện với bà LÊ THỊ KIM OANH, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT.

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Thị Kim Oanh.

♦ Thưa bà, việc bảo đảm VSATTP tại trường học đã được quy định như thế nào?

Cơ quan chức năng đã có nhiều văn bản quy định về việc bảo đảm VSATTP tại bếp ăn tập thể, trong đó có bếp ăn trường học. Đặc biệt, Thông tư liên tịch số 13/2016/TTLT-BYT-BGDĐT ngày 12/5/2016 của Bộ Y tế - Bộ GD-ĐT về công tác y tế trường học nêu rõ các điều kiện về ATTP tại trường học. Với trường học có bếp ăn nội trú, bán trú phải bảo đảm các điều kiện nghiêm ngặt từ cơ sở vật chất như nhà ăn, căng tin, nhà bếp, đến nguồn nhân lực phục vụ, hoạt động bảo quản, chế biến, lưu giữ thực phẩm. Các trường học không có bếp ăn nội trú, bán trú thì ký hợp đồng với các cơ sở có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP để cung cấp thức ăn cho học sinh; căng tin bảo đảm các yêu cầu về VSATTP.

♦ Vậy các quy định này được các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh có tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh thực hiện thế nào, thưa bà?

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 1.000 cơ sở giáo dục các cấp, trong đó có 200 cơ sở (trường mầm non, trường phổ thông dân tộc bán trú THCS, trường tư thục) tổ chức ăn bán trú cho khoảng 51.000 học sinh. Về cơ bản việc bảo đảm ATTP được các trường thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Các trường tổ chức ăn bán trú đều có hợp đồng, bản cam kết về nguồn thực phẩm an toàn với nhà cung cấp; công khai thực đơn, đơn vị cung ứng thực phẩm (trên trang thông tin điện tử của nhà trường; thông báo định kỳ, thường xuyên bằng văn bản; bảng thông tin của trường). Tại một số trường, phòng ăn dành cho học sinh được lắp camera để phụ huynh thuận tiện quan sát bữa ăn. Đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra vụ việc nào đáng tiếc trong bữa ăn bán trú.

Tuy nhiên công tác này vẫn còn những hạn chế: phòng ăn, thiết bị nhà bếp của một số đơn vị chưa đảm bảo yêu cầu; một số đơn vị không có biên chế cấp dưỡng, nhân viên tham gia phục vụ bếp ăn bán trú; người trực tiếp chăm sóc bữa ăn cho học sinh thiếu kinh nghiệm xây dựng thực đơn… Do đó, bữa ăn bán trú đôi khi chỉ dừng lại ở mức no, bảo đảm VSATTP và ngon miệng, chưa đáp ứng được các tiêu chí về cân bằng dinh dưỡng hoặc đáp ứng tốt nhất cho nhu cầu của từng lứa tuổi.

Giáo viên Trường Tiểu học Lê Thị Hồng Gấm (TP. Buôn Ma Thuột) theo dõi, quản lý bữa ăn trưa của học sinh tại trường.

♦ Ở góc độ ngành chủ quản, theo bà, cần làm gì để công tác VSATTP tại trường học được thực hiện tốt hơn nữa?

VSATTP tại trường học có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sức khỏe, sự phát triển trí tuệ, thể chất cho học sinh và được Sở GD-ĐT quán triệt thường xuyên (bằng văn bản, lồng ghép qua các hoạt động thanh tra, kiểm tra) đến các cơ sở giáo dục. Cơ sở giáo dục có quyền lựa chọn đơn vị cung ứng thực phẩm và kiểm soát chặt chẽ nguyên liệu đầu vào. Đây là khâu quan trọng để ngăn chặn thực phẩm “3 không” (không nguồn gốc xuất xứ, không nhãn mác, không hạn sử dụng).

Thực hiện chỉ đạo của Bộ GD-ĐT tại Công văn số 6141/BGDĐT-GDTC ngày 21/11/2022 về việc tăng cường chỉ đạo công tác bảo đảm VSATTP trong các cơ sở giáo dục, Sở GD-ĐT đã quán triệt cơ sở giáo dục chấp hành nghiêm túc các quy định liên quan đến ATTP. Trong đó lưu ý một số nội dung như: Sở gắn trách nhiệm của cơ sở giáo dục trong bảo đảm VSATTP ở trường học; kiểm soát chặt nguồn gốc thực phẩm trong trường; cơ sở bán trú tuân thủ nghiêm túc quy trình kiểm tra ba bước (trước, trong khi chế biến và trước khi ăn), lưu mẫu thức ăn, phân công cán bộ giám sát toàn bộ quy trình tổ chức bữa ăn.

Ngoài ra, Sở GD-ĐT thường xuyên phối hợp với ngành y tế, chính quyền địa phương các cấp tổ chức tập huấn kỹ năng bảo đảm VSATTP tại các bếp ăn tập thể trường học cho đội ngũ cấp dưỡng, nhân viên y tế học đường; tổ chức các đợt kiểm tra cơ sở vật chất, trang thiết bị, quy trình chế biến, nguồn nước sử dụng trong chế biến bữa ăn bán trú để kịp thời nhắc nhở, định hướng điều chỉnh, khắc phục những thiếu sót, hạn chế…

♦ Xin cảm ơn bà!

Thanh Hường (thực hiện)

 


Ý kiến bạn đọc


Chủ động ngăn ngừa “giặc lửa” tấn công rừng
Mùa khô Tây Nguyên đang bước vào giai đoạn cao điểm. Nắng nóng kèm theo gió lớn khiến thảm thực bì ở những cánh rừng khô nhanh làm tăng nguy cơ cháy rừng. Với phương châm “phòng cháy hơn chữa cháy” các ngành chức năng, chủ rừng, chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã và đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để phòng ngừa “giặc lửa” tấn công rừng.