Multimedia Đọc Báo in

Lại chuyện… “con nhà người ta”!

15:48, 05/06/2023

Sau cuộc họp phụ huynh, con gái tôi mặt buồn thiu kể: “Bạn T. với bạn Tr. nghỉ chơi với con rồi”.

Hỏi ra mới biết chuyện là sau khi họp phụ huynh về, nhận được kết quả học tập của con mình không như mong đợi, mẹ các bạn so sánh tại sao chơi với bạn (tức là con gái tôi) mà không học được gì, con người ta giỏi vậy sao con mình dốt thế (cả lớp chỉ có 4 học sinh được xếp loại học tập ở mức Tốt, trong đó có con tôi). Vì bị so sánh với bạn, bị la mắng nên các bạn đó giận, nghỉ chơi con tôi luôn.

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Cứ tưởng là chuyện mâu thuẫn, xích mích giữa các con nhưng hóa ra lại là chuyện so sánh “con nhà người ta” của phụ huynh. Câu nói so sánh sao con không được như “con nhà người ta” đã gây ám ảnh nhiều thế hệ học sinh sau mỗi cuộc họp phụ huynh. Thực ra câu chuyện bị so sánh với “con nhà người ta” không quá xa lạ với mỗi người. Đứa trẻ nào cũng từng bị cha mẹ so sánh sao không học giỏi như con nhà A, không ngoan ngoãn như con nhà B… Những lời so sánh đó làm bất cứ đứa trẻ nào cũng thấy buồn, rồi tự dưng thấy ghét cái đứa “điển hình tiên tiến” kia và lắm khi ước ao sao ba mẹ không nhận đứa kia mà nuôi rồi cho mình sang nhà khác! Những sự so sánh này được nói đến nhiều nhất sau mỗi lần họp phụ huynh hoặc lúc có đông đủ cả nhà, ngày lễ, tết.

Cha mẹ nào mà không thương con, so sánh con mình với con người khác cũng chỉ để con mình tiến bộ hơn. Nhưng sự so sánh đó đã vô tình làm tổn thương con mình mà đứa trẻ được đưa ra làm "tấm gương" cũng chẳng sung sướng gì. Khả năng, năng lực của mỗi người là khác nhau nên kết quả học tập hay mức độ thành công trong công việc chẳng ai giống ai. Sẽ thật vô lý nếu mọi đứa trẻ đều học giỏi giống nhau, thi ca nhạc họa xuất sắc như nhau. Ngay cả phụ huynh cũng có giống nhau trăm người như một đâu mà lại yêu cầu con mình phải giỏi như “con nhà người ta”.

Những lời nói đôi khi còn sắc hơn dao, có thể làm tổn thương rất lớn, thậm chí sẽ trở thành nỗi ám ảnh, nỗi đau cho đến khi đứa trẻ đã trưởng thành. Vì vậy, cha mẹ cần thận trọng mỗi khi phê bình, mắng mỏ con cái; hãy xem mỗi đứa trẻ là một bản thể riêng biệt, đừng so sánh con mình với “con nhà người ta”!

Bình An


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.