Một đời tận tụy với sự nghiệp “trồng người”
Đã từng gắn bó với sự nghiệp "trồng người” 39 năm, thầy Văn Khả Chiếu (SN 1944, trú xã Phú Xuân, huyện Krông Năng) là một nhà giáo uy tín, tận tụy với nghề, giỏi về chuyên môn, say mê lao động, sáng tạo, cống hiến không biết mệt mỏi cho sự nghiệp giáo dục - đào tạo của địa phương.
Xuất thân từ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nhưng với mong muốn được cống hiến cho đất nước, thầy Chiếu đã quyết tâm thi đỗ tú tài một tại Trường Cao đẳng Sư phạm Long An và cái duyên đến với sự nghiệp “trồng người” của thầy cũng bắt đầu từ đây.
Học tú tài một được một năm, năm 1965 thầy được phân công dạy tại một trường tiểu học ở Sài Gòn (nay là TP. Hồ Chí Minh). Sau đó thầy tiếp tục học lớp đệ nhất và thi đỗ khóa thi tú tài hai. Vượt qua những khó khăn, vừa dạy vừa học, thầy đã hoàn thành chương trình Cử nhân Văn chương của Trường Đại học Văn khoa Sài Gòn.
Sau khi nhận bằng, thầy được điều động sang dạy và giữ chức vụ Hiệu trưởng tại một trường trung học ở thành phố này. Đến năm 1976, để nâng cao trình độ, thầy được cử đi học tại Trường Đại học Sư phạm Hồ Chí Minh.
Đến năm 1988, sau những đắn đo, thầy quyết định lên Đắk Lắk cùng gia đình và nhận nhiệm vụ giảng dạy tại Trường THCS Phú Xuân (xã Phú Xuân, huyện Krông Năng). Năm 1991, Trường Phổ thông cấp 2 - 3 Krông Năng (nay là Trường THPT Phan Bội Châu) được thành lập, thầy được mời về giảng dạy và giữ cương vị Hiệu trưởng. Tuy nhiên, vì hoàn cảnh gia đình, thầy đành phải từ chối và tiếp tục ở lại gắn bó với Trường THCS Phú Xuân đến khi về hưu.
Dù đã gần 80 tuổi nhưng thầy Văn Khả Chiếu vẫn say mê đọc sách. |
Kể về thời gian đó, thầy tâm sự: “Thời kỳ bao cấp, đường sá chưa được khai thông nên việc đi lại còn gian truân, thầy cùng các thầy cô giáo khác mỗi ngày phải vượt qua những vất vả, nguy hiểm để đưa các em học sinh đi tìm cái chữ. Cùng với đó là tình hình khó khăn chung của cả nước, lương của giáo viên chỉ được vài trăm đồng mỗi tháng, cả gia đình chỉ có một mình thầy có chế độ tem phiếu, trong khi phải nuôi bốn người con ăn học nên hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Để cải thiện tình hình đó, một buổi thầy đi dạy, buổi còn lại thầy phải phụ gia đình lo sản xuất kinh tế như trồng thêm khoai, sắn, bắp…”.
Khó khăn là vậy, nhưng mỗi buổi sáng đến lớp, thấy học trò đã chờ sẵn dưới mái hiên, mọi mệt nhọc trong thầy đều tan biến. Thời điểm đó, lớp học còn đơn sơ, cơ sở vật chất phục vụ dạy học thiếu thốn, phải xin những tờ lịch cũ để cắt dán chữ, số làm tài liệu minh họa cho bài dạy thêm phần sinh động. Sau mỗi tiết học, thầy lại dành thời gian tâm sự, trao đổi thêm với học sinh về bài học cũng như những chuyện về cuộc sống đời thường để thầy trò thêm gần gũi. Không chỉ dạy môn Văn, với kiến thức tiếng Anh, thầy luôn sẵn sàng hỗ trợ học sinh tiếp cận với môn học này.
Đến nay, dù đã nghỉ hưu nhưng các trường học trên địa bàn vẫn mời thầy Chiếu tham dự và chấm điểm mỗi khi tổ chức chuyên đề về văn học. Với năng lực và uy tín của mình, nhiều trung tâm, trường tư đã mời thầy về làm quản lý và tham gia giảng dạy cho học sinh nhưng vì tuổi cao, sức yếu nên thầy đã từ chối. Hiện thầy chỉ tham gia một số hội, đoàn thể phù hợp và dành nhiều tâm huyết để viết nên những vần thơ, bởi theo thầy, thơ chính là niềm vui, là cầu nối giữa mình với mọi người xung quanh...
Với những đóng góp của mình, thầy nhận được rất nhiều huy hiệu, huân chương, bằng khen, giấy khen của các cấp, các ngành. Thầy cũng là một tấm gương tiêu biểu trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Dẫu vậy, với thầy, phần thưởng lớn nhất trong cuộc đời chính là được cống hiến cho sự nghiệp giáo dục và không có phần thưởng nào quý giá hơn đó là sự trưởng thành của bao thế hệ học sinh.
Ngọc Thùy
Ý kiến bạn đọc