Multimedia Đọc Báo in

Xây dựng văn hóa đọc trong trường học

08:54, 12/11/2023

Các trường học đang nỗ lực đổi mới, đa dạng hóa hoạt động đọc sách trong trường học nhằm xây dựng văn hóa đọc cho học sinh.

Đa dạng hình thức xây dựng văn hóa đọc

Xác định việc hình thành thói quen đọc sách giúp học sinh có vốn sống tốt hơn, từng bước chủ động bồi đắp kiến thức nên những năm qua, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Tây Nguyên (TP. Buôn Ma Thuột) luôn dành sự quan tâm đối với việc phát triển văn hóa đọc trong trường. Hằng năm nhà trường đều bổ sung thêm sách, truyện để tạo nguồn sách phong phú cho thư viện.

Từ đầu năm học 2023 – 2024, trường đã đưa hệ thống thư viện mới, hiện đại với dàn máy tính kết nối mạng Internet, có điều hòa… vào sử dụng để phục vụ học sinh. Điều này đã đem đến những trải nghiệm mới, tiện nghi khi các em đến với thư viện để học tập.

Em Lê Đào Anh Thi (bìa trái), lớp 5B, Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai đọc sách cùng bạn tại thư viện trường.

Em Nguyễn Thị Vy Hoa, học sinh lớp 9A1, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Tây Nguyên bộc bạch: “Thư viện mới khang trang, tiện nghi hơn thư viện cũ. Do đó, em cùng các bạn thường đến thư viện đọc sách, truy cập Internet. Những hôm không học tại lớp theo thời khóa biểu thì chúng em thường lên thư viện để làm bài tập hoặc đọc truyện theo sở thích cá nhân”.

 Những năm học gần đây, Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai, xã Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột) phát triển mạnh phong trào đọc sách tại trường. Riêng năm học 2023 – 2024, trường đưa tiết Đọc thư viện vào thời khóa biểu toàn trường với thời lượng 1 tiết/tuần. Đồng thời, kiện toàn thư viện trường với 258 đầu sách các loại (hơn 4.000 cuốn) theo lứa tuổi học sinh tiểu học như: truyện tranh, truyện cổ tích, sách khoa học… Ngoài ra, mỗi lớp còn xây dựng góc thư viện riêng cuối lớp nhằm tạo môi trường gần gũi để học sinh tiếp xúc với sách, đọc sách ngay tại lớp học.

 

Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai các chương trình số hóa thư viện, đưa thư viện về vùng sâu với các hoạt động đọc sách, vẽ tranh, tô tượng… để thu hút sự quan tâm của học sinh đối với sách. Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với Hội Khuyến học tỉnh phát triển trung tâm học tập cộng đồng ở các xã, thị trấn nhằm phát triển văn hóa đọc từ trường học ra cộng đồng”.

 
Ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở GD-ĐT

Em Lê Đào Anh Thi, lớp 5B, Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai thổ lộ: “Điều kiện gia đình còn khó khăn nên ba mẹ chỉ mua sắm sách giáo khoa cho em đi học, gần như không mua sách truyện, sách tham khảo. Do đó, hằng ngày em cùng các bạn trong lớp thường đến thư viện trường để đọc sách vào giờ ra chơi; mượn sách về đọc tại lớp và trả sách về thư viện vào cuối buổi theo hướng dẫn của cô thủ thư”.

Bên cạnh phát huy hiệu quả vai trò của thư viện thì các trường còn phối hợp với doanh nghiệp, tổ chức thiện nguyện, Thư viện tỉnh triển khai các hoạt động liên quan đến văn hóa đọc như: Chương trình Xe thư viện “Ánh sáng tri thức”; xây dựng thư viện thân thiện với các tiết đọc sách trên sân trường; mục mỗi tuần một cuốn sách hay trong tiết chào cờ đầu tuần…

Cần bổ sung sách thường xuyên

Đọc sách luôn là một thói quen tốt, ý nghĩa, đặc biệt là đối với học sinh bởi nó giúp các em lĩnh hội những giá trị văn hóa, hiểu biết về xã hội, phát triển kỹ năng giao tiếp, tiếp nhận tri thức có chọn lọc, từng bước hình thành nhân cách. Việc đọc sách thường xuyên sẽ tạo dựng được thói quen lành mạnh, giúp học sinh tránh tiếp xúc sớm với thiết bị điện tử, nhất là khi trên mạng xã hội tràn lan các thông tin lệch lạc, phiến diện. Ngoài ra, đọc sách cũng là một trong những hoạt động, điều kiện quan trọng mà ngành giáo dục hướng tới nhằm thực hiện hiệu quả việc đổi mới phương pháp dạy - học (phát huy năng lực tự học của học sinh) theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Theo kinh nghiệm của các cơ sở giáo dục, để duy trì và phát triển văn hóa đọc trong trường học thì các em cũng cần sự kết nối, gợi mở của giáo viên và sự trợ lực từ phía gia đình. Cụ thể là sự tương tác đa chiều giữa giáo viên và học sinh, phụ huynh: giáo viên đọc sách làm gương, định hướng cho học sinh lựa chọn sách để đọc; học sinh tìm hiểu và làm theo hướng dẫn của giáo viên; phụ huynh đồng hành cùng con thông qua việc xây dựng góc học tập kết hợp đọc sách tại nhà, dẫn con tới nhà sách, thư viện, trung tâm học tập cộng đồng… để các em mượn sách về đọc. Để thực hiện tốt điều này,  phải có nguồn sách phong phú, đa dạng, cập nhật thường xuyên.

Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Tây Nguyên, TP. Buôn Ma Thuột truy cập Internet tại Thư viện trường.

Cô Phạm Nguyễn Miên An, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai cho hay, lợi thế của trường là đứng chân ở vùng ven thành phố nên học sinh ít chịu sự tác động của các phương tiện điện tử thông minh; trường có nhiều học sinh ham đọc sách, thường xuyên lên thư viện trường mượn sách, truyện về lớp đọc và điều này đã tác động trực tiếp tới các học sinh còn lại trong lớp, trong trường… Nhưng để phát triển và duy trì thói quen đọc sách, hướng đến xây dựng văn hóa đọc trong trường cần nguồn sách phong phú nhằm thu hút học sinh, bởi nếu đến thư viện thường xuyên mà không có sách mới để đọc thì sự ham đọc sách cũng mai một theo thời gian.

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.