Nhà giáo thời 4.0
Là những hạt nhân làm nên câu chuyện giáo dục hiện đại, các nhà giáo nỗ lực vượt ra khỏi những giới hạn cũ để định hình các phương pháp giáo dục không giới hạn, không gián đoạn, phù hợp với lứa tuổi học sinh.
Xu thế tất yếu
Thầy Hà Ngọc Đào, nguyên Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh cho rằng, giáo viên phải là những người đi đầu trong việc thúc đẩy giáo dục 4.0 trong hoạt động giáo dục và đào tạo (GD-ĐT). Họ đã làm tốt công việc của mình trong những năm dịch COVID-19 vừa qua khi học sinh tạm ngừng đến trường nhưng không ngừng việc học. Những kho tư liệu khổng lồ về giáo dục được tạo dựng, cập nhật liên tục trên các kênh truyền hình, mạng xã hội, trang web… Để tiếp cận, người học cần phải trả phí hoặc được miễn phí nhưng điều đó đã đem đến không gian, thời gian, cơ hội học tập cho toàn dân.
Giảng viên các trường đại học tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh lớp 12 tại Trường THPT Buôn Ma Thuột. Ảnh: Duy Tiến |
Trên góc độ nhà quản lý trực tiếp, ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành một cách khá toàn diện từ nhân lực, cách thức tổ chức quản lý đến hoạt động dạy và học. Học sinh, giáo viên có thể học tập lẫn nhau, học xuyên biên giới với các giáo viên nước ngoài để mở ra những góc nhìn đa chiều về kiến thức cũ, kiến thức mới. Chính điều này đã đem đến tâm thế hội nhập cho ngành GD-ĐT.
Giáo viên mầm non huyện Buôn Đôn tham gia lớp tập huấn về nội dung chăm sóc và giáo dục trẻ mầm non đầu năm học 2022 - 2023. |
Nhà giáo cũng là người học
“Trong xã hội 4.0, bằng cấp là một tiêu chuẩn “cứng” nhưng xã hội luôn vận động, kiến thức mới luôn đầy ắp, nhà giáo không thể “ăn mày dĩ vãng” được; người thầy phải thường xuyên tự học, tự bổ sung kiến thức bằng nhiều hình thức để đáp ứng nhu cầu dạy và học” - ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở GD-ĐT. |
Theo phản ánh của các giáo viên, trong bối cảnh hiện nay việc giảng dạy khó hơn trước rất nhiều. Nó không chỉ đơn thuần là việc truyền đạt kiến thức, cách học mà còn là cách tương tác để thu hút học sinh hướng về phía mình. Ngoài việc giảng dạy, giáo viên phải học cách sử dụng máy tính, soạn giáo án sinh động, tham gia tích cực hoặc tìm hiểu các cuộc thi liên quan đến giáo dục thông qua hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp. Qua đó, học tập, tham khảo cách thức được các giáo viên khác sáng tạo nhằm tìm kiếm kiến thức, kinh nghiệm cho chính mình, để không bị bỏ lại phía sau.
Cô Võ Thị Hồng, giáo viên Trường THCS Lương Thế Vinh (huyện Krông Ana) chia sẻ, làm mới bản thân, làm mới bài giảng để học sinh hứng thú với môn học là yêu cầu tiền đề, căn bản nhằm thu hút học sinh học môn học của mình. Những năm qua, cô đã thực hiện và hướng dẫn học sinh thực hiện các video về môn Hóa học như: “Nghỉ dịch vẫn đam mê Hóa học”; “Kim loại – tính chất vật lý của kim loại”; các thí nghiệm hóa học… để tải lên Youtube. Qua đó, nhiều học sinh đã bộc lộ được năng khiếu, có sở thích học môn Hóa học.
Cô Võ Thị Hồng, giáo viên Trường THCS Lương Thế Vinh (huyện Krông Ana) hướng dẫn học sinh tiếp cận kho tư liệu trên Internet. Ảnh: T. Hường |
Còn theo thầy Hà Anh Tuấn, giáo viên Trường THPT Chu Văn An (TP. Buôn Ma Thuột) thì có nhiều góc độ để hiểu và tiếp cận khái niệm nhà giáo 4.0. Nó không đơn thuần là tiếp cận phương pháp hoạt động dạy học mà giáo viên cũng cần phải tiếp nhận tâm lý 4.0 của học sinh. Theo thầy, giáo viên phải tham gia mạng xã hội, vào các nhóm cộng đồng phù hợp với học trò của mình (THCS, THPT) để biết trend (xu hướng) lứa tuổi; từ đó nắm bắt tâm lý 4.0 của học trò. Có những "cơn sóng" nhất thời mang tính tích cực hoặc tiêu cực nhưng giáo viên vẫn phải định hướng để học sinh đi đúng đường. Đơn cử, giáo viên có thể sử dụng mạng xã hội để kết bạn với học sinh; chia sẻ những bài viết hay về bài học, thông tin pháp luật...
Sự đổi mới, đa dạng của các hình thức GD-ĐT hiện đại cho thấy nhà giáo 4.0 không phải là “thợ dạy” mà là những người sáng tạo như có người đã từng nói, nghề giáo là nghề sáng tạo nhất trong những nghề sáng tạo.
Thanh Hường
Ý kiến bạn đọc