Multimedia Đọc Báo in

Huyện Krông Búk: Nâng “chất” phổ cập giáo dục

08:29, 22/09/2023

Xác định công tác phổ cập giáo dục (PCGD) là nhiệm vụ quan trọng, những năm qua ngành giáo dục huyện Krông Búk đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập ở các cấp học.

Trường Mầm non Sơn Ca (xã Cư Pơng) tiếp nhận trẻ của 5 buôn: Cư Bang, Cư Juôt, Adrơng Điết, Ayun Ea Liăng, Adrơng Ea Kram… Đây là những buôn khó khăn của xã, giao thông đi lại không thuận lợi, nhiều gia đình sống ở rẫy, nhưng trường luôn là điểm sáng trong công tác duy trì tỷ lệ 100% trẻ 5 tuổi ra lớp.

Để đạt kết quả này, hằng năm nhà trường phối hợp với thành viên Ban Chỉ đạo PCGD xã rà soát danh sách trẻ trong độ tuổi đến trường ở các buôn để duy trì hiệu quả kết quả PCGD mầm non cho trẻ 5 tuổi, cũng như hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm mỗi năm học đề ra. Cô Dương Thị Sen, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, vào đầu năm học, trẻ vắng khá nhiều, sau giờ trả trẻ mỗi ngày, giáo viên đến tận nhà vận động phụ huynh đưa con tới trường. Đối với trẻ 5 tuổi sinh sống tại địa phương nhưng phụ huynh đăng ký học nơi khác vẫn được nhà trường bổ sung trong danh sách phổ cập, sau đó tiến hành xác minh nhằm đảm bảo 100% trẻ 5 tuổi được ra lớp.

Đại diện Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT kiểm tra cơ sở vật chất tại Trường Tiểu học Y Ngông (xã Cư Né, huyện Krông Búk).

Đối với bậc tiểu học (TH), công tác PCGD đúng độ tuổi cũng được các trường triển khai có hiệu quả, như: tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; tăng thời lượng dạy học, dạy phụ đạo cho học sinh dân tộc thiểu số yếu tiếng Việt; vận động học sinh ra lớp, duy trì sĩ số; nâng cao trách nhiệm xã hội trong việc đưa trẻ đến trường… Nhờ đó, số trẻ 6 tuổi (SN 2016) được huy động vào lớp 1 đạt 100%; có 89,46% trẻ 11 tuổi và hơn 95,67% trẻ đến 14 tuổi hoàn thành chương trình TH. Đặc biệt, 46 trẻ khuyết tật (100%) trong độ tuổi có khả năng học tập được tiếp cận giáo dục.

Ở bậc THCS, năm 2022 học sinh lớp 9 tốt nghiệp THCS (hệ 2) đạt 100%; có 96,4% thanh thiếu niên 15 - 18 tuổi có bằng tốt nghiệp THCS; thanh thiếu niên từ 15 - 18 tuổi đã và đang học chương trình giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên cấp THPT, giáo dục nghề nghiệp đạt 93,18%. Hiện, có 5/7 xã, thị trấn của huyện được công nhận PCGD THCS mức độ 3...

 

Năm 2022, huyện Krông Búk được tỉnh công nhân đạt chuẩn PCGD mầm non cho trẻ 5 tuổi; đạt chuẩn PCGD TH, THCS mức độ 2.

Dù đạt được kết quả khả quan, song theo lãnh đạo Phòng GD-ĐT huyện, công tác PCGD THCS là một trong những thách thức lớn với ngành giáo dục địa phương, bởi địa bàn rộng, số lượng học sinh đông, nhiều em là lao động chính trong nhà, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, kinh phí thực hiện phổ cập còn hạn chế…

Xác định rõ nguyên nhân, ngành giáo dục huyện đã chỉ đạo các trường THCS thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp; trong đó chú trọng nâng cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện tốt công tác phối hợp giữa nhà trường, địa phương, phụ huynh. Cụ thể hóa mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, từ tập trung trang bị kiến thức sang phát triển phẩm chất, năng lực học sinh, bảo đảm hài hòa giữa dạy chữ, dạy người, định hướng nghề nghiệp…

Đơn cử, tại Trường THCS Phan Đình Phùng (xã Cư Kbô), giáo viên đã chủ động tìm tòi, sử dụng âm thanh, hình ảnh, các trò chơi trí tuệ… đưa vào môn học giúp học sinh dễ dàng tiếp thu kiến thức, hứng thú tới trường. Đồng thời, tăng cường phối hợp với các lực lượng vận động học sinh bỏ học tiếp tục đi học; giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn…, nhờ đó năm 2022 trường đạt chuẩn PCGD mức độ 3.

Tiết học văn hóa địa phương của học sinh Trường THCS Ngô Gia Tự (xã Cư Pơng, huyện Krông Búk). Ảnh: Hà Anh

Thực hiện hiệu quả công tác PCGD THCS, ngoài các nhà trường, cấp ủy, chính quyền địa phương cũng đã vào cuộc quyết liệt, quan tâm tùy vào điều kiện thực tế. Ông Y Huấn Mlô, Phó Chủ tịch UBND xã Cư Né cho hay, UBND xã đã kiện toàn Ban Chỉ đạo PCGD, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Đồng thời, tổ chức điều tra, cập nhật số liệu, tự kiểm tra, hoàn thiện hồ sơ cấp xã đảm bảo quy trình, thời gian theo quy định; cũng như gắn trách nhiệm cho từng thành viên Ban Chỉ đạo đối với công tác theo dõi, nắm bắt, huy động học sinh ra lớp; đặc biệt là học sinh cấp THCS.

Ông Nguyễn Đình Khả, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện cho hay, năm 2023 và các năm tiếp theo, huyện đặt mục tiêu tiếp tục duy trì vững chắc và nâng cao chất lượng các tiêu chuẩn PCGD. Phấn đấu tỷ lệ huy động số thanh thiếu niên trong các độ tuổi đi học đúng tuổi và được lên lớp từ 97,5% trở lên. Tỷ lệ bỏ học hằng năm không quá 2%; phấn đấu 100% học sinh cuối cấp hoàn thành chương trình và tốt nghiệp bậc học. 7/7 xã, thị trấn đều giữ vững và nâng cao kết quả đạt chuẩn PCGD.

Để nâng cao chất lượng PCGD, ngành giáo dục huyện sẽ tiếp tục tham mưu với các cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác quản lý, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ; trong đó cán bộ quản lý các nhà trường là lực lượng nòng cốt trong việc hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra. “Ngoài tiếp tục khơi dậy phong trào toàn xã hội quan tâm và tham gia vào sự nghiệp giáo dục để động viên, ủng hộ, giám sát công tác giáo dục, qua đó xây dựng xã hội học tập để đẩy mạnh công tác PCGD, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, ngành giáo dục huyện đặc biệt chú trọng PCGD cho đồng bào dân tộc thiểu số, người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, người khuyết tật”, ông Khả nhấn mạnh.

Hoàng Ân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.