Multimedia Đọc Báo in

Chuyện “an cư” cho nhà giáo

07:10, 22/11/2021

Cũng như mọi ngành nghề khác, nghề giáo cũng cần “an cư” để “lạc nghiệp”.

Vấn đề “an cư” của nhà giáo có nhiều khía cạnh, ở đây xin chỉ bàn đến vấn đề nhiệm sở - nơi công tác, giảng dạy. Giáo dục có lực lượng lao động lớn nhất so với các lĩnh vực khác, và nơi làm việc của nhà giáo – là trường học – rải đều khắp mọi địa bàn dân cư từ đô thị đến vùng biên giới xa xôi. Vì vậy vấn đề nhiệm sở luôn đặt ra với mỗi một sinh viên sư phạm khi tốt nghiệp ra trường.

Thế hệ chúng tôi ra trường từ những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước. Từ miền Bắc, từ đồng bằng chúng tôi được phân công vào Nam, lên Tây Nguyên nhận nhiệm vụ; lúc đó ít ai nghĩ đến việc tìm nơi công tác thuận lợi vì cứ nghĩ: sau 5 năm sẽ xin trở về đồng bằng, về quê nhà theo chính sách. Ngày đó giáo viên các cấp thiếu rất nhiều, nên ai nhận công tác ở đâu thường ở luôn đó. Cuối cùng thì “đất lành chim đậu”, số trở về quê để được gần gia đình, chăm lo cha mẹ già rất ít ỏi. Hầu hết đều “an cư lạc nghiệp” ở một nơi nào đó trên mọi miền của Tổ quốc.

Thầy trò Trường Tiểu học Đinh Núp (xã Ea Yiêng, huyện Krông Pắc) (Ảnh tư liệu)
Thầy trò Trường Tiểu học Đinh Núp, xã Ea Yiêng, huyện Krông Pắc. (Ảnh tư liệu)

Những thập niên về sau, đội ngũ giáo viên dần “bão hòa”, thậm chí có lúc dư thừa. Sinh viên tốt nghiệp không còn được nhà trường ra quyết định phân công nhiệm sở nữa mà phải tự đi xin việc, chỉ có một vài đối tượng diện ưu tiên (gia đình chính sách, tốt nghiệp loại giỏi…) được quan tâm trước; sau này còn có thi công chức, nói gì đến việc chọn địa bàn. Trong khi đó nơi thiếu giáo viên vẫn là những vùng khó khăn, nên càng không thể có sự lựa chọn nơi thuận lợi theo ý muốn. Có nhiều câu chuyện về những giáo viên có gia đình cư trú ở huyện này nhưng phải sang ở trọ huyện khác để dạy học; con cái, nhà cửa để lại cho chồng/vợ trông nom, cuối tuần mới được về.

Hằng năm, ngành giáo dục thường phải “đau đầu” giải quyết những trường hợp giáo viên xin thuyên chuyển để hợp lý hóa gia đình. Đơn thì nhiều nhưng tỷ lệ giải quyết được rất ít. Nguyên nhân có nhiều như: Trường đi thì còn thiếu giáo viên, trường muốn đến thì đang thừa; rồi thì vấn đề biên chế, quỹ lương… Nhiều người đã phải chuyển dịch dần từ xa đến xa ít rồi mới về được gần nhà.

Với đặc thù nghề nghiệp, việc được dạy học gần nhà là may mắn lớn đối với các thầy cô giáo, là điều kiện để nâng cao chất lượng giảng dạy, mà thực tế qua tình hình dịch bệnh COVID-19 phải dạy học trực tuyến đã chứng minh điều đó. Ước muốn lớn nhất của các thầy cô là mong “bộ chỉ huy” ngành ở tầm vĩ mô có khả năng điều tiết nhân sự quan tâm hơn nữa đến vấn đề “an cư”.

Được biết, nhiều nơi đã bắt đầu thấy được tầm quan trọng của “an cư” đối với nhà giáo. Như ở tỉnh Quảng Bình, để chuẩn bị cho năm học mới 2021 - 2022, từ cuối năm học 2020 - 2021, Sở Giáo dục - Đào tạo đã thông báo cho phòng giáo dục - đào tạo các huyện, thị, thành phố trong tỉnh tổng hợp các trường hợp giáo viên có nguyện vọng chuyển công tác về gần gia đình để Sở xem xét giải quyết.

Sự quan tâm thật đáng trân trọng vì xuất phát từ sự chủ động của chính “bộ tư lệnh” ngành.

Thế Nhân


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.