Multimedia Đọc Báo in

Mùa tuyển sinh năm 2023: Tìm hiểu sâu, lựa chọn kỹ

06:46, 02/04/2023

Các cơ sở đào tạo đã công bố phương án xét tuyển cũng như bắt đầu nhận hồ sơ đăng ký với các phương thức xét tuyển sớm. Đây là thời điểm các thí sinh cần tìm hiểu kỹ quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cũng như phương án tuyển sinh của các trường để xây dựng lộ trình đăng ký xét tuyển của bản thân vào các trường đại học phù hợp.

Lưu ý về chính sách ưu tiên

Theo thông tin từ Bộ GD-ĐT, công tác tuyển sinh năm 2023 về cơ bản sẽ giữ ổn định như năm 2022. Bộ GD-ĐT không ban hành quy chế tuyển sinh mới nhưng sẽ có một số điều chỉnh về mặt kỹ thuật, giao diện… trên phần mềm của Hệ thống tuyển sinh chung nhằm hỗ trợ tốt hơn cho công tác tuyển sinh của các cơ sở đào tạo và thí sinh trong quá trình xét tuyển; hạn chế tối đa nhầm lẫn…

Tuy nhiên, bên cạnh đó có một số điểm mới đáng lưu ý đã được quy định trong Quy chế tuyển sinh năm 2022 nhưng bắt đầu áp dụng từ năm 2023 là về chính sách ưu tiên. Cụ thể, từ năm 2023, thí sinh được hưởng chính sách ưu tiên khu vực theo quy định trong năm tốt nghiệp THPT (hoặc trung cấp) và một năm kế tiếp; điểm ưu tiên đối với thí sinh sẽ giảm dần khi thí sinh đạt tổng điểm ba môn thi tốt nghiệp THPT ở mức 22,5 điểm trở lên. Theo đó, nếu thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên (khi quy đổi về điểm theo thang 10 và tổng điểm ba môn tối đa là 30), mức điểm ưu tiên mà thí sinh được hưởng được tính theo công thức: Điểm ưu tiên = [(30 - tổng điểm đạt được)/7,5] x mức điểm ưu tiên theo quy định của quy chế. Với công thức trên, một học sinh khu vực 1 đạt 22,5 điểm trở xuống được cộng 0,75 điểm ưu tiên khu vực. Nhưng nếu thí sinh đó đạt 27 điểm thì điểm ưu tiên chỉ còn 0,3 và đạt 29 điểm chỉ còn 0,1 điểm ưu tiên khu vực. Khi điểm thi là 30, điểm ưu tiên bằng 0.

Buổi học ôn của học sinh khối 12, Trường THPT Lê Duẩn, TP. Buôn Ma Thuột.

Ông Võ Quốc Phong, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (huyện Krông Pắc) chia sẻ, để bảo đảm quyền lợi cho học sinh, ngoài công tác ôn tập thì nhà trường còn phổ biến đến học sinh các thông tin liên quan đến tuyển sinh, đặc biệt là cách tính điểm ưu tiên trong kỳ tuyển sinh 2023 này thông qua Đoàn trường, giáo viên chủ nhiệm, kết nối với các trường đại học về tuyển sinh trực tiếp… Qua đó, giúp các em có sự cân nhắc kỹ lưỡng trong lựa chọn ngành, trường học nhằm nắm chắc cơ hội trúng tuyển của mình.

Trực tư vấn, giải quyết thắc mắc cho thí sinh

Đến thời điểm hiện tại, các cơ sở giáo dục đại học tại Đắk Lắk đều đã lập bộ phận trực tư vấn tuyển sinh, giải quyết các thắc mắc mà thí sinh đặt ra trong mùa tuyển sinh năm nay. Cụ thể là các cơ sở đã thiết lập nhiều kênh tiếp nhận thông tin của thí sinh như: gặp tư vấn trực tiếp tại cơ sở đào tạo; qua đường dây nóng điện thoại, email, Facebook, Zalo... nhằm sẵn sàng tư vấn một cách nhanh nhất về thông tin tuyển sinh theo từng giai đoạn, kế hoạch tuyển sinh.

Năm 2023, Trường Đại học Tây Nguyên tiếp tục thực hiện 4 phương thức tuyển sinh: xét điểm học bạ THPT với 4 cách tính điểm các môn (tự động chọn cách để có tổng điểm 3 môn cao nhất theo tổ hợp đã đăng ký); xét kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2023 (35 ngành), xét kết quả Kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, xét tuyển thẳng (thí sinh đạt thành tích cao trong các kỳ thi cấp quốc gia, quốc tế). Ngoài hệ thống tư vấn tuyển sinh chung của trường, các khoa còn có cán bộ chuyên môn, giáo viên có năng lực chuyên môn hỗ trợ tư vấn cụ thể về chương trình học, học phí và các thông tin cụ thể từng ngành trong mỗi khoa.

Học sinh tìm hiểu thông tin về tuyển sinh tại Chương trình tư vấn tuyển sinh - Hướng nghiệp 2023 do Báo Tuổi Trẻ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tại Trường Đại học Tây Nguyên.

TS. Nguyễn Phương Đại Nguyên, Trưởng Phòng Đào tạo (Trường Đại học Tây Nguyên) cho biết, kỳ tuyển sinh đại học năm học 2023 - 2024 căn bản giữ ổn định như năm học 2021 - 2022, tuy nhiên nhà trường có một số ngành yêu cầu cao đối với việc tuyển sinh. Như ngành Sư phạm tiếng Anh, đầu vào để xét tuyển ở tất cả các phương thức tuyển sinh môn tiếng Anh đều phải đạt từ 6 điểm trở lên. Các thí sinh nên tìm hiểu kỹ và tham khảo đầy đủ các thông tin tư liệu về chính sách học bổng, đặc thù mỗi ngành nghề để lựa chọn ngành phù hợp với bản thân. Khi chọn ngành nghề cần phải lựa chọn nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên của ngành phù hợp với các tiêu chí đề ra. Bởi, thực tế có một số thí sinh chọn sai ngành dẫn đến khó khăn trong việc tiếp nhận học tập hoặc khó thay đổi bởi khi đã trúng tuyển; muốn thay đổi cần có xác nhận của trường nơi đã trúng tuyển không nhập học thì mới được xét tuyển tiếp.

Năm 2023 Phân hiệu Trường Đại học Luật Hà Nội tại Đắk Lắk (Phân hiệu) tuyển sinh 200 chỉ tiêu trình độ đại học chính quy ngành Luật, cao nhất trong 4 năm qua. TS. Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Phân hiệu cho biết, điểm trúng tuyển vào học tại Phân hiệu liên tục được nâng lên theo từng năm. Hiện tại, Phân hiệu đang tích cực hỗ trợ học sinh tìm hiểu về ngành luật và định hướng của trường sau khi trúng tuyển để các em có sự lựa chọn tốt nhất.

TS. Nguyễn Phương Đại Nguyên cũng lưu ý là khi lựa chọn trường, thí sinh cần cân nhắc đến học phí, những năm trước có tình trạng nhiều thí sinh trúng tuyển một số ngành, đặc biệt là ngành y ở các trường thuộc khu vực phía Nam, nhưng gia đình không kham nổi học phí, buộc phải chuyển tới trường có mức học phí phù hợp hơn.

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.