Khoảng trống trong đào tạo giáo viên THCS
Sinh viên đại học ngành sư phạm đi thực tập ở trường THPT, tìm hiểu kỹ sách giáo khoa THPT, thực hành soạn giáo án chương trình THPT, nhưng tốt nghiệp xong lại đi dạy ở trường THCS. Vì sao sinh viên đại học sư phạm lại không đi thực tập ở ngay trường THCS? Phải chăng đây là một khoảng trống trong đào tạo giáo viên cho bậc THCS kể từ khi áp dụng Luật Giáo dục 2019?
Điều 77 Luật Giáo dục năm 2005 quy định về trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo như sau: Có bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm đối với giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học; Có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm hoặc có bằng tốt nghiệp cao đẳng và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đối với giáo viên THCS; Có bằng tốt nghiệp đại học sư phạm hoặc có bằng tốt nghiệp đại học và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đối với giáo viên THPT.
Tiết học tích hợp của học sinh lớp 8, Trường Tiểu học -THCS & THPT Victory. Ảnh minh họa: Nguyễn Vũ |
Theo đó, việc đào tạo giáo viên THCS thuộc về các trường cao đẳng sư phạm, các trường đại học sư phạm đào tạo giáo viên THPT. Trong chương trình đào tạo, sinh viên cao đẳng sư phạm đi thực tập ở trường THCS, sinh viên đại học sư phạm được nghiên cứu kỹ về tâm lý lứa tuổi, sách giáo khoa, soạn giáo án và đi thực tập ở trường THPT.
Tuy nhiên, khi Luật Giáo dục 2019 đã có hiệu lực thi hành thì việc tổ chức đào tạo sinh viên đại học sư phạm lại chưa có sự điều chỉnh kịp thời cho phù hợp.
Luật Giáo dục năm 2019 thay thế Luật Giáo dục năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục năm 2009 gồm 9 chương, 115 điều. Trong đó, đáng chú ý, điều 72 quy định về trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo như sau: Có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên đối với giáo viên mầm non; Có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên đối với giáo viên tiểu học, THCS, THPT. Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.
Như vậy, Luật Giáo dục 2019 đã nâng chuẩn giáo viên THCS là cử nhân đại học sư phạm. Vì vậy, giáo viên THCS cần phải được đào tạo toàn diện, bài bản, chính quy 4 năm để có đủ kiến thức, phẩm chất và năng lực để hoàn thành nhiệm vụ giáo dục cấp học của mình. Tuy nhiên, tại các trường đại học, sinh viên sư phạm hiện vẫn được đào tạo đơn môn, chương trình đào tạo gắn với chương trình, sách giáo khoa bậc THPT, vẫn đi kiến tập và thực tập tại trường THPT. Vì thế, khi những sinh viên đại học sư phạm này tốt nghiệp và trở thành giáo viên dạy THCS, họ vừa thiếu hụt những tri thức cơ bản của cấp học này, vừa bỡ ngỡ trong công việc, chưa nắm bắt được tâm lý học sinh lứa tuổi 11 - 14.
Có thể nói rằng, trường đại học sư phạm đã chú trọng đến đào tạo giáo viên THPT một cách chính quy, bài bản. Việc đào tạo giáo viên THPT đơn môn như toán, vật lý, hóa học, sinh học, tin học, ngữ văn, lịch sử, địa lý, giáo dục chính trị, thể dục... là phù hợp với cách thức tổ chức dạy học ở trường THPT. Việc tổ chức cho sinh viên đi thực tập ở trường THPT là phù hợp với vị trí việc làm sau tốt nghiệp: giáo viên THPT. Tuy nhiên, khi các trường đại học đào tạo giáo viên THCS thì chương trình đào tạo phải được điều chỉnh để phù hợp với nhiệm vụ trong tình hình mới. Sinh viên sư phạm cần được sớm làm quen với đối tượng học sinh, chương trình, sách giáo khoa cấp học mà mình sẽ giảng dạy ngay từ khi còn học tập trong trường đại học thay vì đợi sau khi tốt nghiệp mới thực hiện.
Bình An
Ý kiến bạn đọc