Nâng cao hiệu quả giáo dục pháp luật cho học sinh
Những năm qua, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong trường học được ngành giáo dục đặc biệt chú trọng.
"Mềm hóa" kiến thức pháp luật
Theo đánh giá của ngành giáo dục, công tác thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật được thực hiện theo từng cấp học một cách ngắn gọn, dễ hiểu, sinh động, bám sát đặc điểm, điều kiện thực tế ở địa phương và phù hợp với tâm lý, nhận thức của từng lứa tuổi học sinh.
Đơn cử như ở bậc mầm non, việc giáo dục pháp luật thực hiện thông qua hình thức giới thiệu về luật và tổ chức các trò chơi để trẻ tham gia theo phương pháp “học mà chơi, chơi mà học”: nhanh tay nhanh mắt nhận diện vạch kẻ đường, tín hiệu đèn giao thông; ghi nhớ số điện thoại khẩn cấp; học theo chuyên đề với tranh, ảnh, phim minh họa…
Cán bộ Công an huyện Krông Pắc hướng dẫn học sinh Trường Tiểu học Trần Quốc Tuấn thực hành kỹ năng sử dụng bình chữa cháy mini. |
Ở bậc tiểu học, giáo dục pháp luật qua môn Tự nhiên và Xã hội, hoạt động trải nghiệm, hoạt động ngoại khóa, chuyên đề...
Đơn cử như cuối tháng 9 vừa qua, Trường Tiểu học Trần Quốc Tuấn (huyện Krông Pắc) đã phối hợp với Công an huyện tổ chức Chuyên đề giáo dục kỹ năng sống “Kỹ năng thoát hiểm và các biện pháp phòng cháy chữa cháy (PCCC), phòng, chống đuối nước, an toàn giao thông và bạo lực học đường”.
Toàn thể cán bộ, giáo viên và học sinh của trường đã được nắm bắt một cách có hệ thống những nội dung cơ bản về lĩnh vực này và được thực hành các kỹ năng liên quan đến chuyên đề như: cách sử dụng bình chữa cháy xách tay dập tắt đám cháy, kỹ năng thoát nạn trong đám cháy; kỹ năng sơ, cấp cứu người bị đuối nước; nhận diện và cách thức xử lý khi bị bạo lực học đường…
Theo Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) của ngành giáo dục năm 2023, toàn ngành đa dạng hóa các hình thức PBGDPL trong nhà trường; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin gắn với hoạt động chuyển đổi số, xây dựng hệ thống thông tin PBGDPL; lồng ghép hoạt động PBGDPL với các cuộc vận động, hoạt động ngoại khóa... |
Ở bậc trung học, giáo dục pháp luật trở thành một môn học chính khóa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và đan xen vào các hoạt động ngoại khóa của trường, lớp, các cuộc thi…
Tại Trường THPT Hồng Đức (TP. Buôn Ma Thuột), việc giáo dục pháp luật được thực hiện một cách có hệ thống từ dạy học đến thông tin, tuyên truyền và thực thi tại trường. Nhà trường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền thông qua website của trường, trang thông tin Công đoàn trường, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; sinh hoạt theo chủ đề bằng hình thức sân khấu hóa; tổ chức cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, phụ huynh, học sinh ký cam kết không vi phạm pháp luật…
Thầy Nguyễn Văn Hùng, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho hay, nhà trường còn phối hợp với UBND các xã, phường nơi học sinh của trường sinh sống để ký biên bản phối hợp về công tác giáo dục pháp luật; phối hợp xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật có liên quan tới học sinh của trường…
Thách thức từ thực tế
Với nội dung thiết thực, cách thức đa dạng, việc giáo dục pháp luật cho học sinh đã mang lại hiệu quả rõ rệt, nhiều em trở thành những tuyên truyền viên về giáo dục pháp luật trong gia đình, xã hội. Tuy nhiên, công tác giáo dục pháp luật trong nhà trường vẫn còn những khó khăn, thách thức.
Thượng tá Phạm Văn Loan, Phó Trưởng Công an huyện Krông Pắc cho hay, mặc dù đơn vị thường xuyên phối hợp với ngành giáo dục huyện tổ chức giáo dục pháp luật cho học sinh nhưng vẫn ghi nhận các trường hợp học sinh vi phạm pháp luật như sử dụng xe phân khối lớn một cách tự phát (giấu phương tiện tại các tiệm sửa xe, nhà dân) nên nhà trường, gia đình không biết. Vừa qua, Công an huyện đã lập biên bản 4 trường hợp học sinh các trường THPT trên địa bàn vi phạm trật tự an toàn giao thông và mời gia đình lên phối hợp xử lý trên tinh thần tuyên truyền, nhắc nhở là chính…
Học sinh Trường THPT Hồng Đức tham gia phiên tòa giả định về chủ đề "Nói không với bạo lực học đường" do Đoàn trường phối hợp tổ chức. |
Mặt khác, việc phổ biến, giáo dục pháp luật cho học sinh vẫn đang tập trung vào các chủ đề, chủ điểm đã được nhà trường xây dựng theo kế hoạch đầu năm học, chưa có sự mở rộng, đa dạng nội dung theo nhu cầu, nguyện vọng của học sinh và tính thực tiễn của bối cảnh xã hội. Bản thân các cán bộ, giáo viên được giao nhiệm vụ triển khai, phổ biến kiến thức pháp luật nhưng vẫn còn thiếu kinh nghiệm thực tiễn; nguồn kinh phí dành cho các hoạt động giáo dục pháp luật còn hạn chế…
Thầy Nguyễn Văn Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hồng Đức trăn trở, sự tác động, ảnh hưởng từ những mặt trái của xã hội đối với lứa tuổi học sinh rất lớn. Thế nhưng một số gia đình chưa quan tâm đến công tác phối hợp với nhà trường để theo dõi, giáo dục học sinh, do đó vẫn còn tình trạng vi phạm như học sinh đi xe máy phân khối lớn, tham gia tại các tụ điểm gây mất trật tự, sử dụng các chất có độ gây nghiện (thuốc lá điện tử) ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tâm sinh lý, kết quả học tập…
Thanh Hường
Ý kiến bạn đọc