Multimedia Đọc Báo in

Ngày hội STEM - Vui sáng tạo, thỏa đam mê

08:38, 06/03/2024

Lần thứ hai được tổ chức, Ngày hội STEM cấp tiểu học (TH) và trung học cơ sở (THCS) tỉnh Đắk Lắk năm 2024 (gọi tắt là Ngày hội) vừa diễn ra tại huyện Krông Pắc đã mang đến không khí sôi nổi, hào hứng. Qua đó giúp học sinh thỏa sức sáng tạo, khám phá, kết nối những kiến thức đã học với thực tiễn cuộc sống.

Thỏa sức sáng tạo

Với chủ đề "Giáo dục STEM - Vui sáng tạo, thỏa đam mê", Ngày hội thu hút 131 sản phẩm STEM của 269 học sinh đến từ 128 trường TH, THCS trên địa bàn tỉnh tham gia trưng bày và giới thiệu, tạo nên bức tranh đa sắc màu, thể hiện khả năng sáng tạo của học sinh.

Hai em Huỳnh Phúc Tú và Trịnh Quốc Khánh (học sinh lớp 9, Trường THCS Ngô Mây, xã Ea M'droh, huyện Cư M’gar) mang đến sản phẩm STEM “Xe cứu hộ AI”. Sản phẩm xây dựng mô phỏng một xe có thể tự vận hành để cứu hộ cháy rừng, trồng cây xanh với trí tuệ nhân tạo. Đây là kết quả của quá trình vận dụng những kiến thức ở môn Tin học và Toán học.

Em Trịnh Quốc Khánh chia sẻ, thông qua dự án xe cứu hộ trí tuệ nhân tạo giúp em tìm hiểu về trí tuệ nhân tạo, cách huấn luyện mô hình trí tuệ nhân tạo. Qua nhiều lần thử nghiệm và xây dựng chương trình lập trình, các em đã hoàn thiện sản phẩm. Sản phẩm đoạt giải Ba tại Ngày hội là động lực giúp em cố gắng tìm tòi, học hỏi để rèn luyện và nâng cao kiến thức.

Hai em Huỳnh Phúc Tú và Trịnh Quốc Khánh (học sinh lớp 9, Trường THCS Ngô Mây, xã Ea M'droh, huyện Cư M’gar) thuyết trình về sản phẩm STEM “Xe cứu hộ AI” tại Ngày hội.

Trong khi đó, xuất phát từ thực tiễn, nhận thấy môi trường sống của con người và các loài động thực vật đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ rác thải, hai em Nguyễn Thành Vinh và Trần Châu Anh (lớp 3D, Trường TH Trần Quốc Tuấn, huyện Krông Pắc) đã chế tạo sản phẩm “Thùng rác thân thiện”.

Thùng rác làm từ những vật liệu tái chế, được lắp bánh xe, có ba ngăn, ở ngoài mỗi ngăn sơn một màu khác nhau để tạo ấn tượng và giúp người dùng có thể dễ dàng phân loại rác. Được biết, các em đã vận dụng các kiến thức được học từ các môn Toán, Mỹ thuật, hoạt động trải nghiệm thực hành bảo vệ môi trường để tạo ra sản phẩm.

 

Theo giáo viên dạy học theo chủ đề STEM, đối với hoạt động STEM cần tạo ra sự thoải mái, sôi nổi, giúp giải phóng học sinh ra khỏi khuôn khổ lý thuyết nhàm chán. Từ đó rèn luyện cho học sinh các kỹ năng như: làm việc nhóm, phân tích, tổng hợp, thuyết trình, tiếp xúc và sử dụng các loại dụng cụ...

Trong hai ngày diễn ra Ngày hội, học sinh các trường đã tự tin thuyết trình về sản phẩm của mình; đồng thời có cơ hội tham quan, khám phá, trải nghiệm sản phẩm STEM. Theo đánh giá của Ban tổ chức, các sản phẩm tham dự Ngày hội phong phú, đa dạng.

