Multimedia Đọc Báo in

Đa dạng hóa hình thức giáo dục STEM

08:21, 30/05/2024

Phương pháp giáo dục STEM được triển khai tại nhiều trường học trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột nhằm đem đến những trải nghiệm thú vị, tạo hứng thú học tập cho học sinh.

Từ trải nghiệm thực tế đến nghiên cứu khoa học

Trung tuần tháng 5 vừa qua, hơn 1.000 học sinh của Trường Tiểu học Nguyễn Công Trứ đã được tham gia Ngày hội STEM năm học 2023 – 2024 với chủ đề “Khơi nguồn sáng tạo”. Dưới sự hỗ trợ, hướng dẫn của giáo viên, các học sinh đã tận dụng những nguyên vật liệu từ đồ phế thải trong đời sống hằng ngày để tái chế ra các sản phẩm STEM cụ thể trưng bày tại gian hàng của khối lớp mình. Đơn cử như khối lớp 1 có các sản phẩm là dụng cụ gấp quần áo, đèn giao thông, xe tải, máy bay; khối lớp 3 xây dựng sơ đồ về các thế hệ trong gia đình, biểu đồ thực phẩm, mô hình các dạng địa cầu trên trái đất; khối lớp 5 có nhà sàn, mô hình nhà vườn…

Theo đánh giá của nhà trường, mỗi sản phẩm STEM đều chứa một thông điệp cụ thể, như "Cây gia đình" giúp người xem định hình được vị trí của từng thành viên trong gia đình, họ hàng để chuyển tải thông điệp “Hiểu đúng, xưng hô đúng giúp nuôi dưỡng tình cảm yêu thương, gắn kết trong gia đình, họ hàng”; sản phẩm cây xanh, đồ dùng học tập, thùng rác tái chế đem đến thông điệp "Vì hành tinh xanh", "Hãy bỏ rác đúng nơi quy định"…

Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Công Trứ tham gia Ngày hội STEM tại trường.

Tương tự, học sinh Trường THCS Phan Bội Châu cũng có những trải nghiệm bổ ích khi tham gia nghiên cứu khoa học ngay tại trường. Cụ thể là dự án “Quy trình tạo dung dịch bảo quản trái cây tươi từ củ cây sâm đất và vitamin C” của em Nguyễn Xuân Nhi và Nguyễn Phan Bảo Ngân (khối 9) đã đoạt giải Nhất tại Cuộc thi Khoa học kỹ thuật – Khởi nghiệp dành cho học sinh trung học năm học 2023 - 2024 do Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức đầu tháng 2/2024. Theo đó, dung dịch bảo quản trái cây tươi từ chất pectin sử dụng các nguyên liệu sẵn có, dễ tìm tại địa phương là củ cây sâm đất được trồng phổ biến ở huyện Ea Súp, vitamin C; sản phẩm làm ra có nguồn gốc rõ ràng, an toàn cho người dùng, dễ sử dụng, chi phí phù hợp.

 

“Giáo dục STEM là một trong những phương pháp giáo dục theo hướng phát triển năng lực học sinh. Khi triển khai phương pháp này, nhà trường luôn khuyến khích giáo viên tích hợp thêm yếu tố nghệ thuật, nhân văn nhằm nâng cao hiệu quả của giáo dục thực hành, hợp tác để thúc đẩy tính sáng tạo, thẩm mỹ, trí tò mò và sự thấu cảm của học sinh” - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Công Trứ Vũ Thị Minh Hằng.

Em Nguyễn Xuân Nhi cho hay, ý tưởng thực hiện dự án xuất phát từ thực tế em đi chợ cùng mẹ và thấy trái cây mùa nóng nhanh hỏng, thời gian bảo quản ngắn, nhất là chuối và xoài, làm ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế của tiểu thương. Em cùng bạn lên mạng tìm hiểu thấy nhiều công trình nghiên cứu của các nhà khoa học liên quan đến bảo quản trái cây có chất pectin. Pectin có trong các loại củ có chất nhờn, trong đó có cây sâm đất đang được trồng khá phổ biến tại quê em (huyện Ea Súp) nên em đã đề xuất với cô giáo bộ môn về dự án này.

Em Nguyễn Phan Bảo Ngân chia sẻ thêm, tháng 6/2023 nhóm bắt đầu thực hiện dưới sự trợ giúp của giáo viên hướng dẫn và người nhà để hoàn thiện quy trình: xay nhỏ củ sâm đất tươi để ngâm với chanh; sau đó lọc lấy nước cốt và cô đặc, tạo kết tủa bằng cồn; sấy sản phẩm kết tủa để thu bột pectin… Khi có bột pectin thì pha với nước thành dung dịch và thử nghiệm bảo quản trên quả chuối.

Chọn hình thức phù hợp với lứa tuổi học sinh

Việc triển khai phương pháp giáo dục STEM trong trường học là cách thức phổ biến để đưa kiến thức trong chương trình học đến với thực tế cuộc sống. Cô Nguyễn Thị Thảo Vân, giáo viên môn Khoa học tự nhiên (Trường THCS Phan Bội Châu) trực tiếp hướng dẫn dự án cho học sinh của trường cho hay, nghiên cứu khoa học là một trong những hình thức của phương pháp giáo dục STEM. Hình thức này đòi hỏi giáo viên, học sinh phải đầu tư, nỗ lực nhiều hơn nhưng bù lại là giúp giáo viên có thêm những kỹ năng tổ chức lớp học sáng tạo, kết nối kiến thức liên môn. Đồng thời giúp học sinh hình thành kỹ năng giải quyết vấn đề thực tế thông qua áp dụng kiến thức được học tại trường; làm quen với việc nghiên cứu khoa học; tự tin hơn trong giao tiếp… Riêng đối với dự án đã nghiên cứu, các em cũng có thể mở rộng sản xuất trên quy mô lớn và chuyển hướng theo hình thức khởi nghiệp ở bậc THPT.

Cô Nguyễn Thị Thảo Vân và hai em Nguyễn Xuân Nhi, Nguyễn Phan Bảo Ngân thảo luận về hướng phát triển của dự án “Quy trình tạo dung dịch bảo quản trái cây tươi từ củ cây sâm đất và vitamin C”.

Theo Phòng GD-ĐT TP. Buôn Ma Thuột thì phương pháp giáo dục STEM được triển khai phổ biến tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn khoảng vài năm trở lại đây. Tùy theo độ tuổi của học sinh mà các trường có hình thức triển khai phù hợp như: tiết học STEM, nghiên cứu khoa học… Trong đó, phổ biến nhất vẫn là tổ chức Ngày hội STEM bởi hình thức này phù hợp với mọi lứa tuổi học sinh, dễ thực hiện và thu hút được nhiều học sinh tham gia.

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc