Không gian xanh cho trường mầm non
Thực hiện Chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm giai đoạn 2021 - 2025”, những năm qua, các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh đã có những cách làm sáng tạo, tạo dựng không gian xanh trong trường học, từng bước nâng cao chất lượng nuôi dạy trẻ theo hướng phát huy năng lực cá nhân của trẻ.
Nâng cao chất lượng nuôi dạy trẻ
Năm học 2022 – 2023, Trường Mầm non Hoa Cúc (huyện Cư Kuin) có 10 nhóm, lớp với 288 học sinh. Để trẻ phát triển toàn diện, nhà trường đã kết hợp hoạt động giáo dục và dinh dưỡng cho trẻ, xây dựng thói quen tốt trong cách ăn uống, vệ sinh bản thân; ứng xử với môi trường sống…
Cô Trần Thị Soa, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, đặc thù của trẻ mầm non là các em vừa học vừa chơi, do đó các cô giáo luôn chú trọng rèn luyện cho trẻ thói quen tốt thông qua thời gian chơi và học.
Đơn cử như vệ sinh trước, trong và sau khi ăn; ăn đúng khẩu phần; rèn luyện kỹ năng tự phục vụ; giữ gìn nền nếp trong bữa ăn; giữ gìn vệ sinh cá nhân; đi học đúng giờ; vui chơi theo kế hoạch chung của trường, của lớp... Điều này góp phần rất quan trọng trong việc hình thành thói quen cho trẻ, giúp trẻ phát triển toàn diện về nhân cách sau này.
Học sinh Trường Mầm non Hoa Cúc (huyện Cư Kuin) tham gia hoạt động ngoại khóa tại trường. |
Tương tự, Trường Mầm non Họa Mi (TP. Buôn Ma Thuột) cũng gây dựng không gian xanh theo hướng đa chiều, chăm chút từ bữa ăn hằng ngày của học sinh đến hoạt động giáo dục, vui chơi. Theo Hiệu trưởng Nguyễn Vũ Hoài Thu, từ thời điểm thành lập (năm 1998) nhà trường đã trồng hệ thống cây xanh bao quanh và trên sân trường, tạo không gian xanh, thân thiện cho học sinh. Năm 2012 trường bắt đầu triển khai vườn rau, vườn cây ăn trái vừa tạo “vật liệu” phục vụ hoạt động dạy học vừa góp phần tạo nguồn thực phẩm phục vụ bữa ăn cho học sinh. Trên nền kết quả đạt được, trường tiếp tục trồng thêm cây xanh có bóng mát, cây ăn quả, làm sân cỏ ở những vị trí phù hợp nhằm tạo không gian xanh và cung cấp đủ bóng mát cho học sinh vui chơi, hoạt động ngoài trời .
Không gian thân thiện
Xây dựng trường mầm non “Xanh - an toàn – thân thiện” là một trong những tiền đề quan trọng để tạo điều kiện giáo dục trẻ mầm non theo hướng lấy trẻ làm trung tâm. Theo đó, trẻ sẽ phát huy khả năng tự học và khám phá phù hợp với khả năng, năng lực riêng của cá nhân, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc để trẻ phát triển tâm sinh lý, hứng thú và yêu thích khi đến trường.
Cùng với đó, các cơ sở giáo dục cũng đã chú trọng việc cắt tỉa, chăm sóc cây xanh; bảo đảm 100% đồ dùng, đồ chơi, tài liệu, học liệu an toàn, thân thiện, đúng quy định và được kiểm tra, vệ sinh định kỳ, sửa chữa kịp thời nếu có hiện tượng hư hỏng, xuống cấp; đảm bảo công trình vệ sinh, nước sạch và bố trí khu vực để trẻ rửa tay với xà phòng phù hợp với điều kiện thực tế; tăng cường sử dụng vật liệu tái chế, hạn chế sử dụng túi ni lông và sản phẩm nhựa dùng một lần; tận dụng tối đa nguồn học liệu sẵn có tại địa phương. Ngoài ra, hành vi của cán bộ, giáo viên với trẻ và phụ huynh cũng được điều chỉnh theo hướng chỉn chu, phối hợp chặt chẽ để chăm sóc trẻ.
Học sinh Trường Mầm non Họa Mi (TP. Buôn Ma Thuột) tập thể dục đầu ngày. |
Bà Nguyễn Vũ Hoài Thu, Hiệu trưởng Trường Mầm non Họa Mi tâm sự, nhà trường đã xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử văn hóa theo quy định của Bộ GD-ĐT nhằm cụ thể các nội dung quy tắc ứng xử và tổ chức triển khai thực hiện quy định này tại trường nhằm đảm bảo an toàn về mặt tâm lý cho trẻ và trẻ thường xuyên được giao tiếp, thể hiện mối quan hệ thân thiện giữa trẻ với những người xung quanh. Trong đó, tổ chức sinh nhật cho trẻ tại lớp là một trong những hoạt động được tổ chức thường niên theo nhu cầu và sự phối hợp chặt chẽ giữa phụ huynh và giáo viên. Hoạt động này tạo mối quan hệ gắn bó, thân thiết giữa cô với trẻ, giữa trẻ với trẻ, giúp trẻ cảm nhận được sự yêu thương của cô giáo, sự quan tâm của bạn bè đối với mình; từ đó tạo dựng được lòng tin đối với trẻ, khiến trẻ không sợ hãi mỗi khi đến lớp, ngược lại còn yêu thích đến trường.
Theo bà Võ Thị Phượng, Phó Trưởng Phòng Giáo dục tiểu học – Giáo dục mầm non (Sở GD-ĐT), tùy vào đặc điểm cá nhân từng trẻ mà mỗi em có những sở thích khác nhau. Các cơ sở giáo dục cần xây dựng kế hoạch riêng, cũng như có sự điều chỉnh, thay đổi kế hoạch phù hợp để giáo dục trẻ. Tuy nhiên, việc xây dựng không gian xanh, tạo môi trường mát mẻ, trong lành, an toàn là hướng đi chung trường học nào cũng cần để đáp ứng nhu cầu gửi gắm của phụ huynh là chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo vệ trẻ.
Thanh Hường
Ý kiến bạn đọc