Nhiều sản phẩm có tính sáng tạo, vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết các vấn đề thực tiễn. Bên cạnh đó, nhiều đơn vị đầu tư trang trí gian trưng bày đẹp, đồng thời thể hiện được nét đặc trưng của mỗi địa phương, nhà trường.

Em Huỳnh Phúc Tú (Trường THCS Ngô Mây, xã Ea M'droh, huyện Cư M’gar) bộc bạch: Tham gia Ngày hội, em rất ấn tượng, thấy được sự sáng tạo của các bạn qua sản phẩm STEM. Không chỉ vậy, đây còn là cơ hội để học sinh các trường làm quen, giao lưu học hỏi, tạo nên một Ngày hội hết sức ý nghĩa.

Nâng cao chất lượng giáo dục STEM

Theo Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Đỗ Tường Hiệp, qua ba năm học thực hiện, giáo dục STEM đã được triển khai đến các trường trung học và đã đạt được những kết quả tích cực.

Các trường đã triển khai dạy học các môn học thuộc lĩnh vực giáo dục STEM theo tinh thần dạy học tích hợp nội môn, liên môn. Các tổ/nhóm chuyên môn tích cực xây dựng các chủ đề giáo dục STEM, lồng ghép trong các tiết học chính khóa. Chủ đề lựa chọn phong phú, thiết thực, mang lại hứng thú học tập cho học sinh.

Đối với cấp TH, giáo dục STEM tuy mới được triển khai đầu năm học 2023 - 2024 nhưng các trường đã tổ chức thực hiện bài học STEM bám sát yêu cầu các môn học, hoạt động giáo dục, chú ý đến yếu tố nghệ thuật, nhân văn. Bên cạnh đó, trong những năm qua, nhiều trường học và phòng giáo dục đã tổ chức thành công ngày hội STEM, các hoạt động trải nghiệm mang lại hiệu quả. Phong trào nghiên cứu khoa học trong các trường trung học trên địa bàn tỉnh luôn được quan tâm thúc đẩy, phát triển.

Bí thư Huyện ủy Krông Pắc Trần Hồng Tiến (bìa trái) và Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đỗ Tường Hiệp tham quan các gian trưng bày sản phẩm tại Ngày hội.

Trong khuôn khổ Ngày hội còn diễn ra hoạt động tổ chức các tiết dạy học theo chủ đề STEM thuộc hai cấp học TH và THCS. Các tiết dạy được chuẩn bị công phu, theo hướng mở, sinh động, hấp dẫn, được Ban tổ chức đánh giá cao.

Thầy Trịnh Giang Nam, giáo viên thực hiện tiết dạy theo chủ đề STEM (Trường THCS thị trấn Phước An, huyện Krông Pắc) cho hay, bài học STEM lớp 8 với nội dung “Mạch điện điều khiển sử dụng module cảm biến” được chuẩn bị kỹ lưỡng với sự tích hợp giữa các môn Công nghệ và Khoa học tự nhiên. Các học sinh tham gia tiết học theo hình thức nhóm. Ý tưởng về nội dung bài học được học sinh phát hiện, nghiên cứu từ thực tế, hướng đến việc xử lý khi quên tắt điện, tiết kiệm điện đối với trường học.

Tuy nhiên, việc triển khai giáo dục STEM trong các trường phổ thông hiện nay vẫn còn những khó khăn, hạn chế. Thẳng thắn nhìn nhận điều này, đại biểu dự Hội thảo “Tổ chức hoạt động giáo dục STEM đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông 2018 trong các trường TH và THCS” diễn ra trong khuôn khổ Ngày hội cũng đã đóng góp, chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục STEM trong nhà trường.

Có thể thấy, với một chuỗi hoạt động liên quan, Ngày hội STEM đã đem đến góc nhìn đầy đủ hơn cho giáo dục STEM. Qua đó, khơi dậy niềm đam mê, truyền động lực cũng như tạo sự lan tỏa đến mỗi trường học, giáo viên và học sinh trên địa bàn tỉnh.

Huyền Diệu


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.